Ủy ban Thường vụ Quốc Hội nhất trí Kiến nghị Quốc hội xem xét chính thức thực hiện chế định Thừa phát lại
Ủy ban Thường vụ Quốc Hội nhất trí tán thành đề nghị của Ủy ban Tư pháp về việc chính thức thực hiện chế định Thừa Phát Lại, Quốc Hội sẽ ban hành Nghị quyết để thực hiện chế định Thừa Phát Lại với những điều kiện, nội dung, phạm vi, trình tự, thủ tục nhất định, sau đó giao cho Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết để làm cơ sở để ai đủ điều kiện theo Nghị quyết của Quốc Hội và Nghị định của Chính phủ thì được thực hiện hoạt động Thừa Phát Lại. Sau khi thực hiện Nghị quyết này thì tiến hành tổng kết và trình Quốc hội luật về Thừa Phát Lại
Đó là ý kiến kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp chiều 16.9 của khi cho ý kiến về Báo cáo tổng kết việc tiếp tục thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Xuân Hải
Thừa phát lại - đã được người dân lựa chọn
Báo cáo tổng kết việc tiếp tục thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại do Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường trình bày nêu rõ: Trên cơ sở kết quả thực hiện thí điểm Thừa phát lại (TPL) tại TP.Hồ Chí Minh và kết quả tổng kết, đề nghị của Chính phủ, ngày 23.11.2012, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 36/2012/QH13 về việc tiếp tục thực hiện thí điểm chế định TPL tại 13 địa phương.
Bộ trưởng Hà Hùng Cường - cho biết: Theo quy định, TPL được thực hiện các công việc: Tống đạt văn bản theo yêu cầu của Tòa án và cơ quan Thi hành án dân sự; lập vi bằng; xác minh điều kiện thi hành án và trực tiếp tổ chức thi hành án.
Theo Bộ trường Hà Hùng Cường, tính đến ngày 31.7.2015, các Văn phòng TPL đã tống đạt được 834.734 văn bản, lập 39.027 vi bằng, xác minh điều kiện thi hành án 781 việc, trực tiếp tổ chức thi hành án 322 vụ việc, đạt tổng doanh thu là 107 tỉ 552 triệu 100 nghìn đồng.
Trong các mảng công việc, hoạt động tống đạt chiếm tỉ trọng lớn với 834.734 văn bản được tống đạt và doanh thu gần 50 tỉ đồng (chiếm 44,79 % tổng doanh thu); kế đến là hoạt động lập vi bằng với 39.027 vi bằng được lập và doanh thu trên 52 tỉ đồng (chiếm 49,07% tổng doanh thu). Hoạt động xác minh điều kiện thi hành án và trực tiếp tổ chức thi hành án chiếm tỉ trọng nhỏ với 781 việc xác minh và 322 vụ việc trực tiếp tổ chức thi hành án, doanh thu của 2 loại công việc trên mới đạt gần 7 tỉ đồng (chiếm 9,28% tổng doanh thu).
Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Hiện nêu rõ, UBTP cơ bản tán thành với đánh giá của Chính phủ về kết quả thực hiện thí điểm. Hoạt động TPL đã xác định được vị trí của mình trong đời sống xã hội, tạo lập một loại hình dịch vụ pháp lý mới để người dân lựa chọn. Sự phát triển nhanh chóng cả về số lượng và chất lượng hoạt động của các văn phòng TPL khẳng định chủ trương và nội dung thí điểm đã thành công bước đầu, nhất là trong điều kiện các loại hình dịch vụ TPL cung cấp có tính chất khá mới so với hệ thống pháp luật hiện hành.
Tuy nhiên, ông Hiện cũng cho hay, ngoài những nội dung như Báo cáo của Chính phủ đã nêu, UBTP cho rằng, một số vấn đề hạn chế, bất cập cần được phân tích, đánh giá toàn diện hơn, làm cơ sở để UBTV, Quốc hội xem xét, quyết định về tổ chức và hoạt động TPL.
Cụ thể: Về chất lượng hoạt động TPL, quá trình hành nghề, một số văn phòng TPL còn những sai sót, việc tống đạt văn bản không đúng quy trình, thủ tục, chưa bảo đảm nội dung theo yêu cầu, phản hồi kết quả tống đạt chậm dẫn đến một số trường hợp phải hoãn phiên tòa hoặc hoãn phiên hòa giải; có trường hợp xác minh không chính xác, niêm yết chưa đúng trình tự, thủ tục theo quy định; việc ghi chép trong biên bản có nơi chưa chặt chẽ, còn tình trạng chỉnh sửa văn bản tống đạt; chất lượng vi bằng chưa cao, một số trường hợp lập vi bằng của TPL chồng chéo với hoạt động công chứng...
Cần ban hành nghị quyết về Thừa phát lại
Cho ý kiến về vấn đề này, Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Đức Hiền, chế định TPL đã qua hai lần thí điểm, nếu cứ tiếp tục làm thí điểm thì vẫn thế. Quan trọng nhất là xác định địa vị pháp lý của TPL như thế nào, bằng văn bản pháp luật và người sử dụng dịch vụ TPL phải trên cơ sở pháp lý của TPL như thế nào. Nếu cứ thí điểm thì sẽ khó.
Tán thành với đề nghị Ủy ban Tư pháp và Chính phủ là báo cáo với QH về việc báo cáo hai lần thí điểm chế định TPL. Trên cơ sở đó chấm dứt việc thí điểm mà nhân rộng lên. Tuy tình hình của từng địa phương mà thành lập Văn phòng TPL cho phù hợp, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Đức Hiền đề nghị.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, cần ban hành Nghị quyết về tổ chức định chế TPL này, tức là quy định những điều kiện để tổ chức Văn phòng TPL. Ngoài ra, cũng phải thể hiện rõ, phải đủ điều kiện ấy mới làm được, giao cho Chính phủ phải xây dựng Nghị định hướng dẫn mà không cần phải ra Pháp lệnh. Sau khi làm, Chính phủ tổng kết, báo cáo QH để ban hành luật. Như vậy, là qua thí điểm thấy tốt thì cho làm chế định này.
Chủ tịch Quốc hội cũng thẳn thắn chỉ ra rằng: “Vấn đề người dân không hiểu Thừa phát lại là do các đồng chí sử dụng từ “Thừa phát lại”, sử dụng từ này ngay cả tôi cũng không hiểu Thừa phát lại là gì. Đáng nhẽ, ngay từ ban đầu phải dùng từ việt hóa để người dân dễ hiểu”.
Kết luận tại phiên họp, Phó Chủ tịch Uông Chu Lưu nói: Qua thảo luận, đa số ý kiến của UBTVQH đánh giá đây là chủ trương về xã hội hóa một số hoạt động tư pháp đã được ghi trong Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị. Đa số ý kiến của UBTVQH tán thành đề nghị của Ủy ban Tư pháp về việc dừng việc thực hiện thí điểm, mà QH sẽ ban hành Nghị quyết để thực hiện việc TPL với những điều kiện, nội dung, phạm vi, trình tự, thủ tục nhất định, sau đó giao cho Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết để làm cơ sở để ai đủ điều kiện theo Nghị quyết của QH và Nghị định của Chính phủ thì được thực hiện hoạt động TPL. Sau khi thực hiện Nghị quyết này thì tiến hành tổng kết và trình QH luật về TPL.
Nguồn: Laodong.com.vn