Thừa phát lại Thủ đô và hành trình khẳng định mình
VẠN SỰ KHỞI ĐẦU NAN
(Thừa Phát Lại Thủ Đức) Không đến nửa năm nữa, việc triển khai thí điểm mở rộng chế định Thừa phát lại (TPL) theo Nghị quyết của Quốc hội sẽ kết thúc. “Số phận” TPL sẽ được Quốc hội xem xét, quyết định trên cơ sở kết quả đạt được. Cùng với 12 tỉnh thành khác, việc thí điểm TPL ở Hà Nội đang trong giai đoạn nước rút. Các Văn phòng TPL đang nỗ lực khẳng định mình trong thị trường dịch vụ pháp lý Thủ đô.
Những thăng - trầm
Nhìn lại lịch sử nghề TPL thì TPL đã tồn tại ở Việt Nam từ thời phong kiến. Sau Cách mạng tháng Tám 1945, trên cơ sở Sắc lệnh ngày 10-10-1945 của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chế định TPL tiếp tục được duy trì. Theo các quy định pháp luật giai đoạn đó, thẩm quyền tổ chức thi hành án dân sự của TPL thể hiện quyền lực Nhà nước và được bảo đảm bằng sức mạnh cưỡng chế của Nhà nước. Ở miền Nam, chế định TPL còn tồn tại dưới chế độ ngụy quyền Sài Gòn cho tới năm 1975. Lúc bấy giờ, TPL là công lại do Bộ trưởng Bộ Tư pháp bổ nhiệm và quản lý, hành nghề trên cơ sở quy định của pháp luật, được hưởng thù lao của khách hàng theo biểu giá quy định. Khác với luật sư, TPL không có quyền từ chối thi hành nhiệm vụ được yêu cầu nếu không có lý do chính đáng. Trong quá trình thực thi nhiệm vụ, TPL chịu sự chỉ đạo trực tiếp của những người có trách nhiệm như: chưởng lý, biện lý, thẩm phán, lục sự.
Nhìn chung, TPL trong thời kỳ Pháp thuộc và dưới chính quyền Sài Gòn trước đây đều có nhiệm vụ: Thông báo tòa khai mạc và bế mạc, gọi các đương sự, nhân chứng, thi hành lệnh giữ trật tự tại Tòa (tại các phiên tòa); Tống đạt giấy tờ theo yêu cầu của Tòa án, lập các vi bằng theo quy định của pháp luật, phát mại động sản hay bất động sản và trực tiếp thi hành các bản án, quyết định của tòa án (ngoài phiên tòa).
Sau năm 1954 ở miền Bắc và sau năm 1975 ở miền Nam, vì nhiều lý do khác nhau, Nhà nước ta không tiếp tục duy trì chế định TPL. Việc tống đạt các văn bản, giấy tờ do chính cơ quan Thi hành án và Tòa án thực hiện. Việc tổ chức thi hành các phán quyết về dân sự của Tòa án giao lại cho hệ thống cơ quan THADS của Nhà nước.
Sự “trở lại” của TPL bắt đầu khi được đề cập đến trong Nghị quyết 49/NQTƯ ngày 2-6-2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020: “Nghiên cứu chế định TPL, trước mắt có thể tổ chức thí điểm tại một số địa phương, sau vài năm, trên cơ sở tổng kết, đánh giá thực tiễn sẽ có bước đi tiếp theo”. Thể chế hóa chủ trương trên của Đảng, tại Nghị quyết số 24/2008/QH12 ngày 14-11-2008 của Quốc hội về thi hành Luật Thi hành án dân sự đã quy định việc thực hiện thí điểm chế định TPL. Từ năm 2010, các Văn phòng TPL đã được thành lập và đi vào hoạt động tại TP HCM. Sau hơn 2 năm thực hiện, tháng 8 - 2012, Chính phủ đã tổng kết, báo cáo Quốc hội. Trên cơ sở kết quả thực hiện tại TP HCM, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 36/2012/QH13 ngày 23-11-2013 về việc tiếp tục thực hiện thí điểm chế định TPL tại 12 địa phương mới, trong đó có Hà Nội đến hết ngày 31-12-2015. Dự kiến, Chính phủ sẽ tiến hành tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện thí điểm để báo cáo Quốc hội tại kỳ họp cuối năm 2015.
Ngày 16-4-2014, Văn phòng TPL đầu tiên ở Hà Nội khai trương và chính thức đi vào hoạt động, đánh dấu sự xuất hiện của nghề TPL trong dịch vụ pháp lý Thủ đô. Ảnh: T.Hải
“Nhập cuộc” khó khăn
Hà Nội là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, có mật độ dân cư đông đúc và các hoạt động kinh tế, xã hội diễn ra sôi động. Kết quả triển khai chế định TPL trên địa bàn Thủ đô có ý nghĩa quan trọng tới kết quả thí điểm chế định TPL trên phạm vi cả nước. Bởi vậy ngay sau khi Đề án thí điểm triển khai chế định TPL trên địa bàn Hà Nội được phê duyệt, cấp ủy, chính quyền và các ban ngành TP đã thể hiện quyết tâm rất lớn trong việc triển khai thực hiện chế định này với hy vọng người dân Thủ đô sẽ được hưởng những dịch vụ tốt nhất do TPL cung cấp. Các Văn phòng TPL, sau khi được Sở Tư pháp cấp Giấy đăng ký hoạt động đã đi vào hoạt động với bộ máy tổ chức theo Đề án đã được UBND TP phê duyệt.
Tuy nhiên, với người dân Hà Nội, TPL vẫn là mô hình hoàn toàn mới. Nhớ lại thời điểm ngày 16-4-2014, khi Văn phòng TPL Ba Đình – Văn phòng TPL đầu tiên của Hà Nội khai trương và chính thức đi vào hoạt động, không ít khách đi đường khi nhìn những băng rôn, biển hiệu được trưng bày rực rỡ ấn tượng đã tò mò dừng lại hỏi xem TPL là gì? Có ý kiến còn cho rằng, TPL là dịch vụ tư, sử dụng phải mất tiền nên không mấy hào hứng.
Đối với việc tổ chức thi hành án, dù xác định đây là nhóm việc giữ vai trò quyết định trong đánh giá thành công của chế định TPL nhưng việc triển khai cũng gặp rất nhiều khó khăn. Theo ông Nguyễn Văn Lạng, Trưởng Văn phòng TPL Ba Đình, thời gian thí điểm không nhiều mà việc thi hành án thực tế tại các cơ quan THADS thường kéo dài, đặc biệt là những vụ phải xử lý bán đấu giá tài sản thường mất rất nhiều thời gian, thậm chí kéo dài nhiều năm. Bởi thế nhiều người dân khi tìm hiểu dịch vụ này đều có chung băn khoăn, nếu hết thời gian thí điểm mà TPL chưa thi hành xong thì việc của họ sẽ được giải quyết tiếp như thế nào? Ngay cả những việc cơ quan THADS đang thi hành, đã quá lâu nhưng không có kết quả, người dân cũng rất ngần ngại khi quyết định chuyển sang cho TPL. Vì muốn chuyển, họ phải rút đơn yêu cầu và cơ quan THADS phải ra Quyết định đình chỉ. Điều này đồng nghĩa với việc họ không còn cơ hội quay trở lại khi TPL hết thời gian thí điểm.
Không chỉ mới mẻ với người dân mà với nhiều cán bộ cơ quan Nhà nước, trong đó có cả các cơ quan có quan hệ phối hợp cũng như hỗ trợ cho TPL, cái tên TPL cũng hết sức xa lạ. Nhiều TPL cho biết, trách nhiệm phối hợp, hỗ trợ TPL của các cơ quan liên quan đã được quy định trong nhiều văn bản pháp luật của Trung ương và TP nhưng thực tế không phải cơ quan, tổ chức nào cũng sẵn sàng hợp tác với TPL. “Không ít trường hợp UBND phường, CA phường từ chối yêu cầu xác minh của TPL hoặc “làm khó” cho TPL bằng cách hẹn nay, hẹn mai cả tháng trời mà vẫn chưa cung cấp kết quả chính thức. Trong khi yêu cầu xác minh của TPL trong trường hợp cụ thể này không có gì quá khó khăn”, ông Nguyễn Văn Lạng nói.
Chung nỗi niềm, đại diện Văn phòng TPL Hà Đông chia sẻ, có trường hợp Văn phòng mấy lần gửi công văn đề nghị cung cấp thông tin nhưng không nhận được thông tin trả lời. Thậm chí có trường hợp cơ quan, tổ chức còn “thẳng thừng” khẳng định yêu cầu cung cấp thông tin của TPL là không có căn cứ pháp lý vì TPL không phải là cơ quan Nhà nước. Việc trả lời kết quả xác minh của một số cơ quan, tổ chức cũng không có dấu xác nhận dẫn đến khó khăn cho Văn phòng trong việc trả lời kết quả xác minh cho khách hàng.
Trước thực tế này, đại diện nhiều cơ quan liên quan như Tòa án, CA, THADS thừa nhận, nhận thức của một số cán bộ, công chức về TPL vẫn chưa đầy đủ. Phó Chánh án TAND TP Hà Nội Tạ Quốc Hùng chia sẻ, trước đây, thẩm phán, thư ký Tòa án rất e ngại khi chuyển giao văn bản của Tòa án cho TPL tống đạt vì “lo” TPL hoặc thư ký TPL không trực tiếp xây dựng hồ sơ vụ án nên sẽ gặp khó khăn trong việc tống đạt các văn bản tố tụng, làm việc giải quyết vụ án bị kéo dài. Pháp luật hiện hành lại chưa quy định thẩm phán xét xử hay TPL sẽ chịu trách nhiệm trong trường hợp bản án bị hủy do TPL không thực hiện việc tống đạt hoặc tống đạt các văn bản tố tụng không đúng quy định của pháp luật tố tụng, hoặc chậm trễ trong việc tống đạt. Việc phối hợp, hỗ trợ cho các Văn phòng TPL có lúc, có nơi chưa nhuần nhuyễn, kịp thời, làm ảnh hưởng đến tiến độ giải quyết công việc. Hành trình gia nhập thị trường dịch vụ pháp lý Thủ đô của TPL bởi thế càng thêm phần khó khăn.
(Nguồn: Thanh Hả - Báo PL&XH)