Thừa phát lại - 'cứu cánh' cho người dân khi có tranh chấp
Đã có thêm nhiều người dân tìm đến với Thừa phát (TPL) lại nhằm tạo lập chứng cứ cho mình phòng khi tranh chấp xảy ra.
Mới đây, cho rằng hình ảnh gia đình mình bị người khác sử dụng trái phép trên Facebook, bà Lê T.H (ở Thanh Xuân, Hà Nội) đã nhờ Văn phòng TPL quận Bình Thạnh, TP HCM xác lập bằng chứng vi phạm.
Theo bà H, trước đó bà phát hiện một chủ tài khoản (qua xác minh chủ tài khoản ở hiện đang cư trú ở huyện Nhà Bè, TP HCM) đã sử dụng hình ảnh gia đình bà với những lời bình luận ác ý gây tổn hại đến bà và gia đình.
Mặc dù bà đã tìm cách liên lạc với chủ tài khoản Facebook nhưng không nhận được hồi đáp, bà H cũng đã thông qua luật sư của mình yêu cầu chủ tài khoản xin lỗi công khai trên các phương tiện truyền thông đại chúng và Facebook cá nhân. Nếu không bà H sẽ nhờ cơ quan pháp luật can thiệp.
Năm 2015, anh Nguyễn M.H và chị Dương K.N làm thủ tục chuẩn bị ly hôn. Hai anh chị đã mời TPL đến lập vi bằng ghi nhận việc anh H giao cho chị N. 720 triệu đồng để thực hiện thỏa thuận chia tài sản chung của vợ chồng. Sau đó, họ tiếp tục mời TPL đến lập vi bằng ghi nhận việc anh H tiếp tục giao cho chị N 230 triệu đồng nữa. Nhận xong số tiền này, đôi bên thỏa thuận căn nhà 34m2 tại quận Ba Đình trước đây là tài sản chung vợ chồng sẽ do anh H được đứng tên trong sổ đỏ sau khi họ làm thủ tục ly hôn. Căn cứ vào hai vi bằng này, TAND quận B. đã ra quyết định công nhận thuận tình ly hôn và sự thỏa thuận về tài sản chung giữa anh H, chị N.
Không giống những ngày TPL mới thí điểm ở một số địa phương, ngày càng nhiều người dân biết đến loại hình này. Các sự kiện diễn ra trong đời sống như việc giao nhận tiền, thông báo đòi nợ, họp công ty, họp gia đình, xác nhận hiện trạng nhà trước và sau khi nhà hàng xóm xây dựng, xác nhận tài sản chung, tài sản riêng trong hôn nhân, thỏa thuận thi hành án… người dân đều có thể mời TPL đến lập vi bằng.
Theo ông Nguyễn Văn Lạng, Trưởng Văn phòng TPL Ba Đình (Hà Nội), đây là những việc mà trước đây nhiều người dân muốn ghi lại làm chứng cứ sau này nhưng không biết yêu cầu cơ quan, tổ chức nào thực hiện. Nay TPL đứng ra giúp họ làm việc đó nên nhiều người dân rất tin tưởng, phấn khởi. Thực tế, các chứng cứ do TPL lập đã giúp họ rất nhiều trong việc giải quyết các vụ tranh chấp tại Tòa án.
Còn theo bà Cao Anh Thúy, Trưởng Văn phòng TPL Hai Bà Trưng, Hà Nội, TPL đã thực sự được người dân và các tổ chức đón nhận vì nó đã đáp ứng đúng nhu cầu của người dân và các tổ chức trong việc giải quyết các ách tắc pháp luật mà bấy lâu nay không có cơ quan, tổ chức nào được pháp luật giao giải quyết.
“Chẳng hạn, hiện nay đang tồn tại rất nhiều tình huống pháp luật ngay tình nhưng lại chưa được quy định trong luật ví dụ như: công trình không có giấy phép xây dựng tồn tại trên đất có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, người dân muốn đưa công trình vào để tăng giá trị đảm bảo thế chấp để vay vốn, nhu cầu giao dịch này của người dân là có nhiều nhưng luật lại chưa quy định. Trong trường hợp này, TPL xác lập vi bằng ghi nhận hiện trạng là có thể đáp ứng được nhu cầu của người dân và yêu cầu của ngân hàng khi hai bên đồng thuận”, bà Thúy cho biết.
Theo báo cáo của Bộ Tư pháp, thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, chế định TPL đã được thí điểm tại 13 địa phương với 53 Văn phòng TPL được thành lập, tổng số nhân lực đang làm việc tại 53 Văn phòng TPL là 638 người, trong đó có 135 TPL; 306 Thư ký nghiệp vụ và 197 nhân viên khác. Về hoạt động, tính đến ngày 31/12/2015 tại 13 địa phương và 6 tháng đầu năm 2016 tại Hà Nội và TP HCM, các Văn phòng TPL đã tống đạt được hơn 1 triệu văn bản của Tòa án và cơ quan thi hành án dân sự, lập gần 67 ngàn vi bằng, xác minh điều kiện thi hành án gần 1 ngàn việc, trực tiếp tổ chức thi hành án hơn 500 vụ việc, đạt tổng doanh thu là gần 190 tỷ đồng. Những con số này cho thấy, xã hội ngày càng phát triển thì nhu cầu sử dụng TPL ngày càng nhiều.
(Nguồn: http://www.baomoi.com/)