Khuyến khích chấp hành viên làm thừa phát lại
Theo Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Tất Thành Cang, một trong các giải pháp đột phá trong cải cách tư pháp là xây dựng cơ chế cho phép các cơ quan thi hành án dân sự được chuyển đổi thành các văn phòng thừa phát lại…
Sáng 25-8, Bộ Tư pháp đã phối hợp với Ban chỉ đạo thực hiện thí điểm chế định thừa phát lại (TPL) trung ương tổ chức hội nghị tổng kết về việc tiếp tục thực hiện thí điểm chế định này theo Nghị quyết 36 ngày 23-11-2012 của Quốc hội (QH).
Dự thảo báo cáo tổng kết của Chính phủ đánh giá thời gian qua nghị quyết trên của QH đã được triển khai một cách nghiêm túc và đã đạt những kết quả tích cực. Chế định TPL đã được thí điểm tại 13 địa phương trong cả nước với 53 văn phòng TPL. Thừa nhận vẫn tồn tại không ít hạn chế, vướng mắc nhưng các địa phương đang thực hiện thí điểm TPL đều mong muốn QH ban hành nghị quyết cho tiếp tục thực hiện chế định này.
Chuyển cơ quan thi hành án thành văn phòng TPL?
Là địa phương đầu tiên trong cả nước thực hiện thí điểm chế định TPL, tham luận của UBND TP.HCM đã đưa ra nhiều kiến nghị đáng chú ý. Trong đó, TP.HCM kiến nghị Chính phủ xây dựng và trình QH dự án Luật TPL. “Cần xác định các tiêu chí cơ bản để cho phép thành lập ngay các văn phòng TPL ở tất cả địa bàn có đủ điều kiện. Ở các địa bàn chưa đủ điều kiện thì trước mắt chưa thành lập văn phòng TPL nhưng cần xác định lộ trình phát triển TPL một cách phù hợp” - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Tất Thành Cang nói.
Theo ông Cang, dự án luật cần xác định một khoảng thời gian hợp lý (5-10 năm) như là một lộ trình cần thiết để xã hội hóa hoạt động TPL. Trong khoảng thời gian đó sẽ cho phép tồn tại song song hai hệ thống: Hệ thống cơ quan thi hành án (THA) dân sự của Nhà nước và các văn phòng TPL theo mô hình xã hội hóa (tương tự mô hình phòng công chứng và văn phòng công chứng).
“Theo tôi, một trong các giải pháp đột phá trong cải cách tư pháp là xây dựng cơ chế cho phép các cơ quan THA dân sự được chuyển đổi thành các văn phòng TPL, cũng như có cơ chế khuyến khích các chấp hành viên chuyển sang hành nghề TPL. Nếu được vậy, chắc chắn rằng TPL sẽ phát triển mạnh mẽ, có tính bước ngoặt trong thời gian tới” - ông Cang đề xuất.
Đồng tình, ông Phan Hồng Sơn (Giám đốc Sở Tư pháp TP Hà Nội) cũng đề nghị “xã hội hóa công tác THA dân sự theo lộ trình, chuyển dần lực lượng THA sang làm TPL, góp phần giảm tải biên chế cho Nhà nước. Chỉ nên giữ một phần cán bộ THA dân sự ở trung ương và cấp tỉnh để làm công tác quản lý”.
Nhân viên Văn phòng TPL quận Thủ Đức, TP.HCM trong một lần cưỡng chế kê biên nhà. Ảnh: T.TÙNG
Cần thiết xây dựng Luật TPL
“Tôi cho rằng TPL sinh ra không phải chỉ để làm THA. Có những việc rất có lợi cho người dân như lập vi bằng thì không thể đưa vào Luật THA dân sự được” - Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường phản bác ý kiến cho rằng không cần thiết phải xây dựng Luật TPL.
Đánh giá tổng quan về kết quả thực hiện thí điểm chế định TPL, Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho rằng một trong những hạn chế chính là thời gian thực tế triển khai thí điểm quá ngắn, có địa phương mới thí điểm một năm, trung bình là 1,5 năm.
Ông Cường đề nghị trong báo cáo của Chính phủ cần nhận diện đầy đủ những tồn tại, hạn chế, yếu kém trên cả bốn hoạt động của TPL (tống đạt văn bản, lập vi bằng, xác minh điều kiện THA, trực tiếp tổ chức THA). “Cái gì thuộc về khách quan, chủ quan hay cơ chế đều phải đánh giá cho chính xác. Có việc các văn phòng TPL chạy theo thành tích hay không? Có trường hợp thư ký TPL làm giả chữ ký đương sự khi đi tống đạt hay không? Có bao nhiêu phiên tòa phải hoãn lại do việc tống đạt không hợp lệ?” - ông Cường yêu cầu.
Một số kiến nghị cụ thể của TP.HCM
- Tống đạt giấy tờ: Cần mở rộng phạm vi cho phép TPL được tống đạt tất cả văn bản, giấy tờ của các cơ quan tố tụng, bao gồm cơ quan điều tra, VKS, tòa án và cơ quan THA dân sự. Bên cạnh đó nên cho phép TPL được tống đạt văn bản, giấy tờ của các cơ quan hành chính trong những trường hợp đòi hỏi trình tự, thủ tục chặt chẽ như trong thu hồi đất, bồi thường, cưỡng chế, xử lý vi phạm hành chính… Ngoài ra cũng nên cho phép TPL được tống đạt văn bản, giấy tờ cho cá nhân, tổ chức khác trên cơ sở nhu cầu và sự tự nguyện của đương sự.
- Lập vi bằng: Đề nghị Bộ Tư pháp hướng dẫn hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền quy định cụ thể về phạm vi, thẩm quyền lập vi bằng của TPL, thủ tục đăng ký vi bằng, trách nhiệm pháp lý của cơ quan thực hiện đăng ký vi bằng. Theo đó, kiến nghị theo hướng quy định việc đăng ký vi bằng là nhằm mục đích xác nhận việc TPL có lập vi bằng trong thực tế, còn nội dung của vi bằng sẽ do TPL chịu trách nhiệm…
- Đối với hoạt động THA dân sự: Để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc lựa chọn đơn vị tổ chức THA dân sự theo yêu cầu, kiến nghị điều chỉnh pháp luật theo hướng cho phép các văn phòng TPL được tổ chức THA dân sự không theo địa hạt quận, huyện trong phạm vi tỉnh, TP trực thuộc trung ương. Để nâng cao hiệu quả công tác THA dân sự của các văn phòng TPL, kiến nghị TAND Tối cao có văn bản chỉ đạo TAND cấp dưới bổ sung vào bản án, quyết định về phần dân sự với nội dung: “Sau khi bản án, quyết định này có hiệu lực thi hành, các đương sự có quyền yêu cầu cơ quan THA dân sự hoặc các văn phòng TPL thực hiện”…
“Chuyện gì dân tự giải quyết được, để dân làm”
Lý giải đề xuất cho phép các cơ quan THA dân sự được chuyển đổi thành các văn phòng TPL, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM bên hành lang hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Tất Thành Cang nhắc lại một nguyên tắc quan trọng hàng đầu trong dân sự là “việc dân sự cốt ở đôi bên”, tức không nên “đẩy” Nhà nước vào những quan hệ, tranh chấp dạng này mà Nhà nước chỉ nên đứng giữa phân xử, “cầm cân nảy mực”.
Ông Cang cũng nêu một mâu thuẫn đang tồn tại hiện nay: “Số lượng công việc đang ngày càng nhiều, trong khi bộ máy công chức không được tăng”. Để giải quyết mâu thuẫn này, theo ông là “chuyện gì dân tự giải quyết được thì để cho dân làm. Còn chuyện gì ngoài Nhà nước dứt khoát không có ai làm thay được thì mình tăng cường bộ máy vào chỗ đó, bảo đảm đông, đủ, mạnh, hiệu quả”.
Nguồn: http://phapluattp.vn/