Tên gọi và hoài niệm?
SBO-Thành công trong việc đổi tên Thừa phát lại Sài Gòn không có nghĩa là chúng tôi thỏa mãn được mong muốn của mình, vì một khi đã mang tên “Sài Gòn” chúng tôi càng phải cố gắng hơn nữa, nỗ lực hơn nữa để xứng đáng với cái tên đó.
Ngày 2 tháng 7 năm 1976, Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam thống nhất quyết định đổi tên nước thành Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, đồng thời đổi tên thành phố Sài Gòn – Gia Định thành Thành phố Hồ Chí Minh, theo tên của nhà lãnh đạo cộng sản và Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đầu tiên, Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, ý tưởng về việc đổi tên Sài Gòn thành Thành phố Hồ Chí Minh đã nhen nhóm từ trước đó rất lâu, từ năm 1946, khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sắp tròn một tuổi. Trong suốt thời gian từ 1946 đến 1975, nhân dân cũng đã sử dụng cùng lúc 02 tên “Sài Gòn” và “Thành phố Hồ Chí Minh”.
Tác giả -Thừa phát lại Nguyễn Thị Thanh Tuyền trong một buổi giảng dạy Thừa phát lại
tại Học Viện Tư Pháp
Sài Gòn có còn hay không? Đối với cá nhân tôi, CÒN, vì dù đã chính thức đổi tên thành Thành phố Hồ Chí Minh hơn 45 năm qua nhưng cái tên Sài Gòn vẫn sống mãi trong mỗi người dân Việt Nam, không chỉ với người Sài Gòn xưa mà là với người dân mọi thế hệ trên mảnh đất hình chữ S này, cái tên Sài Gòn vẫn được mọi người thương gọi như thế. Tôi biết vậy vì bản thân mình sinh ra khi Sài Gòn đã được đổi tên, không sinh ra tại “Sài Gòn”, và cũng không cùng Sài Gòn trải qua những thời khắc vàng son lịch sử, nhưng tôi luôn nghe nói về Sài Gòn với niềm kiêu hãnh và phồn vinh. Và có lẽ, mãi về sau này cho dù có đổi tên bao nhiêu lần thế nào đi nữa thì vẫn luôn có một Sài Gòn tồn tại.
Thời điểm tôi tốt nghiệp Đại học Luật cũng là lúc Thừa phát lại bước đầu hoạt động thí điểm tại “Sài Gòn”. Với một ý nghĩ đơn giản là mình vừa tốt nghiệp, Thừa phát lại cũng vừa thí điểm, đã có duyên vậy rồi còn ngại gì sao không thử xem phận mình có gắn với nghề Thừa phát lại được không. Và như thế, tôi trở thành một Thừa phát lại.
Nghĩ lại cũng rất duyên, tôi có duyên với cái mới. Từ nhỏ đến giờ, đi học thì học trường mới, đi làm thì làm nghề mới.
Nói là mới, nhưng Thừa phát lại bắt đầu xuất hiện ở Việt Nam song hành với việc Vua Tự Đức ký hòa ước ngày 05/6/1862 nhượng cho Pháp 6 tỉnh Nam Kỳ. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, hệ thống cơ quan tư pháp mới được thiết lập trong cả nước, chế định Thừa phát lại tồn tại trước đó được duy trì và chịu sự quản lý của Ban Công lại thuộc Phòng Giám đốc hộ vụ của Bộ Tư pháp. Tại Miền Nam, mô hình Thừa phát lại đã tồn tại trong suốt thời kỳ Pháp thuộc và dưới chế độ chính quyền Sài Gòn đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng năm 1975. Sau một thời gian gián đoạn, Thừa phát lại bắt đầu được triển khai thực hiện theo tinh thần chiến lược cải cách tư pháp. Ngày 24/7/2009, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 61/2009/NĐ-CP và Thừa phát lại được thực hiện thí điểm đầu tiên tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Tôi hoạt động trong nghề Thừa phát lại từ những ngày đầu chế định này được thực hiện thí điểm, cũng vui, cũng vất vả, vì nghề mới quay lại, mới thí điểm, vẫn chưa chính thức, nên việc tuyên truyền phổ biến pháp luật chiếm phần lớn thời gian của tôi. Tôi may mắn có cơ hội được tham gia và làm việc tại nhiều Văn phòng Thừa phát lại đầu tiên, từ Văn phòng Thừa phát lại Quận Bình Thạnh, là 1 trong 5 văn phòng Thừa phát lại đầu tiên trong cả nước, rồi đến Văn phòng Thừa phát lại Quận 10, Văn phòng Thừa phát lại Quận Thủ Đức. Cả 03 văn phòng trên đều là những văn phòng Thừa phát lại đầu tiên trong cả nước nói chung và đặc biệt là tại đất Sài Gòn này. Tôi và các đồng nghiệp đã luôn cố gắng, nỗ lực thực hiện chức năng, quyền hạn của mình nhằm đóng góp vào quá trình hoạt động và phát triển của ngành tư pháp, hơn thế nữa là vì mục đích mang lại lợi ích cho người dân trong việc thực hiện công việc và bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình.
Sài Gòn vẫn còn đó, và không biết từ lúc nào tôi đã yêu “Sài Gòn”, cũng như đã trót yêu nghề Thừa phát lại. Tôi muốn cống hiến cho nghề nghiệp của mình, cho Thừa phát lại, cho Sài Gòn. Sài Gòn – Thừa phát lại, Thừa phát lại – Sài Gòn, nhiều khi tự hỏi sao lại không có một Văn phòng Thừa phát lại mang tên Sài Gòn? Và một lần nữa duyên lại đến, khi biết được cái suy nghĩ này không phải chỉ là của riêng tôi, mà là của chúng tôi, một tập thể những con người đã tạo nên và gắn bó với Thừa phát lại Thủ Đức.
Thật ra, cái tên Thừa phát lại Sài Gòn mà tôi mơ hồ nghĩ đến không phải là ý tưởng đầu tiên, nó đã nhen nhóm từ trước đó rất lâu bởi các “Đại ca Thừa phát lại” – đó là cách tôi gọi Sếp của mình. Theo như tôi được biết thì từ những ngày đầu tiên xin thành lập văn phòng Thừa phát lại Bình Thạnh, đề án đã xin được thành lập với tên gọi Văn phòng Thừa phát lại Sài Gòn, nhưng vì nhiều lý do mà không lấy tên được.
Sau khi NĐ 08 có hiệu lực, và sau tất cả sự cố gắng, mong chờ, chúng tôi đã đạt được mong ước của mình, sau 06 năm hoạt động với tên gọi Văn phòng Thừa phát lại Quận Thủ Đức, chính thức từ ngày 23/9/2020, Văn phòng Thừa phát lại Quận Thủ Đức đổi tên thành Văn phòng Thừa phát lại Sài Gòn.
Thành công trong việc đổi tên Thừa phát lại Sài Gòn không có nghĩa là chúng tôi thỏa mãn được mong muốn của mình, vì một khi đã mang tên “Sài Gòn” chúng tôi càng phải cố gắng hơn nữa, nỗ lực hơn nữa để xứng đáng với cái tên đó. Vì đã có một “Sài Gòn” sống mãi như thế, chúng tôi cũng phải làm sao để có một Văn phòng Thừa phát lại Sài Gòn là niềm tự hào của Thừa phát lại, của ngành tư pháp và giữ trọn niềm tin của người dân.
Ở Thành phố Hồ Chí Minh có một VĂN PHÒNG THỪA PHÁT LẠI SÀI GÒN!
Tác giả: Thừa phát lại Nguyễn Thị Thanh Tuyền
(Bài dự thi chuyên đề 06 - VP Thừa phát lại Sài Gòn)