Ngân hàng ‘lờ’ quyết định phong tỏa, xử lý sao?
Cơ quan thi hành án phong tỏa tài khoản tại ngân hàng, mấy ngày sau ra quyết định cưỡng chế khấu trừ tiền thì ngân hàng từ chối, cho biết đã “xử lý” số tiền trong tài khoản…
Mới đây, bà Nguyễn Thị Thanh Thúy (ngụ thị trấn Đức Phổ huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi) đã gửi đơn khiếu nại tới nhiều cơ quan chức năng đề nghị xem xét, giải quyết dứt điểm việc tổ chức thi hành bản án đã có hiệu lực hơn sáu năm nay của bà. Bà Thúy cũng yêu cầu xử lý trách nhiệm đối với người có thẩm quyền của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh huyện Đức Phổ (gọi tắt là Agribank Chi nhánh Đức Phổ) về hành vi không thực hiện việc phong tỏa của cơ quan thi hành án (THA).
Không thực hiện quyết định phong tỏa
Trước đây, năm 2008, TAND huyện Đức Phổ đã tuyên buộc Công ty TNHH Trường Sơn phải trả cho bà Thúy gần 500 triệu đồng. Sau khi bản án có hiệu lực pháp luật, theo yêu cầu của bà Thúy, tháng 1-2009, Chi cục trưởng Chi cục THA dân sự huyện Đức Phổ đã ra quyết định THA.
Qua xác minh, chấp hành viên biết rằng Công ty Trường Sơn sẽ được UBND xã Phổ Ninh chuyển trả gần 96 triệu đồng tiền thi công xây dựng công trình kiên cố hóa kênh An Nhơn ở xã này. Do vậy, chấp hành viên đã có văn bản yêu cầu UBND xã Phổ Ninh chuyển số tiền trên vào tài khoản của Chi cục THA huyện để THA.
Ngày 20-12-2010, Kho bạc Nhà nước huyện Đức Phổ có thông báo gửi cho Chi cục THA huyện Đức Phổ về việc sẽ chuyển số tiền 96 triệu đồng này vào tài khoản số 4508201000168 mở tại Agribank Chi nhánh Đức Phổ. Ngay hôm sau, chấp hành viên đã ra quyết định phong tỏa tài khoản trên với thời hạn kể từ thời điểm Kho bạc Nhà nước huyện chuyển số tiền trên vào tài khoản cho đến khi có quyết định chấm dứt phong tỏa. Đồng thời, chiều cùng ngày, chấp hành viên cũng lập biên bản phong tỏa tài khoản với sự tham gia của đại diện VKS huyện Đức Phổ và ông Huỳnh Tấn Minh (Giám đốc Agribank Chi nhánh Đức Phổ).
Đến ngày 27-12-2010, chấp hành viên ra quyết định cưỡng chế khấu trừ tiền trong tài khoản số 4508201000168 để THA. Đến lúc này, phía Agribank Chi nhánh Đức Phổ từ chối thực hiện quyết định cưỡng chế, cho biết vào ngày 23-12-2010 (hai ngày sau khi chấp hành viên ra quyết định và lập biên bản phong tỏa tài khoản), Agribank Chi nhánh Đức Phổ đã xử lý số tiền gần 96 triệu đồng trên vào việc thu nợ quá hạn của Công ty Trường Sơn theo hợp đồng tín dụng giữa hai bên.
Ngày 23-4-2014, Chi cục trưởng Chi cục THA huyện Đức Phổ đã có văn bản gửi Ngân hàng Nhà nước, Chánh Thanh tra Ngân hàng Nhà nước tỉnh Quảng Ngãi, Agribank Chi nhánh tỉnh Quảng Ngãi kiến nghị xử lý kỷ luật người đứng đầu Agribank Đức Phổ do đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn cản trở việc phong tỏa tài khoản, xâm phạm tiền phong tỏa và phải bồi thường thiệt hại theo quy định. Tuy nhiên, kể từ đó đến nay không cơ quan nào hồi âm cho Chi cục THA.
Thiếu quy định xử lý?
Từ vụ việc trên, một vấn đề đặt ra: Theo quy định hiện hành, việc người có thẩm quyền của ngân hàng không chấp hành quyết định phong tỏa tài khoản của cơ quan THA có vi phạm hay không? Nếu vi phạm thì xử lý sao?
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Hồ Quân Chính (Phó phòng Nghiệp vụ 1 Cục THA TP.HCM) cho biết: Theo Điều 67 Luật THA dân sự, quyết định phong tỏa của cơ quan THA dân sự là biện pháp bảo đảm THA. Hành vi xâm phạm vào tài khoản đã bị phong tỏa của người có thẩm quyền của ngân hàng là vi phạm pháp luật THA dân sự.
Về mặt hành chính, người có thẩm quyền của ngân hàng có thể bị xử phạt từ 30 triệu đến 40 triệu đồng về hành vi “không thực hiện việc phong tỏa tài khoản” theo quy định tại khoản 7 Điều 52 Nghị định 110/2013 của Chính phủ (về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, THA dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã). Những người có thẩm quyền xử phạt là chánh Thanh tra Bộ Tư pháp, tổng cục trưởng Tổng cục THA dân sự (điểm b khoản 4 Điều 67, điểm b khoản 5 Điều 68 Nghị định 110/2013).
Ông Chính cũng nhận xét pháp luật chưa quy định trong trường hợp sau khi đã bị xử phạt hành chính mà ngân hàng vẫn không chịu giao trả số tiền trong tài khoản bị phong tỏa thì xử lý sao. Về mặt hành chính thì không có quy định để xử lý tiếp, về mặt hình sự thì không thể truy cứu trách nhiệm hình sự người có thẩm quyền của ngân hàng. Bởi trong trường hợp này, họ không phải là chủ thể của tội không chấp hành án (Điều 304 BLHS) vì không thuộc đối tượng liên quan trong vụ án. Mặt khác, hành vi không thực hiện việc phong tỏa khác với hành vi vi phạm việc niêm phong, kê biên tài sản nên cũng không thể truy cứu họ về tội vi phạm việc niêm phong, kê biên tài sản theo Điều 310 BLHS.
Từ đó, ông Chính đề nghị các nhà làm luật bổ sung quy định cụ thể hơn để có thể xử lý triệt để những trường hợp bất chấp quyết định phong tỏa tài khoản của cơ quan THA tương tự, đồng thời để giúp các cơ quan THA có căn cứ áp dụng thống nhất.
Ý kiến của Luật sư LÊ QUANG Y, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai: Vi phạm quá rõ
Theo khoản 2 Điều 67 Luật THA dân sự, “cơ quan, tổ chức đang quản lý tài khoản phải thực hiện ngay quyết định của chấp hành viên về phong tỏa tài khoản”. Do vậy, quyết định phong tỏa có giá trị bắt buộc các bên liên quan phải có nghĩa vụ thi hành. Mọi trường hợp không thực hiện việc phong tỏa theo quyết định của cơ quan THA dân sự có thẩm quyền là vi phạm.
Nghị định 110/2013 của Chính phủ cũng quy định xử phạt hành vi không thực hiện việc phong tỏa. Nhưng đúng là trường hợp sau khi bị xử phạt hành chính mà người vi phạm vẫn không chịu khắc phục hậu quả thì xử lý sao còn đang bỏ ngỏ. Chính vì vậy, nhiều trường hợp cơ quan THA đã túng lúng khi xử lý dạng vi phạm này.
Ý kiến của Luật sư TRỊNH THANH, Văn phòng Luật sư Người nghèo: Chế tài nặng hơn
Trước đây ở TP.HCM từng xảy ra một vụ vi phạm việc phong tỏa tương tự và cơ quan THA cũng chỉ có thể xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại khoản 7 Điều 52 Nghị định 110/2013 của Chính phủ. Tuy nhiên, trong trường hợp người đã vi phạm việc phong tỏa như trường hợp báo đã phản ánh mà vẫn tiếp tục không chịu giao lại gần 96 triệu đồng thì pháp luật lại không có chế tài cũng như chưa quy định các biện pháp khác buộc người vi phạm phải khắc phục.
Hành vi vi phạm quyết định phong tỏa là rất nghiêm trọng nhưng chế tài đối với hành vi này lại chưa tương xứng, chưa đủ sức răn đe nên tôi nghĩ người có thẩm quyền cần xem xét, bổ sung thêm quy định chế tài nặng hơn để tránh những trường hợp tương tự.
Nguồn: phapluattp