Công tác thi hành án cần sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan bảo vệ pháp luật hoạt động trên cơ sở nền tảng pháp luật đầy đủ, chặt chẽ, hợp lý và khả thi
Phải nói ngay rằng không ai tự nguyện thi hành án (THA) mà chỉ là không thể trốn tránh được nên mới phải chấp hành trong sự miễn cưỡng tối đa. Vì vậy, họ tìm đủ mọi cách ngăn cản, gây khó khăn trong công tác THA như che giấu, tẩu tán tài sản cho đến việc thi hành nhỏ giọt, ngụy tạo các tranh chấp liên quan đến tài sản.
Phát sinh nhiều hệ lụy
Khi niềm tin vào pháp luật suy giảm thì tư tưởng “tự xử” phát sinh là điều tất yếu. Do vậy, thực trạng sử dụng “xã hội đen” để giải quyết các quan hệ nợ nần ngày càng gia tăng. Tất nhiên, hệ lụy của nó vô cùng nguy hiểm cho trật tự chung và các nhà quản lý xã hội phải thêm nhọc công.
Nhìn tổng thể, công tác THA cần sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan bảo vệ pháp luật hoạt động trên cơ sở nền tảng pháp luật đầy đủ, chặt chẽ, hợp lý và khả thi. Như vậy, giải pháp đầu tiên là phải sửa đổi những quy định bất cập của pháp luật tố tụng lẫn THA.
TAND quận 1, TP HCM xử vụ kiện đòi hơn 55 triệu USD tiền thắng bạc Ảnh: PHẠM DŨNG
Rất nhiều lần, chấp hành viên đã trách người được THA vì sao không thực hiện thủ tục yêu cầu ngăn chặn chuyển dịch tài sản trong quá trình kiện tụng để bảo đảm THA về sau. Thật ra, người được THA có biết điều này nhưng đâu dễ yêu cầu khi giá trị tranh chấp lớn, toàn bộ vốn liếng đã đổ dồn vào đây thì tìm đâu ra tài sản tương đương để đóng tiền bảo đảm nhằm áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời ngăn chặn chuyển dịch.
Có trường hợp giá trị tranh chấp nhỏ hơn tài sản hiện hữu nên khi đủ tiền đóng bảo đảm thì không được tòa án chấp nhận mà yêu cầu đóng số tiền tương đương tài sản bị ngăn chặn, tất nhiên đó là yêu cầu quá sức. Vì vậy, tài sản lẽ ra được phong tỏa để bảo đảm THA lại được ung dung chuyển sở hữu.
Luật hóa trách nhiệm
Vấn đề truy tìm tài sản, nguồn thu nhập của người phải THA cũng là sự bất hợp lý khi trong tay người dân không có bất cứ công cụ, phương tiện nào. Yêu cầu các tổ chức như ngân hàng cung cấp số tài khoản hoặc số dư trong tài khoản là điều không thể. Vậy tại sao không luật hóa việc các ngân hàng phải có trách nhiệm cung cấp các thông tin về số tài khoản, số dư trong tài khoản của những người phải THA cho cơ quan chức năng?
Người phải THA là bên có lỗi và bị chế tài trong vụ án dân sự nên họ phải có trách nhiệm thi hành nghĩa vụ để khắc phục. Do đó, khi cơ quan THA yêu cầu, các ngân hàng phải xem là nghĩa vụ phối hợp để giải quyết vấn đề. Tất nhiên, sẽ có quan điểm e ngại việc các chấp hành viên, thừa phát lại lợi dụng quyền hạn này để truy tìm và phát tán thông tin của các đối tượng khác. Tuy nhiên, công cụ pháp luật sẽ thực hiện chức năng của mình, chế tài nghiêm khắc các hành vi lạm dụng này như truy cứu trách nhiệm hành chính hoặc hình sự.
Ở các pháp nhân và thể nhân thì rất cần thiết sự phối hợp của cơ quan thuế với sở kế hoạch và đầu tư, phòng kinh tế cấp quận trong quản lý. Nhiều doanh nghiệp đăng ký vốn điều lệ rất lớn để có thể ký được các hợp đồng kinh tế giá trị cao (hợp đồng thi công, đấu thầu, mua bán hàng hóa…), sau đó không có khả năng thực hiện, thanh toán và thua kiện nhưng việc THA thì bỏ ngỏ.
Thực chất trong nhiều trường hợp, hành vi này có dấu hiệu của tội lừa đảo hoặc lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Thế nhưng, cơ quan điều tra thường xếp vào tranh chấp kinh tế nên các bản án loại này thì người thắng kiện thường chỉ “cầm chơi”.
Quy định pháp luật hiện tại đã khá đầy đủ khi xác định trách nhiệm của người góp vốn trong doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm trong trường hợp góp chưa đủ. Điều đó có nghĩa là phải lấy tài sản riêng của mình để thanh toán cho các khoản nợ phát sinh từ giao dịch của doanh nghiệp mà mình góp vốn. Luật Doanh nghiệp có hẳn một chế định về nội dung này, các quy định trong Bộ Luật Dân sự cũng xác định trách nhiệm cá nhân tương ứng với trường hợp này. Tuy nhiên, chưa có hướng dẫn dưới luật một cách cụ thể nên hầu như chẳng ai phải bỏ tiền túi để thanh toán cho các khoản nợ phát sinh từ giao dịch của doanh nghiệp mà mình góp vốn. Để rồi nguyên đơn hoặc người được THA phải chạy ngược xuôi để tìm ra tài sản hoặc thu nhập của doanh nghiệp kia mà chẳng bao giờ có kết quả.
Đẩy mạnh xã hội hóa THA dân sự
Theo Cục THA dân sự TP HCM, để bảo đảm việc xã hội hóa công tác THA dân sự được diễn ra nhanh chóng và có kết quả, cần có các quy định pháp luật tạo tiền đề pháp lý vững chắc. Bước đầu, cần có các quy định mang tính thí điểm ở phạm vi hạn chế, từ đó đúc kết kinh nghiệm thực tiễn để triển khai chính thức. Ngoài ra, cần có cơ chế mở để công chức ngành THA dân sự, đặc biệt là chấp hành viên, tham gia vào quá trình xã hội hóa này vì họ được đào tạo bài bản và có nhiều kinh nghiệm.
Cục THA dân sự TP HCM cũng đề xuất nâng cao vai trò, trách nhiệm của tòa án đối với tính khả thi của bản án, quyết định và trong việc THA dân sự. Việc giao cho tòa án ra quyết định đưa bản án ra thi hành sẽ khắc phục được một phần những trường hợp tòa tuyên không rõ ràng, chính xác, thiếu cụ thể và không phù hợp với thực tế... Nếu có trường hợp thiếu sót nào xảy ra, tòa án có thể chủ động khắc phục ngay khi ban hành quyết định thi hành án. Ph.Dũng
Theo báo Người Lao Động