Video

Thống kê
Lượt truy cập  
Online  

Tiếp tục đẩy mạnh thí điểm thừa phát lại

Thứ sáu, 16/01/2015, 14:53 GMT+7

Văn phòng thừa phát lại Thủ Đức, TP.HCM

(TPLTĐ)- Đó là khẳng định của Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường tại hội nghị toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2015.

Ngày 15-1, tại hội nghị toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2015, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị ngành tư pháp phát huy vai trò đầu mối xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, kịp thời đề xuất sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ những văn bản không phù hợp hướng đến mục tiêu xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN, xây dựng nền dân chủ nhân dân, tôn trọng và bảo đảm quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân... Đồng thời vững vàng trọng trách “người gác cổng” xây dựng pháp luật của Chính phủ, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính các lĩnh vực liên quan trực tiếp tới lợi ích của người dân, doanh nghiệp. Bên cạnh đó, tăng cường xã hội hóa các lĩnh vực hoạt động tư pháp; cung cấp dịch vụ công nhanh gọn, thuận tiện cho người dân… xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, hiện đại.

Còn nợ 95 văn bản dưới luật

Tại hội nghị này, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng cho biết: Tính đến 31-12-2014 có 110/206 văn bản, quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh được ban hành. Đến cuối năm 2014, tình trạng nợ đọng văn bản giảm xuống mức thấp nhất trong 10 năm trở lại đây, chỉ còn nợ 18 văn bản (sáu nghị định, 10 thông tư và hai thông tư liên tịch). Tuy nhiên, đầu năm 2015 nợ đọng lại tăng vọt lên 95 văn bản do “món nợ” 77 văn bản quy định chi tiết 12 luật có hiệu lực từ 1-1-2015 chưa được ban hành theo kế hoạch năm 2014.

Theo Thứ trưởng Đinh Trung Tụng, việc không ban hành kịp thời văn bản quy định chi tiết để có hiệu lực thi hành cùng thời điểm với luật, pháp lệnh vẫn còn là thách thức lớn. Do đó Bộ Tư pháp kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành khẩn trương ban hành các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành các luật, pháp lệnh đã và sẽ có hiệu lực trong năm 2015 nhằm giải quyết dứt điểm tình trạng nợ đọng văn bản.

tpl-thu-duc lập vi bằng thu hồi tài sản

Năm 2014,  ngành tư pháp đã tích cực chuẩn bị các điều kiện cho hoạt động thí điểm Thừa phát lại. Trong ảnh: Văn phòng Thừa phát lại Thủ Đức lập vi bằng thu hồi tài sản)

 

Bộ Tư pháp cho hay trọng tâm công tác tư pháp năm 2015 sẽ tiếp tục tập trung nâng cao chất lượng xây dựng, thẩm định, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, nhất là các thông tư, chú trọng tới tính dự báo của các chính sách, đảm bảo tính khả thi trong việc ban hành văn bản để các quy định của pháp luật thực sự đi vào cuộc sống. Trên cơ sở đó thiết lập được môi trường pháp lý bình đẳng, trong sạch, tạo thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp. Hạn chế thấp nhất tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết thi hành các luật có hiệu lực trong năm 2015, đặc biệt là các luật liên quan đến quyền con người, quyền công dân.

Vừa ban hành đã lo sửa đổi

Cũng tại hội nghị này, Vụ trưởng Nguyễn Hồng Tuyến (Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật - Bộ Tư pháp) nhìn nhận một số văn bản quy định chi tiết thi hành luật chất lượng chưa cao, thiếu tính khả thi, chưa bảo đảm tính thống nhất với hệ thống pháp luật. Thậm chí một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC) mới được ban hành nhưng đã có nội dung cần được sửa đổi, bổ sung.

Cục trưởng Đặng Thanh Sơn (Cục Quản lý XLVPHC và theo dõi thi hành pháp luật) bày tỏ Luật XLVPHC có nhiều quy định mới, phức tạp dẫn đến nhiều cách hiểu và áp dụng khác nhau trong thực tiễn. Một số quy định còn thiếu hoặc chưa rõ ràng, cụ thể nên không đủ cơ sở pháp lý để xử lý các vụ phức tạp phát sinh gây khó khăn, vướng mắc rất lớn. Đơn cử là vấn đề “nóng” áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, cho đến thời điểm hiện tại vẫn chưa giải quyết triệt để do chưa ban hành văn bản hướng dẫn xác định tình trạng nghiện ma túy. Trách nhiệm này là do Bộ Y tế, Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Công an chưa ban hành thông tư liên tịch về thẩm quyền, quy trình, thủ tục và quy trình xác định tình trạng nghiện ma túy…

Nâng cao hơn nữa chất lượng thể chế

 


 
Năm 2014 các cơ quan tư pháp, pháp chế đã có nhiều cố gắng trong việc hiện thực hóa các nguyên tắc pháp quyền trong tổ chức thi hành pháp luật, nỗ lực xây dựng nền hành chính tư pháp phục vụ nhân dân, từng bước hiện đại, nâng cao năng lực, hiệu quả.

Cạnh đó, ngành cũng tích cực chuẩn bị các điều kiện cho giai đoạn mới trong việc xã hội hóa hoạt động công chứng; tiếp tục đẩy mạnh thí điểm thừa phát lại tại 13 tỉnh, TP trực thuộc trung ương. Đồng thời xây dựng Đề án đổi mới công tác trợ giúp pháp lý theo hướng xã hội hóa mạnh mẽ hoạt động trợ giúp pháp lý nhằm cung cấp được nhiều nhất sự hỗ trợ pháp lý chất lượng cao cho các đối tượng chính sách, người nghèo, người yếu thế trong xã hội…

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác của ngành năm 2014 vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Đáng chú ý, việc cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp trong một số luật, pháp lệnh còn chưa nhận được sự đồng tình, chưa được hiểu một cách thống nhất, có nguy cơ dẫn đến những tác hại lâu dài đối với hệ thống pháp luật. Chất lượng một số văn bản quy phạm pháp luật, nhất là các thông tư, thông tư liên tịch còn bất cập, bị dư luận, báo chí phản ánh nhưng chưa có biện pháp kiểm soát kịp thời, hiệu quả. Tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh tuy có giảm nhưng chưa bền vững và nếu không tập trung quyết liệt trong thời gian tới thì tình trạng nợ đọng lại quay trở lại đến mức đáng báo động. Mặt khác, yêu cầu về việc văn bản quy định chi tiết có hiệu lực cùng thời điểm có hiệu lực của luật, pháp lệnh vẫn là thách thức rất lớn. Việc triển khai thi hành Luật XLVPHC còn lúng túng và có phần bị động, nhất là trong việc áp dụng quy định về biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Đây là một trong những vấn đề “nóng” của xã hội trong thời gian vừa qua và cho đến thời điểm hiện tại vẫn là vấn đề chưa được giải quyết triệt để…

Năm 2015, ngành tư pháp tập trung vào công tác tham mưu xây dựng, hoàn thiện thể chế; nâng cao hơn nữa chất lượng thể chế bảo đảm các tiêu chí hợp hiến, hợp pháp, đồng bộ thống nhất, minh bạch, khả thi. Kịp thời rà soát, sửa đổi, bổ sung, tiếp tục hoàn thiện các quy định pháp luật về xử phạt VPHC và các biện pháp xử lý hành chính, trong đó có biện pháp xử lý hành chính đưa người nghiện ma túy vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo hướng rút ngắn thời hạn, đơn giản thủ tục lập hồ sơ...

Bộ trưởng Hà Hùng Cường

Đề nghị có chức danh “thẩm định viên dự thảo văn bản”

 


 
Năm 2015, ngành tư pháp TP. HCM tập trung toàn lực giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong triển khai thi hành Luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước, Luật tương trợ tư pháp, Luật giám định tư pháp, Luật Hôn nhân và gia đình … Đồng thời hoàn thiện các quy định về biện pháp xử lý hành chính đưa người nghiện ma túy vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, tăng cường công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật gắn với kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa lĩnh vực dịch vụ công: hoạt động công chứng, thừa phát lại… Với nhiều trọng trách như thế, để hoạt động thẩm định dự thảo văn bản quy phạm pháp luật đảm bảo chất lượng và chủ động, cần chuẩn hóa đội ngũ trực tiếp thẩm định. Vì vậy, TP. HCM đề nghị xây dựng chức danh “thẩm định viên dự thảo văn bản quy phạm pháp luật” quy định cụ thể cơ chế, chính sách đối với đội ngũ này và giao thẩm quyền cho UBND cấp tỉnh quyết định mức kinh phí hỗ trợ cụ thể tùy vào điều kiện đặc thù từng địa phương…

 

Phó Chủ tịch UBND TP. HCM Tất Thành Cang

- Năm 2014 các bộ ngành, địa phương đã kiểm tra, rà soát gần 50.000 văn bản quy phạm pháp luật, bước đầu phát hiện có 9.017 văn bản có dấu hiệu vi phạm các điều kiện về tính hợp hiến, hợp pháp (tăng 2,62% so với năm 2013). Trong đó 1.554 văn bản có dấu hiệu vi phạm về thẩm quyền ban hành, nội dung văn bản. Hiện đã xử lý xong 7.888 văn bản.

- Các cơ quan tư pháp đã cấp trên 300.000 phiếu lý lịch tư pháp; hoàn thành đơn giản hóa thêm 358 thủ tục hành chính. Một số đề xuất, sáng kiến cải cách thủ tục hành chính phát huy hiệu quả tích cực, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội và dân sinh: “Một cửa liên thông” ba thủ tục “đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú/tạm trú - cấp thẻ bảo hiểm y tế” và liên thông thủ tục “đăng ký khai tử - xóa đăng ký thường trú/tạm trú”…

(Nguồn PLO)

(Tựa bài do người viết đặt lại)


Người viết : Ping

Giới hạn tin theo ngày :    

Go Top
dia-chi-thua-phat-lai
Tuyển dụng