Video

Thống kê
Lượt truy cập  
Online  

Không khoan nhượng với tội phạm liên quan đến động - thực vật hoang dã

Thứ năm, 02/06/2016, 10:22 GMT+7

Không khoan nhượng với tội phạm liên quan đến động - thực vật hoang dã

Sáng 1-6, tại Hà Nội, Cơ quan phòng chống Ma túy và Tội phạm của Liên hợp quốc tổ chức buổi họp báo nhân ngày Môi trường thế giới 5-6.

Tại buổi họp báo, đại diện của Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng cục Hải quan Việt Nam và đại diện đến từ các cộng đồng quốc tế hưởng ứng lời kêu gọi “Không khoan nhượng với tội phạm liên quan đến động - thực vật hoang dã” và cùng nhau thảo luận về việc hệ thống tư pháp hình sự của Việt Nam đã và đang làm như thế nào để đấu tranh với loại tội phạm này.

Ngày Môi trường thế giới 5-6 năm nay tập trung vào cuộc chiến chống lại buôn bán động - thực vật hoang dã trái phép. Theo Cơ quan phòng chống Ma túy và Tội phạm của Liên hợp quốc (UNODC), cần phải nhấn mạnh hơn nữa vào tác động của tội phạm vi phạm luật bảo vệ loài hoang dã, mà cụ thể là tác động mang tính phá hủy của loại tội phạm này đối với luật pháp và sự ổn định xã hội. Đồng thời hỗ trợ những nỗ lực thực thi pháp luật của Việt Nam hiện nay trong việc giải quyết vấn nạn này.

Điều phối viên Thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam, bà Pratibha Mehta, khẳng định: Buôn bán loài hoang dã trái phép đang đưa các nhóm loài tới bờ tuyệt chủng, đồng thời đặt ra những nguy cơ về môi trường, kinh tế, phát triển và an ninh. Đây là vấn đề cực kỳ nguy cấp không chỉ đối với Việt Nam, mà còn mang tính toàn cầu, và Liên hợp quốc tại Việt Nam ủng hộ mạnh mẽ lời kêu gọi “Không khoan nhượng với tội phạm liên quan đến động - thực vật hoang dã”.

Hiện nay, Việt Nam đang từng bước thực hiện cam kết trong việc đấu tranh chống lại tội phạm vi phạm luật bảo vệ loài hoang dã, trong đó có việc tăng cường bắt giữ các sản phẩm có nguồn gốc hoang dã trái phép. Từ năm 2010 đến năm 2015, cơ quan hải quan đã thu giữ khoảng 55.200kg tê tê, 18.000kg ngà voi, và hơn 235kg sừng tê giác từ các lô hàng phi pháp. Trong số đó, có vụ bắt giữ lớn nhất từ trước đến nay tại cảng Tiên Sa ở Đà Nẵng vào năm ngoái với hơn ba tấn ngà voi, 120kg sừng tê và bốn tấn vẩy tê tê được cất giấu trên ba lô hàng…

Đồng thời, trong năm 2015, Quốc hội Khóa XIII đã thông qua Bộ luật Hình sự sửa đổi, với các nội dung được củng cố và tăng mức hình phạt đối với tội phạm vi phạm luật bảo vệ loài hoang dã. Vào tháng 11-2016 này, Việt Nam sẽ tổ chức hội nghị quốc tế về buôn bán động - thực vật hoang dã, đây là một sự kiện cực kỳ quan trọng nhằm chứng minh những nỗ lực của cộng đồng quốc tế trong việc hành động mạnh mẽ hơn nữa chống lại tội phạm vi phạm luật bảo vệ loài hoang dã.

Tuy nhiên, UNODC cũng lưu ý rằng vẫn còn rất nhiều việc phải làm, dù Việt Nam đã thực hiện hàng loạt những nỗ lực nhằm cải thiện luật pháp, tăng cường thực thi pháp luật, và giảm nhu cầu tiêu thụ động - thực vật hoang dã. Tính đến thời điểm hiện tại, chỉ có một vài vụ tội phạm vi phạm luật bảo vệ loài hoang dã được truy tố thành công tại các tòa án Việt Nam bởi thực tế còn tồn tại rất nhiều các thách thức ví dụ nhưcông tác chuẩn bị và đưa ra chứng cứ chưa đầy đủ, các lỗ hồng luật pháp, và hệ thống luật còn yếu kém.

Theo Cố vấn khu vực về phòng chống rửa tiền, quản lý Văn phòng UNODC tại Việt Nam Chris Batt, tội phạm vi phạm luật bảo vệ loài hoang dã là loại tội phạm xuyên quốc gia nghiêm trọng và loại tội phạm này cần một ứng phó cấp bách hơn nữa về mặt thực thi pháp luật. Ông cũng nhấn mạnh, những nỗ lực tiếp theo của Việt Nam được hưởng lợi từ các cuộc điều tra liên ngành, việc sử dụng hệ thống chống rửa tiền và hệ thống tình báo tài chính để lập bản đồ và vô hiệu quá các mạng lưới buôn bán, nâng cao năng lực của các cán bộ thực thi pháp luật để xử lý buôn bán trái phép tại biên giới và các cửa khẩu vào Việt Nam, và tận dụng tối đa các mức phạt tăng lên nhằm ngăn chặn tội phạm vi phạm luật bảo vệ loài hoang dã.

Tại buổi họp báo, Trung tướng Trần Văn Vệ, Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an) cho biết: “Để tăng cường hiệu quả hoạt động phòng, chống tội phạm vi phạm các quy định về bảo vệ động - thực vật hoang dã quý hiếm trong thời gian tới, lực lượng công an sẽ triển khai thực hiện quyết liệt có hiệu quả các quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 liên quan đến tội phạm buôn bán động, thực vật hoang dã. Đồng thời phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng như Hải quan, Bộ đội Biên phòng, Quản lý thị trường, Cảnh sát biển… và lực lượng Cảnh sát các nước và các tổ chức quốc tế hoạt động bảo vệ động - thực vật hoang dã; tăng cường trao đổi thông tin, và kinh nghiệm trong công tác đấu tranh với loại hình tội phạm này…”

Nguồn: http://www.nhandan.com.vn/


Người viết : ngoctram

Giới hạn tin theo ngày :    

Go Top
dia-chi-thua-phat-lai
Tuyển dụng