Video

Thống kê
Lượt truy cập  
Online  

Thừa phát lại giúp gì cho dân ? - Bài 1: Giá trị của vi bằng

Thứ hai, 03/08/2015, 11:47 GMT+7

Thừa phát lại giúp gì cho dân ? - Bài 1: Giá trị của vi bằng

Sau sáu năm thực hiện thí điểm, đến nay các hoạt động của thừa phát lại như lập vi bằng, tống đạt văn bản, xác minh điều kiện thi hành án, trực tiếp tổ chức thi hành án dân sự... đã đi vào nề nếp, ngày càng khẳng định được hiệu quả thiết thực...

 

 

Nhiều vụ việc nhờ vi bằng của thừa phát lại (TPL) mà người dân có chứng cứ đắc lực trong giải quyết khiếu nại, tranh chấp tại cơ quan chức năng cũng như tại tòa án. Không những thế, trong nhiều vụ kiện, người dân đã được tòa căn cứ vào vi bằng để ra phán quyết bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của mình.

Ghi nhận sự kiện phong phú, đa dạng

Ông Nguyễn Đức Thịnh (Trưởng Văn phòng TPL quận Gò Vấp, TP.HCM) cho biết: Trung bình mỗi năm văn phòng này lập hơn 2.000 vi bằng các loại. Vi bằng ghi nhận rất phong phú, đa dạng về các loại sự kiện xảy ra trong đời sống. Có những sự kiện liên quan đến tài sản như xác nhận hiện trạng nhà trước và sau khi nhà hàng xóm xây dựng, xác nhận tài sản chung, tài sản riêng trong hôn nhân, thỏa thuận thi hành án… Có những sự kiện gần gũi với sinh hoạt của người dân như ghi nhận cuộc họp gia đình, quyền thăm nuôi con sau khi ly hôn…

Chẳng hạn, giữa tháng 3-2015, Văn phòng TPL quận Gò Vấp đã lập vi bằng về việc bà NKM giao đứa con trai chung cho ông ĐTL trực tiếp nuôi dưỡng theo thỏa thuận trước đó giữa hai người. Hay tháng 1-2015, văn phòng này đã lập vi bằng ghi nhận cuộc họp gia đình giữa ba người một nhà. Nội dung cuộc họp thể hiện người mẹ đã già yếu, muốn bán căn nhà bà tạo dựng được ở quận 1. Sau khi bán nhà, toàn bộ số tiền có được sẽ chia đều cho hai người con mỗi người 1/3, còn lại người mẹ giữ lại 1/3 để dưỡng già...

Vụ khác, Văn phòng TPL quận Gò Vấp từng lập vi bằng về việc Công ty P. (KCN Tân Bình) xả khói thải gây ô nhiễm môi trường. Trên cơ sở bằng chứng này, UBND TP.HCM đã ra quyết định xử phạt công ty 120 triệu đồng. Sau đó, Công ty P. vẫn xả khói như trước nên giữa tháng 3-2015, Văn phòng TPL quận Gò Vấp lại lập vi bằng ghi nhận sự việc tái phạm trên.

Trong thực tiễn lập vi bằng cũng có những sự kiện khá hi hữu: Tháng 3-2014, Văn phòng TPL quận Gò Vấp đã đến phường Hiệp Bình Chánh (quận Thủ Đức) ghi nhận việc bà NTV mời các em, người làm chứng đến lấy mẫu móng tay, móng chân để gia đình lưu trữ vì bà đã già yếu. Sau khi chứng kiến, TPL đã lập vi bằng, yêu cầu những người chứng kiến ký tên, điểm chỉ vào phong bì niêm phong rồi giao lại cho một người cất giữ để sử dụng khi có nhu cầu giám định sau này. Vi bằng này đã được đăng ký tại Sở Tư pháp TP.HCM và có giá trị chứng cứ theo quy định.

Tòa dựa vào vi bằng để giải quyết án

Trong rất nhiều sự kiện, người dân đã nhờ TPL lập vi bằng ghi nhận để làm căn cứ khởi kiện ra tòa.

Chẳng hạn, trước đây vợ chồng ông H. cho con gái thuê một căn nhà để làm trụ sở công ty. Hơn một năm sau, người con gái cho một ngân hàng thuê lại nhà. Ông H. phát hiện ngân hàng tự ý sửa chữa toàn bộ căn nhà bèn nhờ Văn phòng TPL quận Bình Thạnh (TP.HCM) đến lập vi bằng ghi nhận sự việc. Sau đó, ông dùng vi bằng này làm chứng cứ khởi kiện yêu cầu tòa hủy hợp đồng cho thuê giữa con gái ông với ngân hàng.

Vụ khác, ông NBN (ngụ quận Thủ Đức, TP.HCM) cho ông NTD vay 70 triệu đồng (trong giấy vay viết tay hai bên không xác định thời hạn vay). Đầu năm 2014, ông N. khởi kiện yêu cầu ông D. trả cả gốc lẫn lãi. Tháng 6-2014, TAND quận Thủ Đức xử sơ thẩm đã tuyên chấp nhận yêu cầu của ông N. Ông D. kháng cáo. Cuối năm 2014, TAND TP. HCM xử phúc thẩm đã tuyên hủy án sơ thẩm, đình chỉ giải quyết vụ án. Theo tòa, ông N. không đủ điều kiện khởi kiện vì chưa gửi thông báo đòi nợ cho ông D. trước khi khởi kiện.

Để có cơ sở khởi kiện lại, ông N. đã đến Văn phòng TPL quận Thủ Đức yêu cầu lập vi bằng ghi nhận sự kiện ông gửi thông báo đòi nợ cho ông D. Sau khi hết hạn trả nợ ghi trong thông báo mà ông D. vẫn không trả nợ, ông N. đã dùng vi bằng này để khởi kiện lần thứ hai.

Ngày 29- 6 vừa qua, TAND quận Thủ Đức đã xử sơ thẩm, nhận định: “Vi bằng ghi nhận sự kiện, hành vi ông N. giao văn bản thông báo về việc đòi trả nợ lập ngày25-12-2014 cho người nhận là ông D. Căn cứ các quy định của pháp luật về tổ chức và hoạt động của TPL thì vi bằng này được coi là chứng cứ về việc ông N. đã thông báo về việc đòi nợ cho ông D”. Sau khi xem xét thêm các chứng cứ khác nữa, tòa đã tuyên chấp nhận yêu cầu của ông N.

Tương tự, tháng 12-2012, ông NVT và bà PTTB đã mời Văn phòng TPL quận Gò Vấp (TP.HCM) đến lập vi bằng ghi nhận việc bà B. giao cho ông T. 67 triệu đồng để thực hiện thỏa thuận chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân. Một tháng sau, hai ông bà lại mời TPL đến lập vi bằng ghi nhận việc bà B. tiếp tục giao cho ông T. 33 triệu đồng để đủ 100 triệu đồng theo thỏa thuận, đồng thời bà B. được đứng tên trên giấy đỏ một lô đất ở quận 12. Dựa vào hai vi bằng trên, TAND quận 12 đã ra quyết định công nhận thuận tình ly hôn và sự thỏa thuận về tài sản chung giữa ông T. và bà B.

Thừa phát lại là cánh tay đắc lực của tòa

Tại phiên họp HĐND TP.HCM hôm qua (30-7), ĐB Lê Thị Bình Minh nêu vấn đề lượng án nhiều nhưng thiếu nhân sự thì các tòa sử dụng hoạt động TPL như thế nào để giảm tải cho tòa. “Tôi biết một số tòa còn từ chối sử dụng dịch vụ TPL, một số tòa khác thì việc chuyển hồ sơ cho TPL nhờ tống đạt rất thấp” - ĐB Bình Minh nói.

Chánh án TAND TP.HCM Ung Thị Xuân Hương khẳng định: Hoạt động của TPL đối với tòa là rất cần thiết. TPL thực hiện việc tống đạt văn bản tố tụng cho tòa, nhờ đó giảm tải được rất nhiều áp lực cho tòa để tòa có thời gian đi xác minh, giải quyết hồ sơ, vụ việc. Một việc nữa mà TPL đã giúp tòa rất nhiều là việc lập vi bằng. Tòa đánh giá chất lượng vi bằng mà TPL đã lập rất cao. Khoảng 50% lượng vi bằng đã được sử dụng làm chứng cứ pháp lý giúp tòa xét xử tốt và bảo vệ quyền lợi cho người dân. Số vi bằng còn lại cũng đang được xem xét”.

Hơn 32.000 vi bằng đã được lập

Theo thống kê của Sở Tư pháp TP.HCM, từ khi thực hiện thí điểm chế định TPL đến nay, 11 văn phòng TPL trên địa bàn TP đã lập được 32.527 vi bằng. Tổng doanh thu của các văn phòng TPL đạt hơn 68 tỉ đồng, trong đó doanh thu chủ yếu đến từ việc lập vi bằng.

Theo thống kê của TAND TP.HCM, đến nay đã có 117 vụ việc mà tòa hai cấp ở TP sử dụng vi bằng của TPL làm chứng cứ trong xét xử.

Ông Nguyễn Đức Chính (nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp): Lập vi bằng là hoạt động chủ yếu của các văn phòng TPL và nó mang lại lợi ích rất nhiều cho người dân. Thực tiễn hiện nay người dân có nhu cầu nhờ TPL để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của mình.

Thẩm phán Quách Hữu Thái (Phó Chánh Tòa dân sự TAND TP.HCM): cần lưu ý về phạm vi lập vi bằng của TPL: TPL có quyền lập vi bằng đối với các sự kiện, hành vi theo yêu cầu của đương sự nhưng liên quan đến chuyện bảo đảm an ninh quốc phòng, bí mật đời tư… thì không được thực hiện.

Luật sư Trương Thị Hòa (Đoàn Luật sư TP.HCM): Thực tế đã chứng minh việc lập vi bằng của TPL mang vai trò hòa giải giữa các bên nhằm tránh sự khởi kiện tranh chấp tại tòa. Trên cơ sở vi bằng đã lập, mỗi bên đều thấy được sự thật của sự kiện nên bớt căng thẳng, đôi co và đi đến thống nhất trong thương lượng.

Nguồn: http://phapluattp.vn/


Người viết : thanhtuyen

Giới hạn tin theo ngày :    

Go Top
dia-chi-thua-phat-lai
Tuyển dụng