Luật sư hay Thừa phát lại khi tham gia vào việc cho vay tiền của bạn thì cũng với tư cách là người làm chứng. Luật sư chứng cho việc vay tiền với tư cách là 1 người chứng thông thường như một người với tư cách cá nhân.
Khác với luật sư, tư cách làm chứng của Thừa phát lại là đương nhiên do pháp luật quy định và Vi bằng do Thừa phát lại lập đã có giá trị chứng cứ mà không cần chứng minh hay xác minh gì thêm.
Đối với hợp đồng vay tiền do luật sư chứng nếu xảy ra rủi ro mà các bên tranh chấp, kiện nhau ra toà thì để phục vụ cho việc giải quyết vụ việc, Toà phải mời vị luật sư đã chứng hợp đồng đó lên đối chất với tư cách là người làm chứng. Nếu vì một lý do gì đó mà vị luật sư này không thể tham gia hay có mặt tai Toà án để đối chất thì sao? Lúc đó, tuỳ trường hợp mà toà án giải quyết nhưng chắc chắn thời gian giải quyết vụ việc của vụ việc sẽ lâu hơn bình thường. Toà cũng có thể phải tiến hành thủ tục xác minh chữ ký, dấu vân tay…vv của các bên tham gia giao dịch nếu thấy cần thiết.
Còn đối với vi bằng của Thừa phát lại, nếu phát sinh tranh chấp thì các bên chỉ cần đưa vi bằng của Thừa phát lại cho toà án. Toà án sẽ căn cứ vào vi bằng để giải quyết vụ việc mà không phải mời Thừa phát lại và thư ký nghiệp vụ đã lập vi bằng cho bạn lên để đối chất. Bởi vì bản thân vi bằng đã có giá trị chứng cứ. Vi bằng của Thừa phát lại được lập theo một quy trình thủ tục chặt chẽ, bao gồm lời chứng của Thừa phát lại, hình ảnh các bên lập và ký vào hợp đồng vay, hình ảnh các bên giao nhận tiền và vi bằng được đăng ký tại sở tư pháp trong vòng 3 ngày làm việc kể từ ngày lập nên có giá trị chứng cứ cao.