Video

Thống kê
Lượt truy cập  
Online  

Nâng cao hiệu quả chế định thừa phát lại

Thứ năm, 20/08/2015, 14:23 GMT+7

Nâng cao hiệu quả chế định thừa phát lại

Là một trong 12 đơn vị của cả nước được chọn để mở rộng thí điểm chế định thừa phát lại (TPL), đến nay sau gần hai năm triển khai, mô hình TPL đã được người dân Thủ đô đón nhận, bước đầu khẳng định vị trí, vai trò trong hoạt động bổ trợ tư pháp.

 

 

Giảm tải cho cơ quan thi hành án dân sự

Ngày 23-11-2012, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 36/2012/QH13 cho phép tiếp tục thí điểm chế định TPL, thành phố Hà Nội là một trong 12 địa phương được chọn để thực hiện. Nhanh chóng bắt nhịp với công việc và nhờ triển khai tốt các hoạt động thông tin, tuyên truyền, cho nên  hoạt động của các văn phòng TPL đã thu được kết quả khả quan, được xã hội và người dân đón nhận tích cực.

Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội Phan Hồng Sơn cho biết, trên địa bàn Hà Nội hiện có tám văn phòng TPL với 28 TPL, 47 thư ký nghiệp vụ. Sau khi được cấp phép, các văn phòng đều nỗ lực thực hiện nhiệm vụ được giao, cung cấp cho người dân những dịch vụ pháp lý hữu ích như tống đạt các văn bản theo yêu cầu của tòa án hoặc cơ quan thi hành án dân sự; lập vi bằng theo yêu cầu của các tổ chức, cá nhân; xác minh điều kiện thi hành án theo yêu cầu của đương sự; trực tiếp tổ chức thi hành án các bản án, quyết định của tòa án theo yêu cầu của đương sự...

Kết quả, từ tháng 2-2014 đến ngày 30-6-2015, tám văn phòng TPL đã tống đạt 34.695 văn bản, trong đó, tống đạt 25.806 văn bản cho các Tòa án,  8.889 văn bản cho các cơ quan Thi hành án, với tổng chi phí thu được hơn 2,6 tỷ đồng. Đã hoàn thành xác minh điều kiện thi hành án 34 vụ việc với tổng số phí thu được hơn 116 triệu đồng. Các văn phòng đã ký hợp đồng thi hành án 15 vụ việc, trong đó, đã thi hành xong ba vụ việc với giá trị thi hành hơn 9,1 tỷ đồng và chi phí thu được gần 373 triệu đồng.

Việc lập vi bằng được đánh giá là một trong những hoạt động có nhiều tiềm năng của TPL đã được người dân biết đến nhiều hơn. Tổng số vi bằng đã lập và đăng ký tại Sở Tư pháp là 1.711 vi bằng với tổng doanh thu hơn 4,2 tỷ đồng. Thông qua hoạt động lập vi bằng, TPL giúp người dân, cơ quan, tổ chức tự bảo vệ mình trong các quan hệ dân sự và quan hệ pháp lý khác. Đồng thời, là căn cứ để thực hiện các giao dịch khác theo quy định của pháp luật hoặc tạo lập nguồn chứng cứ, góp phần bảo đảm cho việc xét xử của tòa án được khách quan, kịp thời và chính xác. Việc thành lập Văn phòng TPL bên cạnh các cơ quan thi hành án dân sự của Nhà nước đã tạo điều kiện để người dân có thêm sự lựa chọn phù hợp với điều kiện khi yêu cầu thi hành án và việc tống đạt văn bản của TPL cũng góp phần giảm tải công việc của cơ quan thi hành án dân sự.

Cần mặt bằng pháp lý chung

Theo đánh giá của Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn, việc ra mắt và duy trì hoạt động của tám văn phòng TPL tại Hà Nội trong thời gian qua cho thấy sự hưởng ứng của xã hội đối với dịch vụ này. Thành phố đã nhanh chóng bắt nhịp với công việc triển khai thí điểm chế định TPL và thường xuyên tuyên truyền, nâng cao nhận thức về hoạt động. Tuy nhiên, mục tiêu chính của chế định TPL vẫn là thực hiện thi hành án, giảm tải cho các cơ quan thi hành án dân sự và con đường phía trước còn nhiều khó khăn, thách thức.

Chỉ còn khoảng sáu tháng nữa là hết thời gian thí điểm thực hiện chế định TPL tại Hà Nội. Trong khi những người thực thi dịch vụ tư pháp mới mẻ này đang mong có một mặt bằng pháp lý chung, thì trên thực tế, tên gọi TPL vẫn còn khá lạ lẫm với không ít người dân. Mặc dù công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật về TPL đã được Sở Tư pháp Hà Nội tổ chức khá rộng rãi, tuy nhiên tên gọi TPL vẫn gây khó hiểu cho nhiều người, thậm chí với ngay cả cơ quan, tổ chức. Tại hội nghị đánh giá công tác triển khai thực hiện thí điểm chế định TPL trên địa bàn TP Hà Nội mới đây, Phó Trưởng Văn phòng TPL Ba Đình Quách Sỹ Hiển phản ánh, qua thực hiện cho thấy một số UBND, công an cấp xã, phường chưa hiểu biết nhiều về TPL, nên cán bộ và TPL gặp rất nhiều khó khăn trong việc xác minh điều kiện thi hành án, tổ chức thi hành án. Thậm chí, có nơi từ chối, không cung cấp yêu cầu xác minh của TPL hoặc hẹn đi, hẹn lại nhiều lần.

Qua hơn 16 tháng triển khai, TPL trên địa bàn TP Hà Nội đã góp phần nâng cao nhận thức của các cơ quan nhà nước và người dân về một chủ trương mới của Đảng, Nhà nước cũng như công tác xã hội hóa các hoạt động bổ trợ tư pháp, thi hành án dân sự theo tinh thần Nghị quyết số 49-NQ/TW về Chiến lược cải cách tư pháp. Để tăng cường hiệu quả của hoạt động này và đưa TPL đến gần hơn với người dân, TP Hà Nội kiến nghị Quốc hội sớm ban hành Nghị quyết kéo dài thời gian thí điểm, tiến tới đưa chế định này vào hoạt động chính thức đồng thời nghiên cứu để sớm ban hành Luật về TPL, nhưng với tên gọi mang tính thuần Việt, dễ hiểu hơn để thay thế tên gọi hiện nay.

Nguồn: nhandan.com.vn


Người viết : thanhtuyen

Giới hạn tin theo ngày :    

Go Top
dia-chi-thua-phat-lai
Tuyển dụng