Mới đây, TAND huyện Tân Biên, Tây Ninh đã xử sơ thẩm vụ tranh chấp đòi bồi thườngthiệt hại do tài sản bị xâm phạm giữa ông NVH với bà LTTT.
Trong đơn khởi kiện, ông H. trình bày: Ông có vườn cao su 998 cây, trồng từ năm 2009, đã khai thác mủ từ năm 2015 đến nay. Vườn cao su của ông giáp đất của bà T. về hướng Bắc.
Ngày 16-9-2017, bà T. dọn dẹp, đốt rác xung quanh phần đất của bà. Do xung quanh đất bà T. trước kia là khu vực tập kết ve chai, bà T. đốt rác không có biện pháp bảo vệ an toàn trong nhiều ngày nên khói màu đen bốc lên khắp khu vực lân cận, trong đó có cả vườn cây cao su của ông H.
12 ngày sau, ông H. phát hiện vườn cây cao su của mình bị vàng lá, rụng lá nên đi trình báo chính quyền địa phương, cán bộ huyện và Sở TN&MT tỉnh Tây Ninh. Lúc này bà T. mới thuê người về bơm nước dập tắt đám cháy.
Theo ông H., bà T. đã đốt rác liên tục 12 ngày. Khói và sức nóng của đám cháy đã làm cao su của ông bị vàng, rụng lá khoảng 500 cây. Từ ngày xảy ra sự cố này, ông phải ngưng cạo mủ cao su. Vì vậy, ông yêu cầu bà T. bồi thường cho ông 23 triệu đồng.
Trong hai lần chính quyền địa phương tổ chức hòa giải sau đó, bà T. không đồng ý bồi thường nên ông H. nộp đơn khởi kiện yêu cầu tòa buộc bà T. bồi thường hơn 45 triệu đồng.
Tòa buộc bồi thường gần 32 triệu đồng
Làm việc với tòa, bà T. thừa nhận có đốt rác vào ngày 22-9-2017 nhưng không biết gần khu vực đó có hầm chứa ve chai. Đốt rác xong, bà khóa cửa về nhà, sau đó nghe người dân xung quanh báo lại sự việc nên thuê người đến bơm nước dập lửa. Sau khi xảy ra sự cố, bà có quay lại vườn cao su của ông H. để xem thiệt hại. Bà đếm chỉ có khoảng 29 cây cao su bị rụng lá, vàng lá chứ không lên tới 500 cây như ông H. trình bày. Nay ông H. yêu cầu bồi thường hơn 45 triệu đồng, bà không đồng ý vì cho rằng số tiền này chênh lệch nhiều so với khi hòa giải tại chính quyền địa phương (23 triệu đồng) và vượt quá khả năng của bà.
Trong quá trình tòa giải quyết án, ông H. thay đổi yêu cầu, chỉ yêu cầu bà T. bồi thường gần 32 triệu đồng.
Theo HĐXX, khi đốt rác, bà T. không có biện pháp bảo vệ nên lửa cháy lan sang hầm chứa ve chai. Các phế phẩm độc hại do khói và sức nóng cháy âm ỉ nhiều ngày đã ảnh hưởng tới vườn cao su của ông H., làm 474 cây bị rụng lá và vàng lá, phải ngưng cạo mủ từ ngày 28-9-2017.
Hội đồng định giá kết luận ông T. bị thiệt hại gần 32 triệu đồng, gồm thiệt hại do cao su không thu hoạch được, tiền phân bón chăm sóc phục hồi cây cao su, tiền công thuê người bỏ phân, tiền thuê công cày. Từ đó HĐXX tuyên buộc bà T. bồi thường toàn bộ thiệt hại cho ông H. với số tiền như trên.
Luật quy định sao?
Theo khoản 1 Điều 584 BLDS 2015, người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.
Theo Điều 589 BLDS 2015, thiệt hại do tài sản bị xâm phạm bao gồm tài sản bị mất, bị hủy hoại hoặc bị hư hỏng. Lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản bị mất, bị giảm sút. Chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại. Thiệt hại khác do luật quy định.
|