Phải đổi quy trình và huy động hiền tài làm luật
(PL)- Phải chú trọng chất lượng lấy ý kiến và tiếp thu góp ý cho dự thảo luật, cá nhân hóa trách nhiệm thẩm tra và đổi mới quy trình thông qua dự án luật.
Sự kiện Quốc hội (QH) phải ra nghị quyết tạm dừng hiệu lực của BLHS 2015 do phát hiện hơn 90 lỗi khiến chúng ta phải nhìn lại quy trình lập pháp hiện nay.Theo PGS-TS Đỗ Văn Đại, Trường ĐH Luật TP.HCM, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học pháp lý Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, PGS-TS Đỗ Văn Đại, trước đây từng có nhiều quy định trong một số luật không phù hợp với thực tế đời sống, thậm chí là vô nghĩa, khó hiểu. Sự cố đối với BLHS 2015 lần này một lần nữa cho thấy việc làm luật của chúng ta đang có vấn đề.
“Ở góc độ so sánh, quy trình lập pháp của chúng ta giống nhiều nước nhưng làm từng giai đoạn lại có vấn đề: Từ soạn thảo, lấy ý kiến, thẩm định, thảo luận tại nghị trường đến bấm nút thông qua” - TS Đại nói.
Cài cắm lợi ích nhóm
. Phóng viên: Nhiều người cho rằng nguyên nhân của tình trạng này là do QH thường giao cho các bộ, ngành chủ trì soạn thảo những dự án luật liên quan, hậu quả là họ sẽ gắn “cái tôi” trong đó; ít thời gian chăm chút cho dự thảo; bỏ ngoài tai những ý kiến góp ý... dẫn đến nhiều sai sót. Ông có nghĩ như vậy?
+ PGS-TS Đỗ Văn Đại: Theo quy định hiện hành, các đại biểu (ĐB) QH có quyền trực tiếp soạn thảo và trình dự án luật cho QH. Chúng ta chưa làm được bởi nhiều lý do khác nhau. Hơn nữa luật do QH thông qua nên việc cơ quan này giao cho các ban ngành soạn thảo dự án luật là chuyện bình thường. Tuy nhiên, cơ quan soạn thảo trình QH xem xét, thông qua nên tiếng nói cuối cùng và quyết định thuộc về các ĐBQH. Nếu các ĐB toàn tâm toàn ý với dự thảo thì chất lượng luật vẫn đảm bảo. Thực tế cho thấy đôi khi họ khá hời hợt nên mới có chuyện phát hiện đến 90 lỗi trong một bộ luật.
Đúng là có sự cài cắm những quy định có lợi cho cơ quan soạn thảo hay đối tượng thuộc sự quản lý của cơ quan soạn thảo. Đây có thể là một dạng lợi ích nhóm trong xây dựng pháp luật, rất nguy hiểm cho lợi ích chung.
Quốc hội biểu quyết thông qua các dự án luật. Ảnh: Q.H
Lấy ý kiến: Còn vội vàng, hình thức
. Còn khâu lấy ý kiến góp ý cho dự thảo luật và việc tiếp thu ý kiến đó của cơ quan soạn thảo trước khi trình QH có thực chất và đảm bảo khách quan không, thưa ông?
+ Hầu hết các dự thảo luật đều phải lấy ý kiến chuyên môn để cơ quan soạn thảo tiến hành xem xét, tiếp thu. Tuy nhiên, công đoạn này còn nhiều điểm cần bàn.
Thứ nhất, khâu này khá vội vàng và mang tính hình thức nên những người có chuyên môn cao không có điều kiện thể hiện ý kiến chuyên sâu và đầy đủ. Hậu quả là điều luật bị những lỗi cơ bản như trùng lắp các khoản, điểm…
Thứ hai, đôi khi ý kiến chuyên môn được đưa ra lại mang tính lý thuyết, học thuật quá cao, xa vời thực tế. Nếu những ý kiến này đưa vào luật thì lại phải sửa đổi ngay.
Thứ ba, có khi ý kiến của người làm thực tế hay nhưng không phù hợp với ý chí chủ quan của người chấp bút dự thảo nên không được tiếp thu. Có tình trạng cơ quan soạn thảo và thẩm định ngại lắng nghe những phản biện chuyên môn. Điều này làm cho người có tâm huyết, chuyên môn tự ái. Hậu quả là ý kiến tiếp thu thì bất cập, trong khi ý kiến bị loại thì lại phù hợp.
Mặt khác, có một thực trạng buồn là việc “lobby” nhà chuyên môn. Chẳng hạn, để có sự đồng thuận của họ, cơ quan soạn thảo tổ chức những chuyến “du lịch chuyên môn” ở trong nước hay nước ngoài. Mục đích là mong có thêm tiếng nói ủng hộ, thậm chí là có được sự im lặng của giới chuyên môn để báo cáo là đa số ủng hộ dự thảo. Lúc này dự thảo luật đã bị tác động bởi những thứ không chuyên môn và yếu tố đa số ủng hộ có vấn đề.
Phải trách nhiệm hóa cá nhân cụ thể
. Được biết ông từng làm tiến sĩ luật học ở Pháp, từng giảng dạy luật ở đây năm năm. Ông có thể chia sẻ những điểm hay trong quy trình lập pháp của Pháp so với Việt Nam?
+ Để có được một đạo luật, Pháp và Việt Nam có quy trình lập pháp tương đối giống nhau nhưng chất lượng khác nhau.
Cả hai nước đều có khâu chuẩn bị dự án luật và ủy ban liên quan thẩm tra dự án luật (chẳng hạn BLHS 2015 do Ủy ban Tư pháp, BLDS 2015 do Ủy ban Pháp luật) trước khi trình thông qua. Nhưng các báo cáo thẩm tra được công bố ở Việt Nam cho thấy khá chung chung. Tại Pháp, ủy ban này sẽ giao cho một thành viên chuẩn bị báo cáo để ủy ban cho ý kiến. Báo cáo này rất chi tiết cho từng điều luật với những phân tích, lập luận, lý lẽ rất chuyên sâu. Đây có thể được coi là một công trình khoa học chất lượng. Chúng ta nên theo hướng này, cần phải trách nhiệm hóa một cá nhân cụ thể, có chính kiến riêng. Làm tốt được công đoạn này, chất lượng các dự án cao, nghĩa là luật thông qua cũng tốt.
Mặt khác, cả hai nước đều có quy trình thông qua dự án luật tại nghị trường. Nhưng ở Pháp, công đoạn này kỹ hơn vì nó sẽ được thông qua ở Thượng nghị viện rồi ở Hạ nghị viện hoặc ngược lại. Việc hai cơ quan này cùng đầu tư vào việc thông qua dự án luật sẽ làm tăng chất lượng các đạo luật. Đặc biệt các ĐB sẽ thông qua từng điều luật rồi mới thông qua toàn bộ dự án luật. Việc này buộc các ĐB phải xem xét từng điều luật để thấu hiểu, không bỏ sót các vấn đề mà dự thảo đề cập. Chúng ta quy định chỉ có QH thông qua một lần. Vì vậy nên chọn cách thông qua từng điểm, từng chương rồi thông qua toàn bộ dự án hoặc thông qua toàn bộ dự án sau khi nghe đọc toàn văn.
. Vậy chúng ta cần phải điều chỉnh, đổi mới quy trình lập pháp hiện nay để chất lượng các đạo luật được đảm bảo hơn?
+ Đúng vậy. Ngoài những việc cần cải thiện như đã nói ở trên, tôi nghĩ việc sử dụng hiền tài trong lập pháp là rất cần thiết, bởi quy trình hay nhưng con người dở thì kết quả không tốt. Bởi lẽ làm luật chính là xây dựng những quy định mang tính định hướng cho sự phát triển của xã hội, đất nước. Tôi nghĩ chuyên gia pháp lý không thiếu và họ cũng sẵn sàng tham gia nghiên cứu sâu nếu cơ quan được giao soạn thảo và các ủy ban của QH được giao thẩm định yêu cầu. Cần tạo điều kiện tối đa cho họ góp ý, phản biện các dự án luật trước khi trình QH thông qua.
Nói cách khác, chúng ta cần thay đổi cả quy trình làm luật lẫn việc sử dụng con người vào việc làm luật. Hai yếu tố này luôn cần thiết để có những đạo luật chất lượng, tránh việc vừa thông qua đã phải sửa đổi.
. Xin cám ơn ông.
Ít đại biểu chuyên trách nên nhiều ý kiến chung chung
• Có ý kiến cho rằng ĐB kiêm nhiệm hiện nay chiếm tỉ lệ đa số trong QH. Do áp lực về thời gian, chuyên môn, ĐB kiêm nhiệm không có thời gian nghiên cứu kỹ các dự thảo luật?
+ Rất khó nói việc kiêm nhiệm của ĐBQH ảnh hưởng xấu tới chất lượng của luật được thông qua. Nhưng phải thừa nhận rằng chất lượng của luật phụ thuộc nhiều vào sự đầu tư của ĐBQH. Họ càng có chuyên môn cao, nghiên cứu kỹ và góp ý xác đáng thì luật càng chất lượng.
Tôi đã có cơ hội tham gia vào việc chỉnh lý dự thảo tại QH trong thời gian dài và thấy ĐB đầu tư vào dự thảo luật không thật sự nhiều. Hơn nữa, do không là các ĐB chuyên trách và có chuyên môn cao nên nhiều ý kiến chung chung, chỉ nêu ra được vấn đề, không đưa ra được giải pháp. Vì vậy cần tăng các ĐB chuyên trách.
|
(Nguồn: http://plo.vn/phap-luat/phai-doi-quy-trinh-va-huy-dong-hien-tai-lam-luat-638364.html)