Nên lập vi bằng khi hàng xóm chuẩn bị xây nhà
Nhà ở đô thị đa số đều là nhà liên kế, luôn chịu ảnh hưởng nhiều khi nhà hàng xóm xây mới hoặc sửa chữa lại.
Dịp cuối năm, nhiều gia đình tranh thủ tổ chức sửa nhà hoặc xây mới để đón Tết. Ở các đô thị lớn, việc xây một công trình luôn gây ảnh hưởng ít nhiều đến các ngôi nhà xung quanh. Công trình càng lớn thì sức tác động càng nhiều. Đối với nhà dân thì hàng xóm, đặc biệt là những căn lân cận sẽ phải “chịu trận” nhiều nhất.
Không chỉ bụi bặm, tiếng ồn làm phiền trong thời gian dài, vấn đề đáng lo ngại hơn là nhà cửa có thể bị hư hại, thiệt hại về tài sản, ảnh hưởng độ bền kết cấu. Anh Việt Hưng, một kiến trúc sư, nhận định: “Hư hại thường thấy nhất khi nhà liền kề xây dựng là nhà lân cận bị thấm tường, nứt tường từ nhẹ đến nặng, lún hoặc sụp nền…, nặng hơn nữa có thể bị nghiêng, thậm chí đổ sập nếu phần móng bị tác động mạnh”.
Vậy phải làm sao để bảo vệ ngôi nhà của mình được an toàn và có thể đòi hỏi các quyền lợi chính đáng như quyền được khởi kiện, được bồi thường thỏa đáng nếu việc thi công của hàng xóm gây ảnh hưởng nghiêm trọng? Một số chuyên gia đã đưa ra lời khuyên.
Thông tin rõ ràng, lập bằng chứng hai bên
Theo chia sẻ của một kỹ sư xây dựng, trước khi xây nhà, chủ nhà phải cùng đơn vị thi công khảo sát các nhà liền kề, lập biên bản về hiện trạng, chụp ảnh tường, trần, sàn… để làm căn cứ đối chiếu về sau. Nếu thấy nhà hàng xóm chuẩn bị thi công, các hộ lân cận cũng cần chủ động đề nghị thực hiện động tác này. Xét thấy cần thiết thì mời cơ quan chức năng lập vi bằng.
“Các hình ảnh này sẽ là căn cứ xác định mức độ hư hỏng và trách nhiệm của các bên trong xử lý. Về lý, bên thi công phải chịu trách nhiệm đảm bảo an toàn, hiện trạng ban đầu cho các nhà lân cận” - ông Hưng nói.
Nhiều trường hợp khi nhà liền kề xây nhà thì nhà kế bên bị ảnh hưởng. Ảnh:NGUYỄN CHÂU
Buộc gia chủ áp dụng biện pháp an toàn
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, góp ý: Khi hàng xóm xây nhà, chúng ta nên chủ động trao đổi với chủ thầu để biết được kỹ thuật thi công có đảm bảo không; đồng thời yêu cầu công trình phải được che chắn, có biện pháp chống nghiêng, chống sập đối với nhà liền kề… Lưu ý thêm về ranh mốc, tường chung, an toàn, vệ sinh. Đôi bên thống nhất các phương án bồi thường nếu xảy ra sự cố, hoặc bồi thường bằng tiền, hoặc sửa chữa trả về hiện trạng ban đầu, tất cả phải thể hiện trên giấy tờ. Nếu có thể, nên theo sát quá trình thi công để kịp thời phát hiện, xử lý những bất cập phát sinh.
Đề nghị ngưng thi công ngay
Theo kinh nghiệm của ông Trần Văn Châu, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Địa ốc Chợ Lớn, trong quá trình thi công phần móng (ép cọc, đào đất...), nhất là với các tòa nhà cao tầng có thể ảnh hưởng đến móng hiện hữu của nhà hàng xóm như gây sụt lún hoặc trồi sàn trệt, nứt tường… Nếu phát hiện có vết nứt, thấm, sụt lún nền, phải báo ngay với nhà đang xây để có biện pháp khắc phục phù hợp. Trường hợp mức độ hư hại nặng thì buộc bên thi công phải tạm ngừng để tìm giải pháp an toàn hơn.
“Nếu hai bên không thỏa thuận được giải pháp thì có thể báo với UBND phường nơi cư trú để xử lý theo thẩm quyền” - ông Châu góp ý.
Nguyên tắc bồi thường theo luật
Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu, Đoàn Luật sư TP.HCM, Điều 605 BLDS 2015 có quy định về bồi thường thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng khác gây ra. Cụ thể, phía chủ sở hữu, quản lý, sử dụng nhà cửa, công trình xây dựng phải bồi thường thiệt hại do nhà cửa, công trình đó gây ra. Nếu người thi công có lỗi thì phải liên đới bồi thường.
Theo Điều 58 BLDS, nguyên tắc bồi thường là thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, hiện vật hoặc biện pháp khác. Nghĩa vụ chứng minh thiệt hại thuộc về bên yêu cầu bồi thường, phải có tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho việc thiệt hại của mình.
|
Nguồn: PLO (tiêu đề do người đăng đặt lại)