Một trong những tồn tại của công tác tư pháp trong quý II và 6 tháng đầu năm 2015 là vấn đề bán đấu giá đối với các tài sản kê biên của người phải thi hành án. Nó vẫn đang là vấn đề khá hóc búa với những người làm công tác thi hành án dân sự.
Chia sẻ với báo chí, ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Tổng cục trưởng, Tổng Cục thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp) cho biết, Bộ Tư pháp coi đây là vấn đề lớn, bởi thực tế hiện nay việc kê biên đã rất vất vả nhưng quá trình mang ra bán đấu giá lại càng khó hơn, thậm chí bán nhiều lần không được.
Ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Tổng cục trưởng, Tổng Cục thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp) |
Có nhiều nguyên nhân khiến cho việc bán đấu giá tài sản kê biên gặp khó khăn, tuy nhiên, ông Sơn nhấn mạnh nguyên nhân chủ yếu nằm ở quy luật cung cầu. “Bất động sản, nhà xưởng hay những tài sản kê biên khó bán lắm. Nhận định của Chính phủ, Quốc hội đều cho rằng thị trường bất động sản có ấm dần lên nhưng vẫn có độ trễ. Có tài sản mang ra đấu giá, 12-13 lần giảm vẫn chưa bán được, đặc biệt là đất ở vùng nông thôn rất khó bán”, ông Sơn nói.
Giải pháp cho tình trạng này, ông Sơn cho biết, hiện nay có quy định giảm giá lần thứ 3 mà chưa bán được thì người được thi hành án có quyền nhận tài sản đó để đối trừ với quyền của mình được thi hành án. Trường hợp không nhận, thì tài sản đó vẫn được đưa ra bán tiếp đến khi nào không bán được nữa mới thôi.
“Tuy nhiên chỉ có thể hy vọng với tình hình kinh tế phát triển, thị trường bất động sản hiện nay, trong đó có phần bất động sản của thi hành án sẽ có tương lai tốt đẹp hơn, như vậy kết quả thi hành án cũng sẽ tốt hơn. Luật Thi hành án dân sự sửa đổi cũng đã tập trung khắc phục về mặt thời gian đối với các vụ thi hành án”, ông Sơn nói thêm.
6 tháng, Nhà nước bồi thường trên 7 tỷ đồng
Liên quan công tác bồi thường Nhà nước, Chánh văn phòng – Người phát ngôn của Bộ Tư pháp, ông Trần Tiến Dũng cho biết, các bộ, ngành, địa phương đã thụ lý giải quyết 73 vụ việc (trong đó có 24 vụ việc thụ lý mới), giảm 16 vụ so với cùng kỳ năm 2014, đã giải quyết xong 30/73 việc (đạt tỷ lệ 41%) với số tiền Nhà nước phải bồi thường trong các quyết định giải quyết bồi thường, bản án, quyết định về giải quyết bồi thường đã có hiệu lực pháp luật là 7,185 tỷ đồng, tăng 4,618 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2014.
Lý giải về con số này, Phó Cục trưởng Cục Bồi thường Nhà nước Trần Việt Hưng nêu ra 2 lý do: Đó là do số vụ việc tồn đọng lâu nay được giải quyết nhiều hơn. Bên cạnh đó, một số vụ việc Nhà nước phải bồi thường phức tạp hơn, gây thiệt hại lớn hơn dẫn tới số tiền Nhà nước phải bỏ ra để giải quyết tăng lên
Cũng trong 6 tháng đầu năm, Bộ Tư pháp đã giải quyết xong 296.096 vụ thi hành án dân sự; giải quyết xong hơn 23.000 tỷ đồng. Công tác thừa phát lại đang triển khai có hiệu quả với 51 văn phòng thừa phát lại, 237 vụ thừa phát lại. Tính đến hết tháng 5/2015 hoạt động thừa phát lại đạt doanh thu hơn 85 tỷ đồng.
Báo cáo công tác tư pháp cũng cho thấy hôn nhân có yếu tố nước ngoài có dấu hiệu tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2014, trong số 451.437 cặp được đăng ký kết hôn, có tới 7.492 trường hợp có yếu tố nước ngoài.
Về lĩnh vực lý lịch tư pháp, tình trạng chậm cấp phiếu lý lịch tư pháp đã được khắc phục căn bản. Mô hình “kiềng 3 chân” (Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia – Cục Hồ sơ nghiệp vụ cảnh sát C53 – Sở Tư pháp ) đã được thử nghiệm tại Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia và 10 Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố đã mang lại hiệu quả tích cực. 6 tháng đầu năm, các Sở Tư pháp cấp được 130.586 phiếu lý lịch tư pháp./.