Video

Thống kê
Lượt truy cập  
Online  

Làm gì khi bị bêu xấu trên mạng

Thứ năm, 21/05/2020, 20:55 GMT+7

Làm gì khi bị bêu xấu trên mạng

Thừa phát lại Thủ Đức - Những hành vi nói xấu, xuyên tạc sẽ bị xử lý hành chính, phạt tiền; nếu gây hậu quả nghiêm trọng sẽ bị khởi tố, phạt tù theo quy định của pháp luật.

Bà Nguyễn Thị Hoài Thu, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, nhìn nhận ngày nay mạng xã hội đã phổ biến, giúp người dân trên khắp mọi miền đất nước cũng như trên thế giới có thể kết nối, chia sẻ thông tin. Tuy nhiên, việc phát triển nhanh cũng đi kèm với những hệ lụy cần phải chấn chỉnh và chế tài.

Hình minh họa (Nguồn: Internet)

 

"Việc bóp méo thông tin, xuyên tạc sự thật thể hiện rõ trong đợt dịch Covid-19 vừa qua, minh chứng cho sự thiếu ý thức của nhiều người dùng mạng xã hội. Tôi cho rằng hành vi cố tình tung tin thất thiệt nhằm phá hoại chủ trương, chính sách hoặc xâm phạm nghiêm trọng đến đời tư cần phải xử lý hình sự ngay" - bà Nguyễn Thị Hoài Thu nói.

Cũng theo bà Nguyễn Thị Hoài Thu, ai cũng phải sống và làm việc theo hiến pháp, pháp luật. Không thể vì lợi ích, mục đích cá nhân mà gây hại cho người khác. "Người dân cần phải tự tìm hiểu những luật liên quan đến hoạt động, đời sống hằng ngày của mình. Đừng để bản thân vi phạm pháp luật cũng đừng để ai xâm phạm đến mình. Ngoài ra, cơ quan chức năng khi nhận được đơn cầu cứu của người dân thì cần nhanh chóng vào cuộc, xác minh, xử lý. Đơn vị cung cấp ứng dụng mạng xã hội cũng phải nhanh chóng vào cuộc đối với những tài khoản vi phạm. Những đơn vị này phải liên kết chặt chẽ với nhau để nhanh chóng chế tài những tài khoản cố tình bịa đặt, xúc phạm danh dự cá nhân" - bà Nguyễn Thị Hoài Thu nêu ý kiến.

Theo các chuyên gia pháp luật, nếu bỗng nhiên bị bêu xấu, vu khống trên mạng xã hội, việc đầu tiên người dân cần làm là gửi đơn tố cáo đến các cơ quan chức năng nhờ can thiệp. Song song đó, đến thừa phát lại ở các quận, huyện nhờ lập vi bằng ghi nhận hành vi vu khống, xúc phạm danh dự, đời tư.

Đối với hành vi này, pháp luật Việt Nam hiện đã có những quy định chặt chẽ để kiểm soát, xử lý, đặc biệt là sau khi Luật An ninh mạng năm 2018 được thông qua.

Theo luật sư Phan Huy Thái Nguyên (Công ty Đông Phương Luật): "Tùy tính chất và mức độ của hành vi vi phạm, người đưa thông tin bịa đặt, sai sự thật có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Về xử phạt vi phạm hành chính, người có hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín… có thể bị phạt tiền đến 20 triệu đồng; đồng thời, buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn theo quy định tại Nghị định 15/2020/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử. Nếu việc bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự tội "Vu khống".

Cũng theo quy định của Luật An ninh mạng 2018, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng internet, các dịch vụ gia tăng trên không gian mạng và chủ quản hệ thống thông tin có trách nhiệm phối hợp với cơ quan chức năng xử lý thông tin trên không gian mạng có nội dung xúc phạm nghiêm trọng danh dự, uy tín, nhân phẩm của người khác, thông tin bịa đặt, sai sự thật xâm phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm hoặc gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác.

Như vậy, để bảo vệ quyền lợi cho cơ quan, tổ chức, cá nhân, lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng cần thường xuyên kiểm tra, rà soát để đấu tranh chống các hành vi bêu xấu, bịa đặt xúc phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm, giữ cho môi trường không gian mạng được trong sạch. Đối với người dân, tổ chức bị bôi nhọ, bịa đặt thông tin, cần báo ngay cho cơ quan có thẩm quyền như chính quyền, công an địa phương để nhanh chóng xử lý, hạn chế phát sinh thiệt hại.

Nhờ công an vào cuộc

Nhiều năm tham gia xét xử các vụ án hình sự, bà Nguyễn Thị Thu Thủy, nguyên Phó chánh Tòa Hình sự TAND TP HCM, vẫn nhớ hoài câu chuyện một nữ nạn nhân bị bêu xấu, không dám ra đường. Theo đó, không biết bằng cách nào mà bị cáo biết được nốt ruồi ở vùng nhạy cảm của nạn nhân rồi tung lên mạng xã hội khiến cô này xấu hổ. Sau khi công an vào cuộc, xác minh đúng người, đúng hành vi đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can.

"Khi bị xúc phạm danh dự, uy tín hoặc bị vu khống, không kể kẻ xúc phạm ở nước ngoài hay Việt Nam, người bị bêu xấu cần đến công an, viện kiểm sát nộp đơn tố cáo, yêu cầu can thiệp. Công an sau khi vào cuộc nếu xét vụ việc có dấu hiệu của tội phạm hình sự sẽ khởi tố vụ án để điều tra, bảo vệ nạn nhân" - bà Thủy nhấn mạnh.


Nguồn: https://nld.com.vn/ (Tiêu đề do người đăng đặt lại)


Người viết : duchoai

Giới hạn tin theo ngày :    

Go Top
dia-chi-thua-phat-lai
Tuyển dụng