Khó xác minh tài sản, nhờ thừa phát lại
Thừa Phát Lại giúp gì cho dân (phần 3)
Khó xác minh tài sản, nhờ thừa phát lại
Ngoài việc lập vi bằng, tống đạt văn bản, thừa phát lại ở TP.HCM còn giúp dân xác minh điều kiện thi hành án đạt tỉ lệ thành công rất cao…
Trên thực tế, để người được thi hành án (THA) tự xác minh được tài sản của người phải THA nhằm cung cấp thông tin cho cơ quan THA dân sự là rất khó. Đã có nhiều vụ gặp khó khăn, người dân đến nhờ thừa phát lại (TPL) và đạt được kết quả tốt đẹp.
Tìm mọi cách để có thông tin
Nói về sự vất vả khi đi xác minh, TPL Nguyễn Thanh Tùng (Văn phòng TPL quận Tân Bình) chia sẻ: “Chúng tôi phải linh hoạt vận dụng mọi cách thức hợp pháp thì mới có thể có thông tin mình cần. Mong sao các cơ quan, tổ chức, cá nhân hiểu được vai trò thực sự của TPL để phối hợp chia sẻ với chúng tôi trong công việc”.
Ông Tùng kể vừa qua Văn phòng TPL quận Tân Bình tổ chức xác minh vụ bà H. phải trả cho ông C. 2,4 tỉ đồng cộng lãi suất. Tìm hiểu, văn phòng biết bà H. có hai căn nhà ở quận Tân Bình nhưng đang thế chấp tại ngân hàng. Do vậy, ông đã làm công văn gửi đến một chi nhánh ngân hàng để xác minh hai căn nhà này còn thế chấp hay không, nếu còn thì số tiền bảo đảm cho việc thế chấp cả gốc lẫn lãi là bao nhiêu, hai căn nhà có bị xử lý để thanh toán nợ cho ngân hàng hay không?
Phía ngân hàng từ chối cung cấp thông tin. Không được hợp tác, ông Tùng đã nhiều lần lặn lội đến UBND phường nơi có hai căn nhà để nhờ tra cứu thông tin. Được sự hỗ trợ tích cực của phường, việc xác minh cuối cùng cũng có kết quả: Hai căn nhà này đang thuộc sự quản lý của Công ty Quản lý tài sản thuộc Ngân hàng Nhà nước (do đương sự nhờ bán đấu giá).
Thừa Phát Lại Thủ Đức đang làm thủ tục xác minh .Ảnh: T.TÙNG
Mới đây, TPL Đồng Quốc Tuấn (Văn phòng TPL quận Gò Vấp) cũng xác minh thành công một vụ về chủ quyền nhà đất. Đây vốn là một vụ tranh chấp hợp đồng vay tài sản, sau khi bản án của tòa có hiệu lực pháp luật thì đến giai đoạn THA nhưng người được THA bó tay, không cách nào tìm được thông tin về tài sản của người phải THA. Sau khi người được THA yêu cầu, ông Tuấn đến nhờ UBND phường 6 (quận Gò Vấp) cung cấp thông tin kê khai, đăng ký nhà đất theo số liệu đo đạc năm 1999. Tuy nhiên, phía UBND phường không hợp tác: “Chúng tôi không biết. Các anh tự đi mà làm”. Ông Tuấn phải soạn công văn yêu cầu rồi mang đến Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất quận Gò Vấp nhờ truy tìm thông tin. Kết quả là thông tin về tài sản đã hé lộ khi cơ quan này vào hệ thống lưu trữ, tìm được chủ sở hữu trên giấy tờ của nhà đất nói trên…
Hỗ trợ kịp thời, hiệu quả
Ông Nguyễn Tiến Pháp (Trưởng Văn phòng TPL quận Thủ Đức) cho biết trong tổng số 384 vụ yêu cầu các văn phòng TPL xác minh thì chỉ có hai vụ là không xác minh được (chiếm tỉ lệ 0,52%). 382 vụ việc xác minh được của các văn phòng TPL đã hỗ trợ kịp thời, hiệu quả, mang lại nhiều ích lợi thiết thực cho người yêu cầu trong việc bảo vệ họ khi THA.
Theo ông Phạm Quang Giang (Trưởng Văn phòng TPL quận 5), hiện người dân còn ít nhờ TPL xác minh điều kiện THA là do thẩm quyền của TPL chưa tương xứng với nhiệm vụ. Chẳng hạn khi xác minh tài khoản tại ngân hàng thì TPL không có quyền ngăn chặn, trong khi đúng ra nên trao quyền ngăn chặn tạm thời cho TPL để tránh việc tẩu tán tiền trong tài khoản.
Theo TS Nguyễn Văn Tiến (Trường ĐH Luật TP.HCM), có thể nói TPL đã lấp được khoảng trống khi thực hiện được một số công việc mà người dân cũng như một số cơ quan nhà nước trước nay không làm được. Theo TS Tiến, Quốc hội cần chính thức công nhận và cho triển khai trên cả nước chế định này và xây dựng luật riêng về TPL. Đây là một chủ trương đúng đắn phù hợp với xu hướng của thế giới và phục vụ tốt cho cải cách tư pháp.
Những vướng mắc cần tháo gỡ
Theo Sở Tư pháp TP.HCM, hoạt động xác minh điều kiện THA của TPL bước đầu cho thấy hiệu quả trong việc xác minh với tỉ lệ thành công tới 99,48%. Những thông tin về điều kiện THA của đương sự do TPL cung cấp đã giúp bảo vệ kịp thời lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, giúp cơ quan THA có thêm cơ sở đưa ra các phương thức tổ chức THA phù hợp.
Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động này cũng đang gặp một số vướng mắc, bất cập: Quy định pháp luật trong một số lĩnh vực như tín dụng, thuế… chưa cụ thể về những vấn đề có liên quan đến hoạt động TPL như nhiệm vụ cung cấp thông tin xác minh điều kiện THA. Chính vì vậy các cơ quan, tổ chức liên quan còn lúng túng trong quá trình thực hiện, dẫn đến tình trạng các ngân hàng chậm cung cấp thông tin về tài khoản của người phải THA, cơ quan đăng ký tài sản cung cấp chưa kịp thời thông tin về tài sản của người phải THA theo yêu cầu của TPL. Thậm chí nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân lấy lý do này để từ chối thực hiện hoặc thực hiện không đúng và đầy đủ yêu cầu hợp pháp của TPL (như cơ quan thuế từ chối cung cấp thông tin về báo cáo thuế hằng tháng, báo cáo tài chính của doanh nghiệp...).
Ngoài ra, trong quá trình xác minh điều kiện THA, TPL thực hiện việc xác minh nhưng lại không có thẩm quyền áp dụng các biện pháp ngăn chặn, dẫn đến trường hợp đương sự tẩu tán tài sản ngay sau khi TPL xác minh...
Mở rộng mô hình TPL
Ở TP.HCM, số lượng vụ việc THA rất lớn, nếu chỉ dựa vào đội ngũ THA như hiện nay sẽ làm không xuể. Hiện tại, cơ quan THA và Sở Tư pháp thì quá tải trong khi TPL phải chờ việc. Theo tôi, THA phải là cơ quan thực hiện chức năng quản lý chứ không phải thực hiện chức năng thi hành, tức không đi vào vụ việc cụ thể. Nếu đẩy mạnh việc xã hội hóa hoạt động và đội ngũ THA thì sẽ tiết kiệm được bộ máy biên chế cùng kinh phí từ ngân sách: Sở Tư pháp được giảm tải, cơ quan THA thu gọn bộ máy, thực hiện chức năng quản lý, còn TPL là nơi tổ chức thực hiện. Do đó, TP.HCM thống nhất đề nghị mở rộng mô hình TPL.
ÔngTẤT THÀNH CANG,Phó Chủ tịch UBND TP.HCM
|
(Nguồn THANH TÙNG - PLO)