Như vậy từ năm 2016 trở đi, sẽ có ba loại giấy tờ tùy thân cùng tồn tại là CMND 9 số, 12 số và thẻ căn cước. Liệu ba loại thẻ này cùng tồn tại có gây rắc rối, phiền toái cho người dân khi cần giao dịch trong nhiều lĩnh vực như ngân hàng, thuế, công chứng...?
Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, đến nay một số cơ quan có giao dịch liên quan đã có hướng dẫn cách xử lý nhưng nhiều nơi đang còn lúng túng.
Khổn khổ vì đổi CMND
Ông P.V.D. (Q.Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết đã khốn khổ sau khi đổi chứng minh nhân dân (CMND). Mới đây nhất là khi đi rút tiền tiết kiệm ở ngân hàng, ông không thể tất toán được sổ vì CMND hiện tại của ông là 12 số thay vì 9 số như trước đây.
“Tôi đã gửi 5 quyển sổ tiết kiệm ở chi nhánh đó, nhưng khi ra rút tiền, các cô nhân viên nói vẫn biết đúng là tôi nhưng họ không thể giải quyết được. Để rút được tiền, tôi phải về công an phường nơi tôi cư trú xin xác nhận việc tôi đã đổi CMND” - ông P.V.D. bức xúc.
Còn chị L.T.N. (Q.Hà Đông, Hà Nội) nói rất bất ngờ khi cơ quan thuế mới cấp cho chị mã số thuế (MST) thu nhập cá nhân nữa dù chị đã có MST từ năm 2009 rồi. MST được cấp theo số CMND mới.
“Trả lời băn khoăn của tôi, Cục Thuế quận Hà Đông cho biết một người chỉ có một MST. Ngành thuế cấp mã số dựa vào số CMND. Họ không thể biết tôi có 1 hay 2 CMND. Đó là việc của ngành công an. Tuy nhiên, tám năm nay tôi quyết toán thuế theo MST cũ với CMND cũ.
Nay có thêm MST nữa, không biết tôi nên dùng MST nào? Dùng cả hai mã có đúng quy định không? Đặc biệt từ 1-1-2016, khi cấp đổi CMND sang thẻ căn cước công dân thì những vướng mắc trên có gặp phải nữa không” - chị N. băn khoăn.
Trong khi đó, lĩnh vực giao dịch ngân hàng cũng sẽ phát sinh những rắc rối. Chị Hương (ngụ Q.Phú Nhuận, TP.HCM) cho biết CMND của chị sắp hết hạn vào đầu năm 2016. Như vậy, tới đây chị sẽ phải đổi thành CMND 12 số.
“Tôi rất lo lắng vì tôi có mở thẻ và một số sổ tiết kiệm tại ngân hàng, trong đó có một số sổ đến giữa năm 2016 mới đáo hạn. Các sổ tiết kiệm đều mở bằng CMND
9 số hiện nay. Nếu đổi CMND, tôi có gặp rắc rối gì khi rút tiền tiết kiệm hay không?” - chị Hương nói.
Lo lắng này không chỉ của chị Hương mà của nhiều người khác. Ghi nhận của Tuổi Trẻ cho thấy sau khi có thông tin về việc đổi đại trà CMND 12 số, một số khách hàng khi giao dịch đã hỏi ngân hàng về những tình huống phát sinh.
Phần lớn người hỏi đều lo ngại rằng quy chế về tiền gửi tiết kiệm hiện nay quy định khách hàng phải xuất trình CMND khi gửi và rút tiền, đồng thời số CMND cũng phải được ghi nhận
trên sổ tiết kiệm.
|
Với CMND 12 số, và sắp tới là thẻ căn cước, sẽ phát sinh những rắc rối liên quan đến thủ tục ngân hàng, thuế... Trong ảnh: khách hàng giao dịch tại Ngân hàng HDBank liên quan đến CMND - Ảnh: Tự Trung |
Còn lúng túng
Nhiều chi cục thuế cho biết họ đã nhận được thông báo chung về việc tới đây CMND sẽ có 12 số thay vì 9 số như hiện nay nhưng chưa có hướng dẫn xử lý cụ thể.
“Lo ngại nhất là tới đây cơ quan thuế sẽ khó tra cứu căn nhà duy nhất. Nhiều người sở hữu hai căn nhà nhưng giấy tờ sở hữu mỗi căn được cấp bằng số CMND khác nhau. Nếu họ không đi cập nhật số CMND hoặc hệ thống của cơ quan thuế không cập nhật kịp thì cơ quan thuế không kiểm tra ra được” - chi cục phó một chi cục thuế tại TP.HCM cho biết.
Cũng theo vị này, việc thay đổi số CMND cũng dẫn đến lo ngại MST sẽ bị trùng, tức một người có thể được cấp đến 2 MST trong khi về nguyên tắc mỗi người chỉ được cấp 1 MST.
Luật sư Trần Xoa, giám đốc Công ty luật Minh Đăng Quang, nói có nhiều vấn đề đặt ra xung quanh việc đổi CMND thành 12 số. Chẳng hạn với doanh nghiệp, giấy phép đăng ký doanh nghiệp có ghi tên và số CMND của người đại diện pháp luật.
Vậy nếu đổi sang CMND 12 số, người đại diện pháp luật có phải liên hệ cơ quan đăng ký kinh doanh để điều chỉnh lại cho hợp lệ hay không.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện Cục Thuế TP.HCM cho biết đã trao đổi vấn đề này với đại diện Tổng cục Thuế và hiện cơ quan cấp trên này đang phân tích thông tin để nâng cấp hệ thống sao cho tương thích với thay đổi. Trong thời gian tới, Tổng cục Thuế cũng sẽ có hướng dẫn về việc xử lý các vướng mắc phát sinh
cho các cục thuế.
“Về phía người nộp thuế nếu có thay đổi thông tin thì có thể làm thông báo gửi cơ quan thuế để cập nhật lại. Tuy nhiên, thực hiện cụ thể thế nào thì phải đợi hướng dẫn của Tổng cục Thuế. Chắc chắn dù số CMND thay đổi thì MST vẫn giữ nguyên. Cơ quan thuế quản lý người nộp thuế theo MST chứ không quản lý theo CMND” - vị đại diện này nói.
Còn Ngân hàng ACB cho biết việc gửi/rút tiết kiệm với khách hàng cá nhân đổi số CMND sẽ không ảnh hưởng nhiều bởi ngân hàng có áp dụng biện pháp nhận dạng bằng vân tay.
Cũng theo ACB, với người đang vay vốn tại ngân hàng nếu hợp đồng còn hiệu lực thì không phải cập nhật thông tin nếu người vay đổi số CMND. Với người nhận kiều hối thì thường sử dụng mã số của công ty kiều hối cấp nên hầu như không bị ảnh hưởng khi
đổi số CMND.
Các ngân hàng cho biết họ đã có sự chuẩn bị từ trước và đã có hướng dẫn cho nội bộ. Theo đó, hiện hệ thống của ngân hàng đã cho nhập số CMND 12 số.
Với khách hàng giao dịch trực tiếp tại quầy như gửi/rút tiết kiệm, mở thẻ..., nếu đổi số CMND thì chỉ cần đem CMND cũ đã cắt góc hoặc giấy xác nhận đổi CMND do cơ quan công an cấp kèm với CMND mới đến để ngân hàng cập nhật là có thể giao dịch bình thường.
Từ lần giao dịch tiếp theo sau đó, khách hàng chỉ cần số CMND mới.
Trường hợp khách hàng mất CMND cũ thì cần giấy xác nhận của công an hoặc bất kỳ giấy tờ nào khác chứng minh được là chủ của hai số CMND là được
chấp nhận.
Ông Nguyễn Mạnh Cường - trưởng Phòng công chứng số 4 - khẳng định việc người dân thực hiện công chứng các giao dịch bằng CMND 12 số có khác so với các giấy tờ chủ quyền nhà đất, tài sản khác được cấp trước đó vẫn sẽ được công chứng viên giải quyết bình thường.
Nếu cần đối chiếu thì công chứng viên có thể yêu cầu người dân cung cấp giấy xác nhận về việc đổi CMND của cơ
quan công an cấp.
Trưởng văn phòng thừa phát lại quận 10 Nguyễn Văn Thắng cũng cho rằng không có rắc rối nào nếu người dân thực hiện các giao dịch dân sự khi nhờ thừa phát lại. Cần thiết lắm để xác minh thì mới yêu cầu khách hàng xuất trình giấy xác nhận của cơ quan công an.
Không để gây trở ngại
Đại tá Nguyễn Văn Dung - trưởng Phòng cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (PC64) Công an TP.HCM - cho biết CMND 9 số, 12 số và thẻ căn cước công dân nếu còn thời hạn sử dụng sẽ vẫn có giá trị ngang nhau trong mọi giao dịch, thủ tục hành chính. Khi ban hành quy định thay đổi hình thức CMND, cơ quan chức năng cũng đã dự liệu các vấn đề phát sinh cho người dân khi thực hiện các giao dịch, thủ tục...
Do đó, Bộ Công an đã ban hành quy định thống nhất việc cấp giấy xác nhận kèm với CMND mới để người dân trưng ra khi cần đối chiếu. Khi người dân đã xuất trình đủ các giấy tờ như vậy mà có đơn vị, tổ chức nào không chấp nhận, gây khó khăn, kéo dài thời gian là làm trái quy định pháp luật.
Đại tá Dung cũng cho biết nếu người dân làm mất, rách, hư hỏng giấy xác nhận có thể liên hệ cơ quan công an để được cấp lại một cách thuận lợi, nhanh chóng nhất.
Bà Phan Thị Bình Thuận - phó giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM - khẳng định: “Một nguyên tắc phải bảo đảm là khi người dân thực hiện đúng các trình tự thủ tục luật định liên quan thì cơ quan, đơn vị, tổ chức không được quyền từ chối yêu cầu giải quyết của người dân”.
Vì thế, CMND 9 số hay CMND 12 số và thẻ căn cước công dân không để là trở ngại cho người dân trong thực hiện các giao dịch, thủ tục. Trong phạm vi thẩm quyền của sở, nếu đơn vị, cơ quan nào có hành vi hành chính, quyết định hành chính vô căn cứ, gây phiền hà liên quan đến việc thay đổi CMND thì sở sẽ kiến nghị để chấn chỉnh”.
A.NHÂN ghi
|
Cần chia sẻ dữ liệu công dân
Về lâu dài, nhằm tạo thuận lợi nhất cho người dân, theo luật sư Trương Thanh Đức - giám đốc Công ty luật Basico, các cơ quan cần chia sẻ dữ liệu công dân để khi ra giao dịch ngân hàng, nhận tiền hoàn thuế..., người dân không cần phải mang thẻ căn cước và cả CMND.
Đồng tình việc này, ông Đoàn Thái Sơn cho rằng phải có cơ chế xác thực để không gây ách tắc những giao dịch đang cần phải xuất trình CMND.
Còn đối với việc quản lý thuế thu nhập cá nhân, bà Tạ Thị Phương Lan - phó vụ trưởng Vụ Quản lý thuế thu nhập cá nhân Tổng cục Thuế - cũng đồng tình việc kết nối giữa các cơ quan quản lý là rất cần thiết và càng sớm càng tốt.
Nhưng bà cũng cho rằng rất khó và không thể triển khai trong ngày một ngày hai. Để ngành thuế hay ngân hàng tiếp cận được cơ sở dữ liệu công dân, rất cần thiết phải được quy định trong văn bản chính sách chứ đơn phương ngành thuế hay ngân hàng không thể xin công an chia sẻ dữ liệu được, bởi liên quan đến bảo mật thông tin.
Vụ Quản lý thuế thu nhập cá nhân cũng cho biết hiện ngành thuế cấp mã số thuế thu nhập cá nhân theo CMND. Từ khi cơ quan công an triển khai cấp CMND 12 số thay vì 9 số như trước thì ngành thuế giật mình vì đồng loạt nhiều người có hai mã số thuế.
Thực tế, cơ quan thuế không thể nắm được ai vừa đổi số CMND để không cấp mã số thuế nữa. Do đó, việc tổng hợp thu nhập và quản lý thuế thu nhập cá nhân vẫn còn hạn chế. Để đảm bảo việc quản lý thuế, bà Lan cho biết trước mắt, đối với trường hợp hoàn thuế, quyết toán thuế thì ngành thuế đang tự rà soát dữ liệu qua thông tin của người nộp thuế.
Về góc độ người nộp thuế, cơ quan thuế mong muốn khi có thay đổi số CMND thì nên báo với cơ quan thuế quản lý cập nhật. Còn về lâu dài chắc chắn ngành thuế sẽ phải tiếp cận với cơ sở dữ liệu công dân của cơ quan công an.
Cũng theo bà Lan, theo kế hoạch, đến năm 2020 khi triển khai việc cấp mã công dân thì sẽ không có mã số thuế nữa. Theo đề án cấp mã số công dân, mỗi đứa trẻ vừa sinh ra cho đến khi hết đời sẽ được cấp một mã số. Mã số này sẽ được cơ quan thuế dùng là mã số thuế thu nhập cá nhân.
L.THANH ghi
|
Nên cho người dân giữ lại CMND
Đó là đề xuất của vụ trưởng Vụ pháp chế Ngân hàng Nhà nước Đoàn Thái Sơn. Ông Sơn cho biết Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản góp ý với Bộ Công an về việc này. Vì thực tế, việc đổi CMND từ 9 số sang 12 số ngay ban đầu cũng có vướng mắc. Người dân ra ngân hàng đi rút tiền mà đưa CMND mới thì không rút được.
Ban đầu, khách hàng cứ nghĩ ngân hàng gây khó khăn, nhưng thực tế lỗi đâu phải do ngân hàng. Tới đây, việc đổi CMND sang thẻ căn cước sẽ diễn ra trên diện rộng là 16 tỉnh thành và tiến tới là làm trên cả nước. Do đó, số lượng người đổi sang thẻ căn cước sẽ rất lớn.
Để không xáo trộn trong hoạt động của các ngành khác như ngân hàng cũng như đảm bảo thuận lợi cho người dân, Ngân hàng Nhà nước đề xuất cơ quan công an nên bấm lỗ hay cắt góc CMND cũ và cho người dân giữ lại CMND để họ có cơ sở xác thực mỗi khi giao dịch.
L.THANH ghi
Nguồn: http://tuoitre.vn/
|