Một học sinh bị vạ oan trong vụ cô giáo và nam sinh lớp 10: Bị bêu xấu trên mạng cần phải làm gì?
Trước hết người bị xúc phạm cần thu thập bằng chứng thông qua việc yêu cầu Văn phòng thừa phát lại lập vi bằng những status hoặc bình luận có nội dung được cho rằng xúc phạm, gây ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của mình.
Theo VOV đưa tin, một học sinh ở tỉnh Bình Thuận bị vu khống oan ức trên mạng xã hội trong vụ chồng tố cáo vợ quan hệ bất chính với nam sinh lớp 10.
Sau khi một số tờ báo đưa tin về vụ việc, các đối tượng xấu đã lên facebook tải về hình ảnh của một học sinh khác hoàn toàn không liên quan đến vụ việc, sau đó đăng lên mạng xã hội với nội dung ác ý, khiến em này bị sốc nặng, chấn động tâm lý, có nguy cơ bỏ học.
Nạn nhân là em Trần Công Mẫn, 16 tuổi, học sinh lớp 10A3, Trường THPT Nguyễn Huệ, thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận. Gia đình em cho biết, mấy hôm nay Mẫn ngại tiếp xúc với mọi người, việc học sa sút.
Không những Mẫn, mà cả gia đình em đều suy sụp vì bị những người không hiểu chuyện dèm pha, bêu rếu. Mẫn chịu không nỗi cú sốc này, bỏ ăn bỏ uống và muốn bỏ học.
Vậy các nạn nhân bị bêu xấu trên mạng cần phải làm gì?
Trước hết người bị xúc phạm cần thu thập bằng chứng thông qua việc yêu cầu Văn phòng thừa phát lại lập vi bằng những status hoặc bình luận có nội dung được cho rằng xúc phạm, gây ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của mình.
Việc lập vi bằng cần phải thực hiện ngay sau khi phát hiện có hành vi xâm phạm, vì nếu để lâu, những thông tin đó có thể bị gỡ bỏ, xóa dấu vết.
Trường hợp có địa chỉ của người bêu xấu, người bị xúc phạm có thể gửi thư hoặc văn bản yêu cầu gỡ ngay các status hoặc bình luận không đúng sự thật. Nếu người bêu xấu không được thực hiện yêu cầu, người bị xúc phạm nên làm đơn tố cáo gửi cơ quan công an. Theo quy định, trong thời hạn 20 ngày hoặc chậm nhất là 2 tháng, cơ quan công an phải có văn bản trả lời.
Nếu kết luận của cơ quan công an xác định hành vi của người đưa thông tin lên mạng xã hội là bịa đặt thì tùy mức độ vi phạm, thiệt hại xảy ra để xử lý trách nhiệm hình sự, xử phạt hành chính người đưa thông tin. Nếu kết luận của cơ quan công an xác minh thông tin trên mạng xã hội là đúng, nhưng rơi vào trường hợp thuộc bí mật đời tư thì người bị xúc phạm vẫn có thể khởi kiện dân sự đòi bồi thường, buộc xin lỗi vì bị xâm phạm bí mật đời tư.
Các điều 34, 38 bộ luật Dân sự 2015 cũng quy định đời sống riêng tư, bí mật cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ. Trường hợp thông tin cá nhân bị xâm phạm, gây ảnh hưởng đến uy tín, danh dự, nhân phẩm thì cá nhân liên quan có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại, yêu cầu người phát tán chấm dứt hành vi vi phạm, xin lỗi công khai.
Tuy nhiên, có một thực tế là không ít trường hợp những kẻ nói xấu không dùng trang cá nhân, hay danh tính thật, mà lập một trang ảo để nói xấu, bôi nhọ người khác. Về điều này, Cơ quan chức năng giải quyết tin báo, tố giác tội phạm không dựa vào tên trên mạng để xác minh hành vi vi phạm, mà có nhiều biện pháp nghiệp vụ khác. Vì vậy, dù người vi phạm có sử dụng nick ảo hoặc tên người khác để che giấu thì vẫn có thể bị phát hiện, xử lý.
Xúc phạm người khác có thể bị xử lý hình sự
Theo quy định của pháp luật, hành vi (bằng lời nói hoặc hành động) xúc phạm nhân phẩm, danh dự của người khác là hành vi trái pháp luật nên người thực hiện hành vi đó có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy tố về tội "Làm nhục người khác".
Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh và trật tự, an toàn xã hội, người có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác có thể bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng.
Bên cạnh đó, theo quy định tại điểm g khoản 3 Điều 66 Nghị định 174/2013/NĐ – CP ngày 13/11/2013 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện, việc "cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác; sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.00 đồng".
Trong trường hợp người nhắn tin bôi nhọ có hành vi cố ý xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Làm nhục người khác" theo quy định tại Điều 121 Bộ luật Hình sự. Theo đó người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác sẽ bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm…
Ngoài ra, theo quy định của luật, người có hành vi cố ý bịa đặt, loan truyền những điều biết rõ là bịa đặt nhằm xúc phạm danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác hoặc bịa đặt là người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Vu khống" theo Điều 122 Bộ luật Hình sự. Tội này có các mức phạt từ cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm. Nếu phạm tội nhiều lần hoặc đối với nhiều người có thể bị phạt tù từ 1 năm đến 7 năm.
Tóm lại, để ngăn chặn và xử lý kịp thời hành vi trái pháp luật xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của mình, người bị hại cần lưu lại các tin nhắn, bình luận có nội dung xúc phạm nhân phẩm, bôi nhọ thanh danh để làm chứng cứ.
Sau đó, có thể báo cáo sự việc lên Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện để xử lý vi phạm hành chính hoặc báo cho Cơ quan điều tra để cơ quan này xem xét, tiến hành điều tra, truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người có hành vi vi phạm pháp luật.
Khi phát hiện một người có hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của mình thì có thể viết đơn kiện gửi lên tòa án có thẩm quyền để yêu cầu giải quyết. Tuy nhiên, trước khi khởi kiện phải nắm được những thông tin căn bản như: khởi kiện ai, khởi kiện về vấn đề gì và quan trọng phải có bằng chứng cho việc khởi kiện của mình.
Vi bằng là gì ?
Theo Nghị định số 61/2009/NĐ-CP và Nghị định số 135/2013/NĐ-CP quy định về tổ chức và hoạt động của thừa phát lại, vi bằng là văn bản do các Văn phòng thừa phát lại lập, ghi nhận sự kiện, hành vi và được dùng làm chứng cứ trong xét xử và trong các quan hệ pháp lý khác.
Thừa phát lại có quyền lập vi bằng đối với các sự kiện, hành vi theo yêu cầu của đương sự, trừ các trường hợp vi phạm quy định về bảo đảm an ninh, quốc phòng, đời tư, đạo đức xã hội và các trường hợp pháp luật cấm… Sau đó, thừa phát lại phải gửi vi bằng qua Sở Tư pháp để vào sổ đăng ký.
Sở Tư pháp có quyền từ chối đăng ký nếu phát hiện việc lập vi bằng không đúng thẩm quyền, không thuộc phạm vi lập vi bằng.
Nguồn: https://vietnammoi.vn/mot-hoc-sinh-bi-va-oan-trong-vu-co-giao-va-nam-sinh-lop-10-bi-beu-xau-tren-mang-can-phai-lam-gi-20190311002124936.htm