Không ngại áp lực để giải quyết việc cho dân
Hà Nội là một trong những địa phương sớm áp dụng mô hình trả thủ tục tư pháp qua đường bưu điện. Thay vì phải lặn lội đến Sở Tư pháp nhận kết quả hành chính thì với từ 30-40 ngàn đồng/bộ hồ sơ, người dân sẽ được bưu điện chuyển đến tận nhà.
Dịch vụ ban đầu được áp dụng với thủ tục hành chính ở 6 lĩnh vực (trong đó có cấp Phiếu lý lịch tư pháp) đã được người dân đón nhận tích cực.
Trên cơ sở thành công của mô hình này, trong năm 2015, Sở Tư pháp Hà Nội phối hợp với Bưu điện TP Hà Nội đã tổ chức Lễ ký kết hợp đồng dịch vụ chuyển phát nhanh hồ sơ, kết quả cấp Phiếu lý lịch tư pháp (LLTP) qua mạng lưới của Bưu điện TP Hà Nội.
Theo đó, ngoài việc chuyển trả kết quả, Sở Tư pháp còn nhận hồ sơ yêu cầu cấp Phiếu LLTP qua bưu điện. Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội Tống Thị Thanh Nam cho biết, năm 2015, 99% yêu cầu cấp Phiếu LLTP đã được trả đúng hạn, trong đó có 25% cấp sớm hơn so với quy định.
100% hồ sơ hộ tịch có yếu tố nước ngoài được trả đúng hạn. Bà Nam chia sẻ thêm: “Để trả kết quả đúng hạn, nhiều khi cán bộ công chức cũng phải chịu áp lực về thời gian, tuy nhiên nếu mình cố mà lợi cho dân thì chúng tôi vẫn sẵn sàng”.
Còn tại TP Hồ Chí Minh, Sở Tư pháp TP đã phối hợp cùng Tổng công ty Bưu chính Viettel thực hiện “Đề án thí điểm cấp Phiếu LLTP qua dịch vụ bưu chính, đăng ký cấp Phiếu LLTP trực tuyến” trên địa bàn TP.
Người dân sẽ bớt phiền hà, thời gian và chi phí so với trước đây khi thực hiện hồ sơ xin cấp Phiếu LLTP. Điều dễ nhận thấy là nếu như trước đây việc cấp Phiếu LLTP nhiều nơi bị chậm trễ vì phụ thuộc vào ngành Công an thì nay đã được cải thiện đáng kể.
Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hải Dương Ngô Quang Giáp cho biết: “Về cơ bản, Hải Dương đã đảm bảo tiến độ cấp phiếu, trừ trường hợp đặc biệt phức tạp hoặc liên quan đến yếu tố nước ngoài thì mới phải có thêm thời gian xác minh”.
Mô hình “3 trong 1” rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ
Cũng với chủ trương rút ngắn thời gian, đơn giản hóa thủ tục hành chính, năm 2015 công tác hộ tịch tiếp tục có nhiều chuyển biến. Từ khởi xướng của một số địa phương như TP Hồ Chí Minh, Long An, Tiền Giang, ĐồngTháp…, việc triển khai thực hiện mô hình “3 trong 1” khi giải quyết đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú - cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em đã được đẩy mạnh ở nhiều địa phương.
Trước đây khi chưa thực hiện liên thông, người dân muốn làm thủ tục hành chính phải đi lại ít nhất là 6 lần, và thời gian chờ giải quyết phải mất 60 ngày, thậm chí lâu hơn.
Còn hiện nay, người dân chỉ đến 2 lần để nộp hồ sơ và lấy kết quả, thời gian giải quyết thủ tục theo quy định là 27 ngày. Thực tế nhiều xã, phường đã giải quyết nhanh gọn, trả kết quả cho người dân trong 5 - 7 ngày.
Giám đốc Sở Tư pháp Thái Bình Đinh Trọng Xá cho biết, các thủ tục hành chính liên quan đến lĩnh vực tư pháp đều được giải quyết tại Trung tâm dịch vụ hành chính công của tỉnh.
Trong đó, các thủ tục liên quan đến lĩnh vực hộ tịch đã được rút ngắn thời gian một cách đáng kể. Ngoài việc rút ngắn thời hạn giải quyết các việc cho công dân, nhiều Sở Tư pháp còn sát sao trong tháo gỡ khó khăn cho cơ sở.
Giám đốc Sở Tư pháp Vĩnh Phúc Phùng Thị Kim Nga cho biết: “Sở thường xuyên thực hiện tư vấn, hướng dẫn, trả lời những kiến nghị, khó khăn vướng mắc trong thực hiện công tác hộ tịch, chứng thực của tư pháp cơ sở và của cá nhân, tổ chức có liên quan qua điện thoại, hồ sơ hoặc trực tiếp tại bộ phận một cửa của Sở Tư pháp”.
Cũng trên tinh thần giảm tối đa giấy tờ cho người dân, nhiều địa phương, các cơ quan, tổ chức khi nhận hồ sơ sẽ không phải nộp bản sao giấy tờ.
Tương tự mô hình khai sinh - đăng ký thường trú - cấp thẻ bảo hiểm y tế, việc thực hiện liên thông 03 thủ tục “đăng ký khai tử - xoá đăng ký thường trú/tạm trú” với nhiều tiện ích nổi bật đã giúp người dân thực hiện các thủ tục hành chính được nhanh, gọn, hiệu quả, tiết kiệm, đồng thời tăng cường sự quản lý nhà nước đối với lĩnh vực này.
Cũng trong lĩnh vực hộ tịch, năm qua, ngành Tư pháp rốt ráo chuẩn bị cho việc thực hiện Luật Hộ tịch mới (có hiệu lực từ 1/1/2016).
Do có sự thay đổi rất lớn về thẩm quyền đăng ký hộ tịch (chuyển toàn bộ các việc đăng ký hộ tịch có yếu tố nước ngoài từ cấp tỉnh về cho cấp huyện) nên việc rà soát, kiện toàn, đào tạo bồi dưỡng cán bộ được các địa phương đặc biệt quan tâm.
Những ngày mới triển khai Luật, việc cải cách mạnh mẽ các thủ tục hành chính đã được người dân đón nhận tích cực.
Thừa phát lại: Thêm sự lựa chọn cho người dân
Năm 2015, tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Nghị quyết về thực hiện chế định Thừa phát lại trên phạm vi cả nước.
Theo đó, Thừa phát lại đã kết thúc sứ mệnh “thí điểm” để triển khai chính thức trên phạm vi toàn quốc từ ngày 1/1/2016. Thành công này phải nói đến sự nỗ lực rất lớn của 13 địa phương làm thí điểm.
Điểm ưu việt nhất của chế địnhThừa phát lại là đã thêm cho người dân cơ hội lựa chọn. Nếu trước đây người dân họ chỉ có lựa chọn duy nhất là cơ quan THADS thì nay họ có thể tìm đến Thừa phát lại để yêu cầu xác minh điều kiện thi hành án, thậm chí tổ chức thi hành bản án.
Đặc biệt, việc Thừa phát lại lập vi bằng ghi nhận các sự kiện diễn ra giúp người dân tạo lập chứng cứ, trường hợp xảy ra tranh chấp, những vi bằng này sẽ được sử dụng làm bằng chứng trước tòa. Không những giúp dân, nhờ Thừa phát lại các cơ quan nhà nước cũng giảm tải công việc, đặc biệt ở các thành phố lớn.
Cùng với việc triển khai chế định Thừa phát lại, năm 2015 là năm đầu tiên, bổ sung một số điều của Luật THADS có hiệu lực với nhiều chính sách mới được thực thi theo hướng thuận lợi hơn nhiều cho người dân.
Nhìn lại một năm với nhiều chuyển biến tích cực trong công tác tư pháp sẽ là tiền đề cho ngành tư pháp, trong đó có tư pháp cơ sở tiếp tục đổi mới để phục vụ dân tốt hơn.
Nguồn: http://www.phapluatplus.vn/