Video

Thống kê
Lượt truy cập  
Online  

Làm rõ trách nhiệm khi chậm ban hành văn bản quy định chi tiết

Thứ năm, 24/07/2014, 09:09 GMT+7

Làm rõ trách nhiệm khi chậm ban hành văn bản quy định chi tiết

Để khắc phục tình trạng nợ đọng văn bản, trong quá trình chủ trì nghiên cứu, xây dựng Dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL), Bộ Tư pháp đề xuất phải xác định rõ trách nhiệm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ đối với việc chậm ban hành văn bản quy định chi tiết.

Làm rõ trách nhiệm khi chậm ban hành văn bản quy định chi tiết
 
(PLO) -  Để khắc phục tình trạng nợ đọng văn bản, trong quá trình chủ trì nghiên cứu, xây dựng Dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL), Bộ Tư pháp đề xuất phải xác định rõ trách nhiệm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ đối với việc chậm ban hành văn bản quy định chi tiết.
Phải bồi thường nếu ban hành chậm hoặc sai
Theo Dự thảo Luật Ban hành VBQPPL, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chịu trách nhiệm về việc tổ chức triển khai thi hành Hiến pháp, luật, pháp lệnh, quyết định của Chủ tịch nước, nghị định của Chính phủ; chịu trách nhiệm trước Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước về việc chậm ban hành văn bản quy định chi tiết luật, pháp lệnh, quyết định của Chủ tịch nước. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ chịu trách nhiệm về việc tổ chức thi hành VBQPPL liên quan đến ngành, lĩnh vực quản lý; chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ, Quốc hội, Chủ tịch nước về việc chậm ban hành hoặc đề nghị ban hành văn bản quy định chi tiết luật, pháp lệnh, quyết định của Chủ tịch nước.
Tuy nhiên, nội dung được quan tâm hơn cả trong việc ban hành văn bản quy định chi tiết chậm, hoặc đặc biệt hơn là ban hành sai, là có nên đề cập đến trách nhiệm bồi thường. Những ý kiến tán thành sự cần thiết phải quy định trách nhiệm bồi thường thì phân tích, trong thời gian vừa qua, tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết và một số VBQPPL được ban hành sai trái đã tác động không nhỏ đến hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước, môi trường đầu tư, kinh doanh, quyền lợi chính đáng của người dân, doanh nghiệp, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Vì thế, Dự thảo Luật nên có quy định về trách nhiệm của Bộ, cơ quan ngang Bộ, chính quyền địa phương trong chậm ban hành văn bản quy định chi tiết hoặc ban hành VBQPPL trái Hiến pháp, luật, pháp lệnh và các văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên, gây thiệt hại cho Nhà nước, người dân, doanh nghiệp.
Quy định như vậy sẽ nâng cao trách nhiệm của cơ quan nhà nước trước nhân dân trong Nhà nước pháp quyền XHCN, tăng cường ý thức trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương trong công tác xây dựng pháp luật. Ở nước ta đã có Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, trong đó quy định trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đối với cá nhân, tổ chức bị thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng, thi hành án. Và thực tế, Nhà nước đã thực hiện bồi thường cho nhiều cá nhân, tổ chức theo quy định tại Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.
Trách nhiệm hành chính là đủ?
Ngược lại, có quan điểm cho rằng rất khó để quy định trách nhiệm của các cơ quan trong việc bồi thường thiệt hại khi chậm ban hành văn bản quy định chi tiết luật, pháp lệnh hoặc ban hành văn bản sai trái gây thiệt hại cho người dân, doanh nghiệp. Lý do được đưa ra là vì việc xây dựng, ban hành VBQPPL nói chung và văn bản quy định chi tiết luật, pháp lệnh nói riêng phải qua nhiều giai đoạn, với sự tham gia của nhiều cơ quan khác nhau nên rất khó quy trách nhiệm cho một cơ quan cụ thể. 
Hơn nữa, trên thế giới chưa thấy có nước nào quy định về loại trách nhiệm bồi thường này, trừ Nhật Bản. Thực tiễn quy định của Nhật Bản về vấn đề này cũng không có tính khả thi. Thậm chí, theo ông Trần Ngọc Đường - chuyên gia cao cấp của Văn phòng Quốc hội, khi dân chưa có quyền khởi kiện với văn bản ban hành chậm hoặc sai thì quy định trách nhiệm bồi thường là vô nghĩa.
Thay vào đó, ông Đường kiến nghị khi nào mở rộng thẩm quyền phán xét của Tòa án hãy tính đến quy định này, bởi bảo vệ quyền khởi kiện, yêu cầu bồi thường bằng con đường tố tụng mới là tốt nhất. Còn Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế (Bộ Tư pháp) Dương Đăng Huệ đề xuất chỉ nên quy định trách nhiệm chính trị, hành chính của các cơ quan trước Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và cơ quan cấp trên. Tán thành với ông Huệ, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Bộ Tư pháp) Ngô Hải Phan cũng lý giải, để “quy” trách nhiệm thì thấp nhất đã có trách nhiệm của công chức trong tham mưu xây dựng, hoạch định chính sách và cao hơn là trách nhiệm của người đứng đầu trong phê duyệt chính sách./.
Theo Báo pháp luật

Người viết : Ping

Giới hạn tin theo ngày :    

Go Top
dia-chi-thua-phat-lai
Tuyển dụng