Video

Văn phòng Thừa phát lại

Thống kê
Vistited  
Online  

Điểm lại 20 dấu mốc và sự kiện lịch sử trong quá trình xây dựng, phát triển Ngành Tư pháp

Friday, 28/08/2020, 10:43 GMT+7

Điểm lại 20 dấu mốc và sự kiện lịch sử trong quá trình xây dựng, phát triển Ngành Tư pháp

Nhân dịp kỷ niệm 75 năm xây dựng và pháp triển của Ngành Tư pháp Văn phòng Thừa phát lại Quận Thủ Đức gửi lời chúc đến tất cả các anh chị em đang hoạt động trong ngành Tư pháp luôn có nhiều sức khỏe, hạnh phúc và tiếp tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Điểm lại 20 dấu mốc và sự kiện lịch sử trong quá trình xây dựng, phát triển Ngành Tư pháp:

1. Ngày 28/8/1945, Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo đã ra Tuyên cáo trước Quốc dân đồng bào, cũng như toàn thế giới, về việc thành lập Nội các Thống nhất quốc gia gồm 12 bộ, trong đó có Bộ Tư pháp do Ông Vũ Trọng Khánh làm Bộ trưởng.
2. Ngày 30/11/1945, Bộ trưởng Bộ Tư pháp (ông Vũ Trọng Khánh) ban hành Nghị định số 37 – Nghị định đầu tiên về tổ chức Bộ Tư pháp. Nghị định gồm 04 điều, quy định tổ chức Bộ Tư pháp gồm có một Văn phòng và 05 phòng sự vụ: (1) Phòng Nhất:  Phòng Sự vụ nội bộ; (2) Phòng Nhì: Phòng Viên chức và Kế toán; (3) Phòng Ba: Phòng Giám đốc hộ vụ; (4) Phòng Tư: Phòng Giám đốc hình vụ; (5) Phòng Năm: Phòng Giám đốc quản trị các nhà lao và giáo dục tù nhân.
3. Ngày 19/7/1946,Chủ tịch Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa đã ban hành Sắc lệnh số 130/SL quy định về thể thức thi hành mệnh lệnh hoặc bản án của Tòa án. Có thể nói, đây là văn bản đầu tiên của Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa quy định riêng về công tác thi hành án, thẩm quyền và thể thức thi hành bản án. Sự kiện này đã đi vào lịch sử hình thành và phát triển của Hệ thống thi hành án dân sự, khẳng định hoạt động thi hành án dân sự đã sớm trở thành công cụ quan trọng tham gia bảo vệ chính quyền nhân dân ngay từ những ngày đầu của Nhà nước cách mạng.
4.  Ngày 09/11/1946, Quốc hội khoá I, tại kỳ họp thứ 2 đã thông qua Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam. Bản Hiến pháp có công lao đóng góp rất lớn của Bộ Tư pháp và cá nhân Bộ trưởng Vũ Trọng Khánh. Hiến pháp 1946 gồm có Lời nói đầu, 7 chương và 70 điều, trong đó có nhiều điều liên quan trực tiếp đến công việc tư pháp.
5. Ngày 29/12/1946, trong bối cảnh đất nước ta bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Thông lệnh số 12/NV-CT về tổ chức tư pháp trong tình thế đặc biệt. Theo đó, ở mỗi khu, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đặt một Giám đốc tư pháp để trông coi việc tư pháp trong khu và giúp ý kiến cho Uỷ ban bảo vệ khu mỗi khi ra quyết nghị gì có liên can đến tư pháp. Giám đốc tư pháp đặt dưới quyền kiểm soát của Ủy ban bảo vệ khu và trong trường hợp không liên lạc được với Trung ương thì Giám đốc tư pháp đặt dưới quyền điều khiển của Ủy ban bảo vệ khu.
6. Tháng 02/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho Hội nghị tư pháp toàn quốc lần thứ IV (Hội nghị diễn ra từ ngày 25-27/02/1948 tại An toàn Khu Việt Bắc). Trong thư, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Trong cuộc kháng chiến này, các bạn đã góp một phần lực lượng lớn. Từ Bộ trưởng, Thứ trưởng đến toàn thể nhân viên, ai cũng chịu khổ, chịu khó, tận tuỵ hy sinh, để làm tròn nhiệm vụ. Đó là một sự vẻ vang cho giới tư pháp ta”. Người căn dặn:“...nhiệm vụ các bạn phải tuyệt đối trung thành với chính quyền dân chủ. Tư pháp là một cơ quan trọng yếu của Chính quyền, cho nên càng phải tinh thần đoàn kết, hợp tác chặt chẽ với các cơ quan khác, để tránh những mối xích mích lẫn nhau, nó có thể vì lợi quyền nhỏ và riêng mà hại đến quyền lợi to và chung, cho cả tư pháp và hành chính.
Các bạn là những người phụ trách thi hành pháp luật. Lẽ tất nhiên các bạn cần phải nêu cái gương “Phụng công, thủ pháp, chí công vô tư” cho nhân dân noi theo”.
7. Tháng 5/1950,Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm và nói chuyện với Hội nghị học tập tư pháp trung ương (Hội nghị được tổ chức trong ba tháng, từ tháng 5 đến tháng 7/1950, tại xã Minh Thanh, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang). Về trách nhiệm của cán bộ tư pháp, Bác nói: “Vấn đề tư pháp, cũng như mọi vấn đề khác, trong lúc này, là vấn đề ở đời và làm người... Phải gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân”.
Năm 2010, Khu Di tích của Bộ Tư pháp đã được xây dựng tại địa điểm Thôn Mới, xã Minh Thanh, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang (nơi Bộ Tư pháp đặt trụ sở năm 1949-1950).
8.Ngày 10/5/1952, Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Nghị định số 48-NĐ/P2 về tổ chức cơ quan trung ương Bộ Tư pháp. Theo đó, cơ quan trung ương Bộ Tư pháp gồm có 04 đơn vị trực thuộc: Văn phòng; Vụ Hành chính tư pháp; Vụ Hình hộ; Ban Nghiên cứu pháp luật.
Nhiệm vụ của Bộ Tư pháp giai đoạn này tập trung vào công việc nghiên cứu và dự thảo các luật lệ, tham gia ý kiến vào các dự án luật lệ do bộ khác chuẩn bị, phổ biến các tài liệu pháp lý dân chủ mới; tổ chức và xây dựng bộ máy tư pháp (Tòa án các cấp, tư pháp xã, tư pháp vùng địch), trại giam, giáo hóa phạm nhân; nghiên cứu và đề nghị đường lối truy tố xét xử và hòa giải, xây dựng án lệ, giải thích áp luật áp dụng trước tòa án.
9. Ngày 26/10/1957,Thủ tướng Chính phủ ban hành Thông tư số 506-TTg về việc tổ chức các cơ quan pháp chế. Theo đó, cơ quan pháp chế gồm có Vụ Pháp chế của Thủ tướng phủ; các bộ phận pháp chế ở các Bộ; các bộ phận pháp chế ở các Văn phòng Ủy ban hành chính khu, tỉnh và thành phố.
10. Ngày 11/02/1960, Hội đồng Chính phủ ban hành Nghị định số 01-CP quy định nhiệm vụ và tổ chức của Bộ Tư pháp. Nhiệm vụ của Bộ Tư pháp được quy định thành 07 nhóm, gồm: (1) Nghiên cứu những quy định về hệ thống tổ chức và thẩm quyền của Tòa án nhân dân địa phương các cấp, của Tư pháp ở xã; hướng dẫn việc thực hiện các quy định ấy; (2) Nghiên cứu và dự thảo các bộ luật và báo đạo luật tổng hợp về dân sự, hình sự và thủ tục tố tụng; (3) Chỉ đạo công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật nhằm mục đích giáo dục cho nhân dân ý thức tuân theo pháp luật; (4) Nghiên cứu những quy định về hội thẩm nhân dân, về tổ chức luật sư, bào chữa viên, công chứng viên, giám định viên, về quản lý các tổ chức ấy; (5) Đào tạo và giáo dục cán bộ Tòa án và cán bộ Tư pháp; (6) Quản lý cán bộ và biên chế của Ngành Tư pháp theo chế độ phân cấp quản lý cán bộ và biên chế; (7) Hướng dẫn, kiểm tra và tổng kết công tác của Ngành Tư pháp.
Tổ chức của Bộ Tư pháp gồm có 05 đơn vị trực thuộc: Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Tuyên giáo, Vụ Nghiên cứu pháp luật, Trường cán bộ tư pháp, Văn phòng.

thua_phat_lai_thu_duc
11.  Ngày 14/7/1960, Quốc hội khoá II, tại kỳ họp thứ nhất, đã thông qua Luật Tổ chức Hội đồng Chính phủ. Theo Luật này, trong Hội đồng Chính phủ không còn Bộ Tư pháp.
Trong suốt 20 năm tiếp theo, công tác tham mưu về pháp luật và xây dựng pháp luật của Chính phủ do ngành Pháp chế đảm trách. Ở miền Bắc, các cơ quan pháp chế đã tích cực triển khai công tác tham mưu về pháp luật; phổ biến, giáo dục pháp luật; xây dựng khuôn khổ pháp lý cho việc kế hoạch hóa nền kinh tế quốc dân. Ở miền Nam, năm 1969, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam ra đời. Bộ Tư pháp là một trong 9 Bộ của Chính phủ lâm thời. Sau khi đất nước thống nhất, Uỷ ban Pháp chế, dưới sự lãnh đạo của các đồng chí Trần Công Tường, Nguyễn Ngọc Minh, Trần Quang Huy... đã tiếp nhận bàn giao công việc của Bộ Tư pháp thuộc Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam, đồng thời phối hợp với các cơ quan chức năng ở Trung ương rà soát, lập và trình Hội đồng Chính phủ công bố Danh mục pháp luật thống nhất áp dụng trong cả nước, bao gồm các văn bản pháp luật còn hiệu lực, để phổ biến và thi hành, tạo nên sự thống nhất về mặt pháp luật, bảo đảm pháp chế xã hội chủ nghĩa trên toàn lãnh thổ Việt Nam.
12.  Tháng 11/1981, trên cơ sở Nghị quyết của Bộ Chính trị, Bộ Tư pháp được tái thành lập theo Nghị định số 143-HĐBT ngày 22/11/1981 của Hội đồng Bộ trưởng để kế thừa, mở rộng chức năng, nhiệm vụ của Uỷ ban Pháp chế, đồng thời tiếp nhận lại nhiệm vụ quản lý các Toà án địa phương về mặt tổ chức.
13. Ngày 17/4/1993, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khoá IX thông qua Pháp lệnh Thi hành án dân sự (thay thế Pháp lệnh đầu tiên được Hội đồng Nhà nước thông qua năm 1989).Từ Pháp lệnh này, nhiệm vụ THADS được chuyển cho một hệ thống cơ quan nhà nước mới thành lập và đi vào hoạt động từ ngày 01/7/1993 – đó là Hệ thống cơ quan Thi hành án dân sự. Việc ra các quyết định về thi hành án trước đây thuộc thẩm quyền của Chánh án Toà án, thì nay thuộc thẩm quyền của Thủ trưởng cơ quan Thi hành án.
Tiếp đó, ngày 02/6/1993, Chính phủ ban hành Nghị định số 30/CP về tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan quản lý công tác thi hành án dân sự và Chấp hành viên. Theo đó, các cơ quan quản lý công tác THADS gồm Cục Quản lý THADS thuộc Bộ Tư pháp, Phòng Quản lý thi hành án thuộc Bộ Quốc phòng; các cơ quan THADS gồm Phòng Thi hành án thuộc Sở Tư pháp, Phòng Thi hành án quân khu và cấp tương đương, Đội thi hành án thuộc Phòng Tư pháp cấp huyện.
14. Ngày 04/6/1993, Chính phủ ban hành Nghị định số 38/CP về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Tư pháp thay thế Nghị định số 143-HĐBT ngày 22/11/1981. Theo Nghị định này, Bộ Tư pháp là cơ quan của Chính phủ thực hiện chức năng quản lý Nhà nước thống nhất về công tác tư pháp; xây dựng và tham gia xây dựng pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật; quản lý về mặt tổ chức Toà án nhân dân địa phương, Toà án quân sự quân khu và tương đương, Toà án quân sự khu vực (gọi chung là Toà án địa phương); đào tạo, bồi dưỡng cán bộ pháp lý và quản lý các công tác tư pháp khác được Chính phủ giao.
15.  Ngày 06/6/2003, Chính phủ ban hành Nghị định số 62/2003/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp thay thế Nghị định số 38/CP.Theo Nghị định này, Bộ Tư pháp là cơ quan của Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác xây dựng pháp luật, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật, thi hành án dân sự, hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp và công tác tư pháp khác trong phạm vi cả nước; thực hiện quản lý nhà nước các dịch vụ công thuộc phạm vi quản lý của Bộ theo quy định của pháp luật. 

16. Tháng 5 và 6 năm 2005, Bộ Chính trị liên tiếp ban hành 02 nghị quyết quan trọng liên quan đến công tác tư pháp: (i) Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 về chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020; (ii) Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020. Các nghị quyết này đã tạo cơ sở chính trị, là định hướng và chiến lược xuyên suốt cho Bộ, Ngành Tư pháp tham mưu với Quốc hội, Chính phủ, chính quyền các cấp xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật của đất nướcđồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, trọng tâm là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân; đẩy mạnh cải cách tư pháp, trong đó chú trọng hoàn thiện chính sách pháp luật về hình sự, dân sự và nhất là xã hội hóa mạnh mẽ các hoạt động trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, giúp phát triển các nghề tư pháp, tạo thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp.
17. Ngày 09/9/2009, Chính phủ ban hành Nghị định số 74/2009/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự năm 2008 về cơ quan quản lý thi hành án dân sự, cơ quan thi hành án dân sự và công chức làm công tác thi hành án dân sự. Theo đó, Cục Thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp được nâng cấp lên thành Tổng cục THADS, Thi hành án dân sự cấp tỉnh được nâng cấp thànhCục THADS cấp tỉnh trực thuộc Tổng cục THADS và Thi hành án dân sự cấp huyện được nâng cấp thành Chi cục THADS là cơ quan trực thuộc Cục THADS.
18. Ngày 13/3/2013, Chính phủ ban hành Nghị định số 22/2013/NĐ-CPquy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp thay thế Nghị định số 62/2003/NĐ-CP. Theo Nghị định này, Bộ Tư pháp là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác xây dựng và thi hành pháp luật, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, kiểm soát thủ tục hành chính, phổ biến, giáo dục pháp luật; quản lý nhà nước vềthi hành án dân sự, thi hành án hành chính, hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp, bồi thường nhà nước trong hoạt động quản lý hành chính và thi hành án và các công tác tư pháp khác trong phạm vi cả nước; quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; quản lý nhà nước các dịch vụ công trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ. 

19.  Ngày 28/11/2013, Quốc hội khoá XIII, tại kỳ họp thứ 6, đã thông qua Hiến pháp năm 2013. Trong quá trình tổng kết thi hành Hiến pháp năm 1992 và xây dựng Hiến pháp mới này, Bộ, Ngành Tư phápđã huy động trí tuệ, tâm huyết của toàn Ngành góp phần tích cực, có hiệu quả vào quá trình xây dựng Hiến pháp với những giá trị đặc trưng về Nhà nước pháp quyền, về quyền con người, quyền cơ bản của công dân, thúc đẩy toàn diện công cuộc đổi mới, đáp ứng yêu cầu xây dựng, bảo vệ, phát triển và hội nhập quốc tế của nước ta.
20. Ngày 16/8/2017,Chính phủ ban hành Nghị định số 96/2017/NĐ-CPquy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp thay thế Nghị định số 22/2013/NĐ-CP.
Theo đó, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ, Ngành Tư phápđối với công tác kiểm soát thủ tục hành chính được chuyển giao trở lại cho Văn phòng Chính phủ, Văn phòng các Bộ, cơ quan ngang Bộ và Văn phòng UBND tỉnh/thành phố.

Nguồn: https://moj.gov.vn/


Written : sythong

Search date :    

Go Top
Đăng ký tư vấn
Công ty luật FUJILAW