Từ vụ bắt cóc giả: Cho, nhận con nuôi thế nào đúng luật?
Bà Võ Thị Kéo (Chủ tịch Hội luật gia quận Thủ đức, TP.HCM) cho biết theo Điều 2 Nghị định 19/2011 của Chính phủ (thẩm quyền đăng ký nuôi con nuôi) thì việc cho con nuôi phải tuân thủ pháp luật và phải được sự đồng ý của cả cha mẹ ruột của đứa trẻ.
Như PLO.VN đã phản ánh ngày 1-3, công an tỉnh Bình Dương nhận được tin báo của chị Nguyễn Thị Bích T. (22 tuổi, quê Hậu Giang) về việc đứa con gái 20 ngày tuổi bị bắt cóc.
Nhưng kết quả xác minh cho thấy bé gái không bị mất tích mà do chị T. dựng lên để che giấu chuyện chị đã đem con cho người khác để lấy 15 triệu đồng.
Trước đó chị T. đã tìm hiểu và thông qua mạng xã hội facebook “Hội những người cho tặng con nuôi” liên hệ, thoả thuận việc một cặp vợ chồng ở TP.HCM nuôi con gái của mình.
Người mẹ tạo hiện trường giả rồi khóc lóc hô hoán con bị mất tích. Ảnh: PLO
Vấn đề pháp lý liên quan đến vụ việc này là quy định cho và nhận con nuôi hiện nay quy định như thế nào?
Khi nào được cho, nhận con nuôi
Theo luật sư Nguyễn Quang Trung (Đoàn luật sư TP.HCM) muốn nhận và cho con nuôi hợp pháp phải đáp ứng được những điều kiện luật định được pháp luật quy định về thủ tục phải đăng ký và được sự xác nhận của cơ quan có thẩm quyền.
Ngoài ra, đối với người nhận con nuôi phải đáp ứng được các quy định tại điều 14 Luật nuôi con nuôi 2010. Chẳng hạn về độ tuổi người nhận con nuôi phải hơn con nuôi 20 tuổi trở lên, có điều kiện về sức khoẻ, kinh tế, chỗ ở đảm bảo được việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục và phải là người có tư cách đạo đức tốt không vi phạm pháp luật.
Về người được nhận nuôi phải là trẻ em dưới 16 tuổi, nếu từ 16 đến 18 tuổi thì người nhận nuôi phải là người có quan hệ họ hàng, dòng tộc như cô, cậu, dì, chú, bác ruột…
Bà Võ Thị Kéo (Chủ tịch Hội luật gia quận Thủ đức, TP.HCM) cho biết theo Điều 2 Nghị định 19/2011 của Chính phủ (thẩm quyền đăng ký nuôi con nuôi) thì việc cho con nuôi phải tuân thủ pháp luật và phải được sự đồng ý của cả cha mẹ ruột của đứa trẻ.
Trường hợp người mẹ đơn thân thì trước khi cho đứa con là phải cho những người trong gia đình, trong họ tộc, anh, chị, em ruột trong phạm vi ba đời của mình trước. Nếu những người đó từ chối thì muốn cho phải báo với UBND phường để được phòng, sở tư pháp hướng dẫn.
Việc xem xét những trường hợp xin nhận con nuôi này thì ưu tiên giải quyết cho những cho người có quốc tịch Việt Nam có nhu cầu muốn nhận con nuôi nếu không có thì mới giải quyết cho người nước ngoài đang sinh sống tại Việt Nam theo Điều 5 Luật nuôi con nuôi
Nếu là mua bán trẻ thì có thể xử lý hình sự
Luật sư Trung cũng cho biết nếu việc cho nhận con là một giao dịch mua bán thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội mua bán người theo Điều 151 BLHS (mức phạt tù cao nhất lên đến 20 năm tù).
Còn theo bà Kéo cho biết đối với những người nhận con nuôi phải có điều kiện, nếu là người trong họ tộc, gia đình thì không nhất thiết phải đáp ứng điều kiện về có nhà cửa, tài sản; với những người ngoài thì bắt buộc phải có nhà cửa, công việc làm ổn định và chỉ được xin nhận nuôi những đưa trẻ dưới 16 tuổi
Theo bà Kéo việc cho con theo một thoả thuận riêng như chị T. ở Bình Dương là sai với quy định tại Điều 6 của Nghị định 19/2011 nêu trên. Bởi chị T. phải thông báo việc cho con đến những người trong gia đình nếu không ai nhận nuôi thì phải báo cho chính quyền địa phương.
Nếu như quá khó khăn không có khả năng nuôi đứa trẻ thì chính quyền địa phương mới xem xét thực hiện các thủ tục đưa đứa trẻ vào các cơ sở nuôi dưỡng, sau đó mới tìm gia đình thay thế.
Nguồn: https://plo.vn/phap-luat/tu-vu-bat-coc-gia-cho-nhan-con-nuoi-the-nao-dung-luat-819825.html