Video

Văn phòng Thừa phát lại

Thống kê
Vistited  
Online  

Từ hôm nay, nhiều sai phạm của Thừa phát lại sẽ bị xử phạt hành chính

Tuesday, 01/09/2020, 09:20 GMT+7

Từ hôm nay, nhiều sai phạm của Thừa phát lại sẽ bị xử phạt hành chính

TPL Thủ Đức - Nghị định số 82/2020/NĐ-CP ngày 15/07/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã chính thức có hiệu lực từ ngày 01/09/2020. 

Điểm đáng chú ý của Nghị định này là lần đầu tiên, các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực Thừa phát lại được quy định chi tiết và có chế tài xử phạt tương ứng.

Một số hành vi bị xử phạt đáng lưu ý liên quan đến Thừa phát lại bao gồm:

Đối với các hành vi vi phạm về hồ sơ đề nghị bổ nhiệm thừa phát lại, đăng ký văn phòng thừa phát lại:

  1. Tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung giấy tờ, văn bản do cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền cấp trong hồ sơ đề nghị bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, đăng ký hành nghề thừa phát lại có thể bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng;
  2. Khai không trung thực, che giấu thông tin của cá nhân, tổ chức trong hồ sơ đề nghị bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm có thể bị phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.
  3. Xác nhận không đúng thời gian công tác pháp luật để đề nghị bổ nhiệm thừa phát lại có thể bị phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng.

Đối với hành vi của Thừa phát lại

  1. Không mặc trang phục thừa phát lại hoặc không đeo thẻ thừa phát lại theo quy định có thể bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng.
  2. Sửa lỗi kỹ thuật vi bằng không đúng quy định; không ký vào từng trang của vi bằng theo quy định có thể bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng.
  3. Tống đạt giấy tờ, hồ sơ, tài liệu theo yêu cầu của Tòa án, Viện kiểm sát, cơ quan thi hành án dân sự không đúng quy định có thể bị phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.
  4. Lập vi bằng vi phạm đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình theo quy định của Bộ luật Dân sự; trái đạo đức xã hội; Lập vi bằng ghi nhận sự kiện, hành vi để chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản mà không có giấy tờ chứng minh quyền sử dụng, quyền sở hữu theo quy định của pháp luật có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng.
  5. Cho người khác sử dụng quyết định bổ nhiệm, bổ nhiệm lại thừa phát lại để hành nghề thừa phát lại; Cho người khác sử dụng thẻ thừa phát lại để hành nghề thừa phát lại; Sử dụng quyết định bổ nhiệm, bổ nhiệm lại thừa phát lại hoặc thẻ thừa phát lại của người khác để hành nghề thừa phát lại có thể bị phạt tiền 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.
  6. Lập vi bằng ghi nhận sự kiện, hành vi mà thừa phát lại không trực tiếp chứng kiến; Thông đồng với người yêu cầu và những người có liên quan làm sai lệch nội dung của vi bằng, hồ sơ công việc thì bị tước quyền sử dụng thẻ thừa phát lại từ 09 tháng đến 12 tháng.

DSC01781

Đối với hành vi của văn phòng thừa phát lại

  1. Không niêm yết lịch làm việc hoặc nội quy tiếp người yêu cầu tại trụ sở văn phòng thừa phát lại; Không niêm yết thủ tục hoặc chi phí thực hiện công việc tại trụ sở văn phòng thừa phát lại; Sử dụng biển hiệu không đúng mẫu quy định; Không bảo đảm trang phục cho thừa phát lại theo quy định bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng.
  2. Không tạo điều kiện cho thừa phát lại tham gia bồi dưỡng nghiệp vụ; Tống đạt giấy tờ, hồ sơ, tài liệu ngoài phạm vi hoặc không đúng thẩm quyền; Nhận tập sự hành nghề thừa phát lại mà văn phòng thừa phát lại không đủ điều kiện nhận tập sự theo quy định; Lập vi bằng mà không có hợp đồng dịch vụ hoặc hợp đồng dịch vụ có nội dung không đúng quy định; Gửi vi bằng, tài liệu chứng minh về Sở Tư pháp để đăng ký không đúng thời hạn quy định bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng.
  3. Không có biển hiệu theo quy định; Không lập, quản lý, sử dụng sổ sách, biểu mẫu theo quy định; Không gửi vi bằng, tài liệu chứng minh về Sở Tư pháp để đăng ký theo quy định; Hoạt động không đúng địa chỉ trụ sở ghi trong giấy đăng ký hoạt động; Mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho thừa phát lại không đầy đủ hoặc không liên tục bị phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng
  4. Tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung quyết định cho phép thành lập, giấy đăng ký hoạt động của văn phòng thừa phát lại; Đăng ký hoạt động không đúng thời hạn theo quy định; Thực hiện sản xuất, kinh doanh, dịch vụ ngoài hoạt động thừa phát lại; Không mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho thừa phát lại của văn phòng mình bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng.
  5. Mở chi nhánh, văn phòng đại diện, cơ sở, địa điểm giao dịch ngoài trụ sở văn phòng thừa phát lại; Không đăng ký hành nghề cho thừa phát lại của văn phòng mình theo quy định; Cho người không phải là thừa phát lại của văn phòng mình hành nghề thừa phát lại dưới danh nghĩa văn phòng mình bị phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.

Theo đánh giá của tác giả, Nghị định số 82/2020/NĐ-CP ngày 15/07/2020 đã tổng hợp đầy đủ và đưa ra các chế tài cần thiết áp dụng cho các hành vi vi phạm của thừa phát lại, văn phòng thừa phát lại được nêu trong Nghị định số 08/2020/NĐ-CP ngày 08/01/2020 về tổ chức và hoạt động của thừa phát lại. Có một số hành vi trong thời gian vừa qua, thừa phát lại có mắc phải nhưng do chưa có chế tài xử lý nên Sở Tư pháp các địa phương chỉ nhắc nhở, rút kinh nghiệm như về sửa lỗi kỹ thuật, không ký từng trang vi bằng… thì nay đã có chế tài xử lý. Tuy nhiên, cũng có một số hành vi nêu tại Nghị định số 82/2020/NĐ-CP nhưng do chưa có quy định hướng dẫn chi tiết nên có thể chưa khả thi trên thực tế như về biển hiệu văn phòng thừa phát lại, trang phục thừa phát lại (trước đây Nghị định số 03/2009/TT-BTP ngày 30/09/2009 có quy định trang phục thừa phát lại nhưng văn bản này đã hết hiệu lực từ ngày 20/04/2014).

Là văn bản pháp lý đầu tiên quy định chế tài xử phạt cụ thể về mặt hành chính của hoạt động thừa phát lại, Nghị định số 82/2020/NĐ-CĐ được kỳ vọng sẽ thúc đẩy thừa phát lại, văn phòng thừa phát lại nâng cao ý thức, trách nhiệm tuân thủ quy định pháp luật, cẩn trọng trong từng hoạt động, qua đó giúp ngành nghề này có nhiều đóng góp hơn cho đời sống pháp lý.


Written : TPL Đức Hoài

Search date :    

Go Top
Đăng ký tư vấn
Công ty luật FUJILAW