So sánh thú vị giữa Thừa phát lại Pháp và Việt Nam
Chế định Thừa phát lại ở Pháp đã tồn tại từ lâu đời và là 1 trong những cái nôi của nghề Thừa phát lại trên toàn thế giới. Thừa phát lại ở Pháp hiện tại thực hiện các mảng công việc rất đa dạng và uy tín Thừa phát lại trong xã hội rất là cao.
Chế định Thừa phát lại ở Pháp đã tồn tại từ lâu đời và là 1 trong những cái nôi của nghề Thừa phát lại trên toàn thế giới. Thừa phát lại ở Pháp hiện tại thực hiện các mảng công việc rất đa dạng và uy tín Thừa phát lại trong xã hội rất là cao.
Hình. Biểu trưng Thừa phát lại Pháp
1. Thừa phát lại ở Pháp có nguồn thu chủ yếu từ hoạt động thi hành án còn ở Việt Nam, Thừa phát lại đang có nguồn thu chủ yếu từ lập vi bằng.
2. Thừa phát lại Pháp có quyền đại diện cho khách hàng trước Tòa án (Tòa thương mại) và đại diện khách hàng khiếu nại trước Tòa án tương tự vai trò luật sư (trừ những trường hợp mà chỉ Luật sư mới có quyền đại diện như ở Tòa Thượng thẩm) còn Thừa phát lại Việt Nam thì không.
3. Thu hồi nợ là một công việc được phép của Thừa phát lại tại Pháp còn Việt Nam thì không. Việc thu hồi nợ trong trường hợp này được thực hiện theo phương pháp tùy ý của Thừa phát lại nhưng phải hoàn toàn tôn trọng nguyên tắc về đạo đức.
4. Ở Pháp, thi hành án dân sự là công việc độc quyền của Thừa phát lại (Kho bạc Nhà nước cũng là 1 khách hàng lớn của Thừa phát lại) còn ở Việt Nam, công việc này Thừa phát lại chia sẻ công việc với các cơ quan thi hành án dân sự nhà nước.
5. Tống đạt văn bản là công việc độc quyền của Thừa phát lại Pháp, còn ở Việt Nam, công việc tống đạt của Thừa phát lại không mang tính độc quyền mà mang tính hỗ trợ, chia sẻ với các Cơ quan ban hành văn bản cần tống đạt. Ở Pháp, ngoài tống đạt văn bản cho Tòa án, Thừa phát lại còn tống đạt văn bản cho tư nhân khi có yêu cầu. Ở Việt Nam, Thừa phát lại chỉ tống đạt văn bản cho Tòa án và Cơ quan thi hành án dân sự công.
Hình. Thừa phát lại Nguyễn Tiến Pháp tại TP.HCM đang lập vi bằng
6. Ở Pháp, Thừa phát lại và các tổ chức hành nghề Thừa phát lại bị hạn chế trong hoạt động quảng cáo, quảng bá về mình. Bộ quy tắc đạo đức nghề nghiệp của Thừa phát lại Pháp quy định: "Thừa phát lại không được đích thân thực hiện hoặc cho phép ai nhân danh mình thực hiện bất kỳ hành vi quảng cáo nào". Việc quảng cáo trang Web của Thừa phát lại cũng không được phép: "Không chấp nhận bất cứ hình thức hiển thị kết quả tra cứu dựa trên việc mua từ khóa...". Ở Việt Nam, việc quảng bá cho Văn phòng hiện nay không bị cấm hay hạn chế.
7. Ở Pháp, trong 1 số trường hợp, Thừa phát lại có thể cử Thư ký nghiệp vụ đủ tư cách để lập vi bằng theo yêu cầu của cá nhân (Điều 15 Bộ quy tắc đạo đức nghề nghiệp Thừa phát lại của Cộng hòa Pháp). Ở Việt Nam, Thừa phát lại phải đích thân lập vi bằng, Thư ký nghiệp vụ trong mọi trường hợp chỉ đóng vai trò hỗ trợ Thừa phát lại.
8. Thừa phát lại ở Pháp có thể lập vi bằng theo Bản án của Tòa án còn Thừa phát lại ở Việt Nam thì không. Thừa phát lại phải tuân thủ nghiêm ngặt nội dung của Bản án đó, không được thêm hay bớt bất kỳ chi tiết nào. Nếu gặp khó khăn, Thừa phát lại phải báo cáo với Thẩm phán đã tuyên án (Điều 15 Bộ quy tắc đạo đức nghề nghiệp Thừa phát lại của Cộng hòa Pháp).
9. Ở Pháp, Thừa phát lại có thể được phân công hoặc được ủy quyền tham gia vào các cuộc đấu giá tài sản còn Thừa phát lại Việt Nam thì không. Khi được phân công, Thừa phát lại phải tuân thủ những nghĩa vụ của mình với tư cách công lại, cũng như những quy tắc đạo đức nghề nghiệp của ngành nghề. Khi được ủy quyền (từ bên Bán), Thừa phát lại phải tuân thủ nghĩa vụ tư vấn.
10. Thừa phát lại ở Pháp có hoạt động hết sức đa dạng bao gồm 2 mảng công việc là độc quyền và không độc quyền. Ở mảng công việc độc quyền, Thừa phát lại ở Pháp có quyền tống đạt văn bản (bao gồm văn bản của Tòa án và văn bản của tư nhân khi có yêu cầu) và thi hành lệnh của Tòa (tương tự ở Việt Nam là tổ chức thi hành án dân sự). Ở mảng công việc không độc quyền,Thừa phát lại ở Pháp có thể thực hiện: Soạn thảo văn bản (bao gồm lập vi bằng), Thu hồi nợ bằng thỏa thuận chung, Nộp khiếu kiện và đại diện cho khách hàng tại Tòa án. Ngoài 2 mảng công việc lớn kể trên, Thừa phát lại ở Pháp còn được phép thực hiện các hoạt động phụ trợ nhằm "tìm kiếm sự cân đối tài chính trong công tác quản lý văn phòng" và tham gia vào quá trình bán đấu giá tài sản. Thừa phát lại Việt Nam thực hiện 4 công việc: Tống đạt văn bản, lập vi bằng, xác minh điều kiện thi hành án và tổ chức thi hành án.