Văn phòng Thừa phát lại Sài Gòn – Khát vọng bay xa!
Với tên gọi Văn phòng Thừa phát lại Sài Gòn, Chúng tôi tự hào về Nghề Thừa phát lại cùng với hoài bão xây dựng Nghề Thừa phát lại phát triển vững mạnh, phụng sự xã hội, phục vụ lợi ích hợp pháp của khách hàng. Đồng thời, Chúng tôi cũng tự đặt lên vai trách nhiệm phải xứng đáng với tên gọi mà mình đã phải cố gắng thật nhiều mới đạt được.
Mười năm theo đuổi
Hôm nay, ngày 23/9/2020, kỷ niệm 75 năm ngày Nam bộ kháng chiến, thật tình cờ cũng là ngày Văn phòng Thừa phát lại Quận Thủ Đức được phép đổi tên thành Văn phòng Thừa phát lại Sài Gòn. Điều này mang lại cho Tôi và các Cộng sự ở Văn phòng nhiều cảm xúc khó tả. Vì vậy, Tôi viết đôi dòng bày tỏ cảm xúc của mình và cũng để nói thêm đôi điều về tên Văn phòng Thừa phát lại Sài Gòn. Đó không phải là cảm xúc nhất thời mà là cả quá trình theo đuổi suốt hơn 10 năm qua kể từ khi tôi làm Thừa phát lại.
Trên thế giới, Thừa phát lại đã xuất hiện từ rất lâu đời. Ở Việt Nam, Thừa phát lại xuất hiện từ thời kỳ Pháp thuộc. Sau Cách mạng tháng 8/1945, Thừa phát lại vẫn được tiếp tục hoạt động. Vì nhiều nguyên nhân lịch sử, Thừa phát lại chỉ hoạt động ở Miền Nam đến năm 1975. Sau khi đất nước thống nhất, Nhà nước ta sử dụng hệ thống cơ quan thi hành án dân sự cho đến bây giờ. Từ 2010, thực hiện chủ trương cải cách tư pháp, Thừa phát lại bắt đầu được thí điểm trở lại với sự kiện 05 VPTPL đầu tiên được thành lập tại thành phố Hồ Chí Minh. Có thể nói rằng, Sài Gòn là địa danh, là tên gọi, là một điều gì đó rất đặc biệt đối với nghề Thừa phát lại.
Chính vì vậy, năm 2010, khi cùng anh Lê Mạnh Hùng thành lập VPTPL Quận Bình Thạnh (nay là VPTPL TP. Hồ Chí Minh), chúng tôi đã gửi hồ sơ thật sớm, với mong muốn được đặt tên Văn phòng là VPTPL Sài Gòn. Tuy nhiên, quan điểm của Thành phố là Thừa phát lại mới bắt đầu thí điểm, lại gắn liền với địa hạt thi hành án theo Quận, Huyện, nên đề nghị các Văn phòng lấy tên Quận, Huyện làm tên Văn phòng. Chủ trương này vẫn thực hiện đến hết thời gian thí điểm.
Sau này, Tôi chuyển về VPTPL Q. Thủ Đức, đến khi hết thời gian thí điểm (31/12/2015) và thực tế Thừa phát lại đã được mở rộng phạm vi lên cả nước, việc đặt tên của các VPTPL cũng được thực hiện tự do theo Luật Doanh nghiệp, Chúng tôi lại một lần nữa đề nghị đổi tên Văn phòng sang VPTPL Sài gòn. Tuy nhiên, yêu cầu này chưa được thực hiện vì thiếu thủ tục hướng dẫn việc đổi tên. Chúng tôi tiếp tục chờ đợi.
Ngày 08/01/2020, Nghị định 08 về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại được ban hành, trong đó có quy định về thủ tục chuyển đổi loại hình, tên gọi của VPTPL, Chúng tôi lại đề nghị được đổi tên, quá trình này kéo dài đến nay. Ngày 23/9/2020, Chúng tôi được UBND Thành phố Hồ Chí Minh cho phép chuyển đổi mô hình sang Công ty hợp danh, và được Sở Tư pháp cấp giấy đăng ký hoạt động với tên gọi: Văn phòng Thừa phát lại Sài Gòn.
Kể chi tiết một quá trình như vậy để thấy rằng, Chúng tôi đã kiên trì chờ đợi và theo đuổi tên Văn phòng Thừa phát lại Sài Gòn suốt hơn 10 năm qua!
Với tên gọi Văn phòng Thừa phát lại Sài Gòn, Chúng tôi tự hào về Nghề Thừa phát lại cùng với hoài bão xây dựng Nghề Thừa phát lại phát triển vững mạnh, phụng sự xã hội, phục vụ lợi ích hợp pháp của khách hàng. Đồng thời, Chúng tôi cũng tự đặt lên vai trách nhiệm phải xứng đáng với tên gọi mà mình đã phải cố gắng thật nhiều mới đạt được.
Từ Thủ Đức đến Sài Gòn - Khát vọng bay xa
Văn phòng Thừa phát lại Quận Thủ Đức được thành lập từ năm 2014 và gắn bó với các cơ quan Nhà nước, người dân Thủ Đức nói riêng và TP. Hồ Chí Minh nói chung cho đến bây giờ.
Đổi tên từ Văn phòng Thừa phát lại Q. Thủ Đức thành Văn phòng Thừa phát lại Sài Gòn không phải là sự từ bỏ cái tên Thủ Đức nghĩa tình và thân thuộc, mà chỉ thể hiện khát vọng bay cao, bay xa về nghề nghiệp cùng với sự mở rộng về thẩm quyền lập vi bằng, thi hành án, tống đạt của Văn phòng, như suối nguồn hòa vào sông lớn.
Văn phòng Thừa phát lại Sài Gòn trong tương lai vẫn là một thành viên của Thành phố Thủ Đức sáng tạo, nghĩa tình. Cũng như thành phố Thủ Đức, một Thành phố trong Thành phố, Văn phòng thừa phát lại Sài Gòn là một thành viên của Thừa phát lại Thành phố Hồ Chí Minh, cùng góp sức xây dựng, đào tạo, phát triển Nghề Thừa phát lại ngày càng phát triển, phục vụ lợi ích nhân dân và nhiệm vụ chung của Thành phố thân yêu.
Sự thay đổi về tên gọi là bước chuyển mình lớn lao của Văn phòng, cũng là thành quả sau thời gian dài chờ đợi và cố gắng, nhưng trên hết, nó thể hiện khát vọng của Tập thể Văn phòng muốn cống hiến cho nghề nghiệp, cho xã hội, cho nhân dân, xứng đáng với danh xưng - Thừa phát lại Sài Gòn.
Đôi dòng tâm sự, mong có thể truyển tải được phần nào ý chí, nguyện vọng, ước mơ của cá nhân Tôi và các Cộng sự nhân ngày Văn phòng khoác lên tên mới. Ước mong luôn được mọi người yêu thương và ủng hộ!
Thân ái!
Thủ Đức, ngày 23 tháng 9 năm 2020
Nguyễn Tiến Pháp và các Công sự