Luật sư, công chứng viên sẽ được miễn đào tạo nghề đấu giá tài sản
Theo Dự thảo Luật đấu giá tài sản đang trình Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV cho ý kiến, những người đã là luật sư, công chứng viên, thừa phát lại, quản tài viên, trọng tài viên có thời gian hành nghề từ 02 năm trở lên; người đã là Thẩm phán, chấp hành viên, sẽ được miễn đào tạo nghề đấu giá.
Tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII, Quốc hội đã cho ý kiến tại tổ và hội trường về dự án Luật đấu giá tài sản. Đa số ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành với Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế và nhất trí với nội dung do Chính phủ trình; đồng thời đóng góp nhiều ý kiến cho dự án Luật. Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã được tiếp thu, chỉnh lý gồm 8 Chương và 81 Điều.
Tại kỳ họp trước, một số ý kiến của các ĐBQH đề nghị rà soát các đối tượng được miễn đào tạo nghề đấu giá; xem xét mở rộng đối tượng được cấp Chứng chỉ hành nghề đấu giá là những người có bằng cử nhân các ngành tài chính, ngân hàng; quy định cụ thể thủ tục cấp Chứng chỉ hành nghề đấu giá; quy định chặt chẽ, rõ ràng các trường hợp thu hồi Chứng chỉ hành nghề đấu giá.
Ủy ban thường vụ Quốc hội đã tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật tại các Điều 10, 11, 12, 14, 16 và Điều 17 theo hướng làm rõ các tiêu chuẩn của đấu giá viên; điều kiện được tham gia khóa đào tạo nghề đấu giá; chỉ miễn đào tạo nghề đấu giá đối với một số chức danh bổ trợ tư pháp; quy định đầy đủ, rõ ràng hồ sơ đề nghị cấp Chứng chỉ hành nghề đấu giá; trình tự, thủ tục thu hồi Chứng chỉ hành nghề đấu giá và trường hợp cấp lại Chứng chỉ hành nghề đấu giá.
Theo quy định của Dự thảo Luật đấu giá tài sản lần này, đấu giá viên là công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam, tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, có phẩm chất đạo đức tốt; Có bằng cử nhân luật, kinh tế, kế toán, tài chính hoặc ngân hàng; Tốt nghiệp khóa đào tạo nghề đấu giá
Dự thảo cũng quy định người có bằng cử nhân luật, kinh tế, kế toán, tài chính hoặc ngân hàng, có thời gian công tác trong lĩnh vực được đào tạo từ 05 năm trở lên được tham gia khóa đào tạo nghề đấu giá.
Thời gian khóa đào tạo nghề đấu giá là 06 tháng theo hình thức tập trung. Người hoàn thành khóa đào tạo nghề đấu giá được cơ sở đào tạo nghề đấu giá cấp Giấy chứng nhận tốt nghiệp đào tạo nghề đấu giá. Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định chi tiết về cơ sở đào tạo nghề đấu giá và chương trình khung của khóa đào tạo nghề đấu giá.
Người đủ tiêu chuẩn theo quy định của Luật này muốn hành nghề đấu giá tài sản thì gửi 01 bộ hồ sơ đề nghị cấp Chứng chỉ hành nghề đấu giá đến Bộ Tư pháp và nộp lệ phí theo quy định của pháp luật.
Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp quyết định cấp Chứng chỉ hành nghề đấu giá; trường hợp từ chối phải thông báo lý do bằng văn bản. Người bị từ chối cấp Chứng chỉ hành nghề đấu giá có quyền khiếu nại, khởi kiện theo quy định của pháp luật.
Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân; cán bộ, công chức, viên chức (trừ trường hợp là công chức, viên chức được đề nghị cấp Chứng chỉ hành nghề đấu giá để làm việc cho Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản) là các đối tượng sẽ.
Sáng nay, trong phiên họp toàn thể tại hội trường, các ĐBQH đã thảo luận về Dự luật này, dự kiến, Dự luật sẽ được thông qua tại kỳ họp này./.
(Nguồn: http://www.baomoi.com/)