Cần "rộng cửa" cho mô hình Thừa phát lại
Liên tiếp trong tháng 4 và tháng 5 này, hai văn phòng thừa phát lại (TPL) đầu tiên của Hà Nội đã khai trương và chính thức đi vào hoạt động, đánh dấu một nghề mới trong thị trường cung cấp dịch vụ pháp lý ở Thủ đô.
Liên tiếp trong tháng 4 và tháng 5 này, hai văn phòng thừa phát lại (TPL) đầu tiên của Hà Nội đã khai trương và chính thức đi vào hoạt động, đánh dấu một nghề mới trong thị trường cung cấp dịch vụ pháp lý ở Thủ đô.
Dẫu đã có những tín hiệu khởi đầu suôn sẻ, song để người dân Thủ đô nhìn nhận TPL như một công cụ đắc lực giảm tải cho cơ quan nhà nước, hỗ trợ người dân trong công tác xét xử, thi hành án, đòi hỏi sự cố gắng của bản thân mỗi TPL, sự vào cuộc tích cực từ các ngành, các cấp liên quan.
Hình. Văn phòng Thừa phát lại Q. Hà Đông
Chủ yếu lập vi bằng
Không giống như trụ sở các chi cục thi hành án dân sự (THADS) quận, huyện trên địa bàn Hà Nội, phòng đón tiếp của hai văn phòng TPL đầu tiên của Hà Nội ở hai quận Hà Đông và Ba Đình đều được trang bị nhiều ghế tốt, có nước phục vụ khách, có người đón tiếp nhiệt tình. Những người đến tỏ ra thoải mái chờ, dù căn phòng không rộng nhưng tiện nghi, mát mẻ. Chứng kiến nhân viên chủ động kiểm tra các giấy tờ cần để thực hiện các dịch vụ, ai nấy khi được hỏi đều khẳng định, nếu thực hiện nhanh, suôn sẻ thì sẽ tiếp tục quay lại dịch vụ tư này.
Chị Nguyễn Thị Mơ (ở phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình) cho biết, chị đã được nghe về hiệu quả của hoạt động TPL nên khi biết tin đã có văn phòng TPL trên địa bàn là chị đến tìm hiểu, sử dụng dịch vụ này. Theo chị, việc UBND TP Hà Nội cho phép thí điểm thành lập văn phòng TPL để làm các công việc: Tống đạt các văn bản, quyết định của tòa án hoặc cơ quan thi hành án dân sự (THADS); trực tiếp tổ chức THA các bản án, quyết định của tòa án theo yêu cầu của đương sự là rất đáng phấn khởi. Đặc biệt, việc văn phòng TPL được xác lập văn bản (vi bằng) ghi nhận tình trạng nhà khi xây dựng, cho thuê, thế chấp; tài sản trước, trong và sau hôn nhân; hành vi chiếm giữ nhà, tài sản, trụ sở lấn chiếm trái luật, gây ô nhiễm, tiếng ồn; hàng giả, kém chất lượng bày bán; sự chậm trễ trong xây dựng công trình... hay cả sự kiện đến hạn không trả tiền, trả nhà, bàn giao công trình, giao nhận tiền, hàng hóa... là "đánh" trúng nhu cầu cấp thiết của người dân, cơ quan tổ chức hiện nay.
Không những thế, triển khai mô hình này còn giúp các cơ quan THADS nâng cao ý thức, trách nhiệm, tạo cơ chế vừa phối hợp, hỗ trợ vừa cạnh tranh lành mạnh trong lĩnh vực THA, hứa hẹn góp phần hạn chế một số tiêu cực trong hoạt động THA. Quan trọng hơn, sự hiện diện của các văn phòng TPL bên cạnh các cơ quan THA của Nhà nước đã tạo điều kiện để người dân có thêm sự lựa chọn phù hợp với năng lực, điều kiện của cá nhân khi yêu cầu THADS; tạo cơ chế tăng cường tính chủ động, tích cực của công dân trong các quan hệ dân sự, tố tụng dân sự.
Hình. Văn phòng Thừa phát lại Ba Đình
Vẫn cần sự hỗ trợ
Chưa có thống kê, hiệu quả cụ thể từ Văn phòng TPL quận Hà Đông bởi đơn vị này mới thành lập ngày 6-5 vừa rồi. Nhưng với Văn phòng TPL quận Ba Đình, sau gần một tháng hoạt động đã có tín hiệu khả quan. Khác với thái độ khá dè dặt với báo chí trong ngày mới khai trương, ông Nguyễn Văn Lạng, nguyên chấp hành viên trung cấp, nguyên Chi cục trưởng Chi cục THADS quận Ba Đình, nay là Trưởng văn phòng TPL quận Ba Đình nhìn nhận, việc thí điểm chế định TPL là một giải pháp mang tính đột phá nhằm thực hiện chủ trương xã hội hóa một số hoạt động tư pháp đã được Đảng, Nhà nước đề ra. Hiện văn phòng đã tiếp nhận 12 yêu cầu của tổ chức và cá nhân, chủ yếu là nhu cầu lập vi bằng ghi nhận sự kiện, hành vi tạo lập chứng cứ trước tòa phục vụ công tác xét xử. Đến nay đã lập 5 vi bằng, thu 15 triệu đồng và chuẩn bị để ký hợp đồng tống đạt văn bản tới các cơ quan THADS và TAND theo địa hạt được phân công. Có điều không vui là qua tiếp xúc và trao đổi, hầu hết cán bộ cấp phường chưa hiểu gì về vị trí, vai trò, nhiệm vụ của TPL. Mặt khác, trước nay hầu hết các công việc TPL được làm đều đang do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện, vì vậy nhìn tổng thể, người dân chưa hiểu, chưa quen nhìn nhận và sử dụng TPL.
Ông Nguyễn Văn Lạng cũng cho rằng, do đang trong giai đoạn thí điểm, các văn phòng TPL vẫn còn đang vừa làm, vừa học, vừa dần ổn định, từng bước hình thành cơ chế quản lý, điều hành nội bộ. Đội ngũ TPL, thư ký nghiệp vụ và nhân viên giúp việc tại các văn phòng TPL vẫn còn thiếu. Để dịch vụ mới mẻ này được người dân tin tưởng, tìm đến, rất cần sự phối hợp của các sở, ngành liên quan. Tại TP Hồ Chí Minh, địa phương tiên phong thực hiện thí điểm chế định này đầu tiên, Sở Tư pháp thành phố phối hợp với Tổng cục THADS xây dựng, phát hành cuốn cẩm nang TPL cấp phát cho các TPL, thư ký nghiệp vụ và một số cơ quan tư pháp; cấp sổ tay tư pháp xã, phường với công tác THA và TPL cho các xã, phường và các tài liệu giới thiệu, hướng dẫn về TPL cho các văn phòng TPL góp phần nâng cao nhận thức, kiến thức pháp lý, kỹ năng nghề nghiệp cho TPL và các cán bộ, công chức của những cơ quan, tổ chức liên quan đối với hoạt động này.
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Hànộimới, hiện chưa có văn bản pháp luật quy định đầy đủ trình tự thủ tục lĩnh vực TPL nên không ít TPL còn băn khoăn "số phận" pháp lý của mình sau khi kết thúc thời gian thí điểm. Ở một số địa phương, để mô hình phát huy hiệu quả, cấp ủy, chính quyền, các cơ quan liên quan như TAND, cơ quan THADS cần có sự phối hợp, ủng hộ, hỗ trợ thiết thực cho các văn phòng TPL. Song song đó, bản thân mỗi văn phòng TPL phải nỗ lực, chủ động vươn lên hút khách hàng bằng uy tín và chất lượng công việc, để xã hội thấy được sự tiện ích của dịch vụ này.