Nên hay không đưa các vụ án ra xét xử lưu động?
Có ý kiến cho rằng việc đưa ra xét xử lưu động là cách làm phi giáo dục, xâm phạm đến nhân thân bị cáo khi bản án chưa được kết án
Hôm nay (17/12), Tòa án Nhân dân tỉnh Bình Phước đưa ra xét xử lưu động 3 bị cáo trong vụ thảm án làm 6 người trong gia đình ông Lê Văn Mỹ ở xã Minh Hưng, huyện Chơn Thành chết thảm.
|
Phiên xét xử lưu động Đặng Văn Hùng giết 4 người ở Yên Bái diễn ra tại Trung tâm văn hóa thể thao huyện Văn Yên với sự tham dự của hơn 2.000 người (Ảnh:Đình Tuấn) |
Trước đó, ngày 28/10, Tòa án Nhân dân tỉnh Yên Bái cũng đã xét xử lưu động Đặng Văn Hùng (SN 1989, trú tại thôn 16, xã Lâm Giang, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái) kẻ đã dùng dao giết hại 4 người trong cùng gia đình ở thôn 16, xã Lâm Giang, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái. Phiên tòa diễn ra tại sân khấu Trung tâm văn hóa thể thao huyện Văn Yên với sự chứng kiến của khoảng 2.000 người.
Đây được xem là 2 vụ án gây chấn động dư luận xã hội thời gian gần đây.
Có ý kiến băn khoăn liệu có phải những vụ án rùng rợn nhất, kinh hoàng nhất đều được tòa án mang ra xét xử lưu động để tăng tính giáo dục, răn đe hay không? Tìm lời giải đáp cho băn khoăn này, trên Cổng TTĐT của Tòa án Nhân dân tối cao (http://toaan.gov.vn/), có bài viết của tác giả Phạm Thái cho biết pháp luật tố tụng hình sự, dân sự và hành chính đều không quy định về việc xét xử lưu động. Nhằm mục đích góp phần phổ biến, giáo dục pháp luật, trong những năm qua ngành Tòa án tăng cường đưa các vụ án (chủ yếu là án hình sự) đi xét xử lưu động.
Cung cấp thêm thông tin về nội dung này, luật sư Tạ Quốc Long (Công ty luật Đức Bảo) cho biết, nguyên tăc xét xử của tòa án nước CHXHCN Việt Nam là xét xử công khai. Người đủ 16 tuổi trở lên được quyền tham dự, chứng kiến hoạt động xét xử của cơ quan tòa án. Trong trường hợp cần thiết, để bảo vệ bí mật nhà nước, của đương sự hoặc vì lý do thuần phong mỹ tục thì Tòa án có thể xử kín nhưng tuyên án phải công khai. Đây là nguyên tắc hiến định.
Khoản 3 Điều 103 Hiến pháp 2013 quy định: Tòa án Nhân dân xét xử công khai. Trong trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật nhà nước, thuần phong, mỹ tục của dân tộc, bảo vệ người chưa thành niên hoặc giữ bí mật đời tư theo yêu cầu chính đáng của đương sự, Tòa án nhân dân có thể xét xử kín.
Các văn bản dưới Hiến pháp cũng quy định cụ thể nguyên tắc này. Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 quy định tại điều 18 như sau: Việc xét xử của Toà án được tiến hành công khai, mọi người đều có quyền tham dự, trừ trường hợp do Bộ luật này quy định. Trong trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật nhà nước, thuần phong mỹ tục của dân tộc hoặc để giữ bí mật của đương sự theo yêu cầu chính đáng của họ thì Toà án xét xử kín, nhưng phải tuyên án công khai.
Theo Luật sư Tạ Quốc Long, hiện nay, tòa án vẫn tiến hành xét xử các vụ án tại hai nơi: trụ sở tòa án và nơi công cộng (xét xử lưu động), nơi có vị trí đủ đáp ứng nhu cầu xét xử (ví dụ sân trại giam) trên địa bàn theo thẩm quyền. Việc xét xử nơi công cộng cũng là hoạt động xét xử công khai của tòa án. Hoạt động xét xử công khai ngoài trụ sở tòa án được tiến hành đối với những vụ án có số đương sự đông mà cơ sở vật chất của cơ quan tòa án không đáp ứng được hoặc khi cần sử dụng phiên tòa vào mục tiêu giáo dục pháp luật cho cộng đồng tránh xa hành vi tội phạm (xét xử lưu động).Việc xét xử ngoài trụ sở tòa án thường được áp dụng đối với các vụ án hình sự.
Luật sư Long phân tích, việc xét xử trong hay ngoài trụ sở tòa án không làm mất đi tính khách quan, độc lập tuân theo pháp luật của tòa án. Bị cáo trong phiên tòa hình sự được bảo vệ an toàn về tính mạng và sức khỏe ở bất kỳ địa điểm mở phiên tòa nào. Việc một người bị coi là có tội hay không có tội đều phải căn cứ vào bản án của tòa án và bản án đó phải được ban hành sau những trình tự luật định.
Khẳng định không ai có thể phủ nhận tính hiệu quả của hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua các phiên tòa xét xử lưu động, tuy nhiên, bài viết của tác giả Phạm Thái lại đặt vấn đề có nên tăng cường xét xử lưu động hay không khi nhìn nhận một cách thấu đáo giữa cái lợi và cái hại, tính nhân văn và nhân đạo trong việc thực thi pháp luật.
Tác giả Phạm Thái phân tích, nhìn từ góc độ lợi ích chung, phiên tòa lưu động là cơ hội để trực tiếp chuyển tải các quy định của pháp luật đến với người dân; ngoài tác dụng phổ biến pháp luật còn có tác dụng cảnh báo, răn đe giáo dục chung đối với mọi người. Tuy nhiên, tác giả Phạm Thái cũng cho biết hầu như các bị cáo không ai mong muốn bị đưa đi xét xử tại nơi cư trú, nơi làm việc. Cuộc sống của người dân có tính cộng đồng rất cao (nhất là ở nông thôn), ai bị mọi người xa lánh, tẩy chay là phải chịu một hình phạt rất nặng nề. Vì vậy, việc bị cáo bị đưa đi xét xử lưu động, ngoài phải chịu hình phạt theo quy định của Bộ luật Hình sự thì họ còn phải chịu một sức ép rất nặng nề trước bà con họ hàng, bạn bè lối xóm và chịu thêm một hình phạt từ phía cộng đồng xã hội - đó là sự lên án, xa lánh. Không chỉ một mình bị cáo mà ngay cả cha mẹ, vợ con, anh em của họ cũng bị vạ lây bởi hình phạt từ phía cộng đồng dân cư.
Ở góc độ luật sư bào chữa, luật sư Nguyễn Quynh (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng việc đưa ra xét xử lưu động là cách làm phi giáo dục, thiếu tính nhân văn khoan hồng của Nhà nước, vi hiến, xâm phạm đến nhân thân bị cáo khi bản án chưa được kết tội đầy đủ, có hiệu lực pháp luật đối với một bị cáo bị truy tố trước toà án nhân dân.
Luật sư Quynh phân tích: Đối với bị cáo khi bị đưa ra xét xử lưu động, đồng nghĩa với việc chưa được toà tuyên án là "Có tội" thì bị cáo cùng lúc phải chịu tới hai bản án (một bản án trừng phạt theo pháp luật, và một bản án chính là áp lực, tai tiếng dư luận cùng thân nhân gia đình) là quá nặng nề, thiếu công bằng pháp luật, khi người thân của bị cáo không có tội nhưng phải chịu điều tiếng, áp lực dư luận nhiều hơn, dài hơn khi họ vẫn phải sống làm việc.
Luật sư Quynh đặt câu hỏi liệu mục đích của việc đưa ra xét xử lưu động là nhằm giáo dục, răn đe, phòng ngừa chung có đạt được yêu cầu không, có ai dám bảo đảm chắc chắn rằng sau vụ án xét xử lưu động sẽ không còn những vụ án tương tự?./.
Nguồn: http://vov.vn/