Ủy ban bán tài sản trước khi tòa xử
(PL)- Tòa án tuyên kê biên tài sản để thi hành án nhưng tài sản này đã bị ủy ban bán từ chín năm trước khiến cơ quan thi hành án khó xử và người dân khốn đốn.
Gần 15 năm, ông Phan Ngọc Nguyễn (43 Nguyễn Đình Khơi, quận Tân Bình, TP.HCM) ròng rã đi đòi UBND huyện Di Linh (Lâm Đồng) bồi thường thiệt hại vì phát mại tài sản của ông trái luật. Cũng từng ấy năm, ông chưa được xóa án tích do tài sản dùng để khắc phục hậu quả trả nợ cho ngân hàng đã bị UBND huyện Di Linh phát mại.
Lâm cảnh tù tội
Ông Nguyễn trình bày năm 1991, ông làm giám đốc xí nghiệp liên doanh dịch vụ sản xuất nông nghiệp. Tháng 4-1991, do cần mua phân bón, heo giống… nên ông vay gần 400 triệu đồng của Ngân hàng NN&PTNT Chi nhánh Di Linh, Lâm Đồng. Hai tháng sau, ông bị tai nạn và người khác giữ quyền giám đốc thay ông. Người này vay thêm của ngân hàng 410 triệu đồng và mất khả năng chi trả ngân hàng hơn 600 triệu đồng.
Năm 1992, ông và nhiều người khác bị khởi tố, truy tố tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản XHCN. Tài sản xí nghiệp bị kê biên gồm: 4,8 ha cà phê, nhà ở làm việc, chuồng trại nuôi heo và các tài sản khác để thi hành án (THA).
Năm 1995, ông Nguyễn bị tòa sơ thẩm xử phạt 15 năm tù về tội trên. Đến năm 2001, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM sửa án sơ thẩm, xử ông bốn năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Ông Phan Ngọc Nguyễn đang kể hành trình 15 năm đi đòi bồi thường. Ảnh: KP
Tòa tuyên kê biên cái ủy ban đã bán
Theo án tòa, ông Nguyễn phải bồi thường cho ngân hàng hơn 300 triệu đồng (vốn cộng lãi); tiếp tục kê biên tài sản của xí nghiệp. Tòa cũng tuyên nếu ông Nguyễn tự nguyện trả tiền cho ngân hàng thì được giải tỏa kê biên và nhận lại toàn bộ tài sản đã kê biên. Ngoài ra, ông phải trả cho người mua trúng đấu giá 100 triệu đồng.
Tháng 8-2001, ngân hàng yêu cầu THA hơn 300 triệu đồng và Phòng THA dân sự huyện Di Linh ra quyết định THA. Thế nhưng UBND huyện Di Linh đã bán đấu giá tài sản kê biên từ năm 1992 (trước khi tòa sơ thẩm xử ba năm). Như vậy, khi tòa phúc thẩm tuyên kê biên tài sản để THA thì tài sản này đã được UBND huyện bán xong từ chín năm trước. Người mua trúng đấu giá còn được UBND tỉnh cho phép chuyển nhượng lại nhà, đất cho người khác.
Ông Nguyễn khiếu nại đòi UBND huyện trả lại tài sản cho ông để ông trả nợ ngân hàng.
Cuối năm 2002, tại buổi làm việc liên ngành gồm Cơ quan THA dân sự tỉnh Lâm Đồng, VKSND Tối cao, VKSND tỉnh..., các cơ quan này thống nhất kết luận UBND huyện cần bãi bỏ các quyết định liên quan đến việc bán đấu giá tài sản kê biên nói trên để cơ quan THA tổ chức THA. Đồng thời, UBND tỉnh cũng hủy bỏ quyết định cho chuyển nhượng lại nhà, đất.
UBND huyện thương lượng bồi thường
Tưởng vậy là xong, ông Nguyễn chờ lấy tài sản nhưng gần 10 năm, kể từ khi họp liên ngành năm 2002 đến năm 2012, UBND huyện Di Linh vẫn chưa giải quyết. Ông tiếp tục khiếu nại.
Tháng 3-2012, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng giao Cục THA dân sự tỉnh này rà soát vụ việc và tìm phương án giải quyết. Cục tổ chức cuộc họp và kết luận không thể khôi phục các tài sản đã bán hóa giá vì đất đã sang nhượng lại cho nhiều người, họ đã xây nhà ở kiên cố và được cấp giấy chứng nhận. Vì vậy, UBND huyện cần tổ chức đối thoại với ông Nguyễn để tính toán bồi thường.
Năm 2014, UBND huyện gửi công văn cho Cục THA dân sự tỉnh xác định bồi thường giá trị đất và tài sản khác trên đất của ông Nguyễn là hơn 2,7 tỉ đồng (đất nông nghiệp 3,7 ha tính 100%; nhà ở, nhà làm việc, hai dãy chuồng heo, sân phơi tính 50%); bồi thường 177.000 đồng/cây cà phê. Trên cơ sở này, Cục đề xuất với UBND tỉnh bồi thường cho ông Nguyễn số tiền trên.
Ông Trần Hữu Thọ, Cục trưởng Cục THA dân sự tỉnh Lâm Đồng, cho biết: “Ngay sau khi nhận nhiệm vụ, tôi chủ động giải quyết ngay vụ ông Nguyễn. Chúng tôi đã tổ chức nhiều cuộc họp, khảo sát thực tế để sớm tính tiền bồi thường cho ông ấy”.
Tuy nhiên, ông Nguyễn không đồng ý tiền bồi thường vì ông cho rằng đất của ông là 4,8 ha (không phải 3,7 ha) và giá đất 80.000 đồng/m2. Ông yêu cầu bồi thường thiệt hại do thu nhập thực tế bị mất từ 4.167 cây cà phê trong 23 năm với hơn 9 tỉ đồng. Tổng cộng, ông yêu cầu UBND huyện bồi thường hơn 12 tỉ đồng.
Ngày 25-3-2016, Văn phòng Chính phủ có công văn chỉ đạo chủ tịch tỉnh xem xét, giải quyết dứt điểm khiếu nại của ông Nguyễn và báo cáo Thủ tướng kết quả trước ngày 31-5-2016.
Tháng 4-2016, tại buổi đối thoại với UBND huyện, ông Nguyễn đồng ý nhận tiền bồi thường 50% giá trị nhà ở, nhà làm việc, hai dãy chuồng heo. Riêng diện tích đất ông vẫn đòi 4,8 ha (theo bản án sơ thẩm, phúc thẩm, thông tin địa chính) và đơn giá 80.000 đồng/m2 (mặc dù ủy ban đã nâng giá từ 40.000 đồng/m2 lên 46.000 đồng/m2).
Đối với số tiền hơn 9 tỉ đồng từ cây cà phê, UBND huyện Di Linh mới chỉ ghi nhận chứ không giải quyết. Tại buổi này, ông Nguyễn tiếp tục đề nghị ủy ban trả trước hơn 300 triệu đồng THA cho ngân hàng làm cơ sở xóa án tích. UBND huyện nói sẽ chiết tính lại số tiền bồi thường mới.
Không cưỡng chế ủy ban được!
Sau buổi đối thoại trên, UBND huyện Di Linh đã chuyển tạm ứng hơn 300 triệu đồng để THA cho ngân hàng. Theo Luật THA hiện hành thì không có văn bản nào quy định cưỡng chế UBND huyện để tạm thu trước phần tiền bồi thường nên THA cũng phải chờ. Sau khi nhận tiền từ ủy ban, Cục THA dân sự đã chuyển ngay hồ sơ qua tòa án xem xét, giải quyết xóa án tích cho ông Nguyễn. Mới đây, UBND tỉnh chỉ đạo Sở TN&MT cùng UBND huyện kiểm tra lại phần diện tích đất chênh lệch gần 1,1 ha mà ông Nguyễn khiếu nại để giải quyết dứt điểm việc này.
Ông TRẦN HỮU THỌ,
Cục trưởng Cục THA dân sự tỉnh Lâm Đồng
Nhận đơn là xóa án tích ngay
Hiện giờ tòa án chưa nhận được đơn yêu cầu xóa án tích của ông Nguyễn. Nếu nhận đơn, tòa án sẽ giải quyết xóa án tích ngay cho ông ấy vì đã THA xong phần tiền cho ngân hàng.
Ông NGUYỄN DƯƠNG,
Phó Chánh án TAND tỉnh Lâm Đồng
|
(Nguồn: http://plo.vn/phap-luat/uy-ban-ban-tai-san-truoc-khi-toa-xu-634268.html)