Trong phiên khai mạc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ trình bày Báo cáo về “Tình hình kinh tế - xã hội năm 2015 và 5 năm 2011-2015; Phương hướng, nhiệm vụ 5 năm 2016-2020 và năm 2016”. Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri. Kết quả thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2015 và dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2016 cũng sẽ được Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu trình bày.
|
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dự kiến sẽ có mặt trong 2,5 ngày diễn ra phiên chất vấn. Ảnh: Giang Huy.
|
Theo chương trình, ngày 2 và sáng 3/11, người dân có thể theo dõi phiên thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2016 thông qua truyền hình, phát thanh trực tiếp.
Sau ngày nghỉ chủ nhật, Quốc hội bước vào 2,5 ngày 16, 17 và sáng 18/11 làm việc căng thẳng với hoạt động được chờ đợt là chất vấn và trả lời chất vấn. Người dân có thể theo dõi thông qua truyền hình, phát thanh trực tiếp.
Sáng 16/11, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Trương Hòa Bình và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình trình bày Báo cáo việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn; Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến thẩm tra của Hội đồng dân tộc, các Ủy ban về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII đến nay.
Sau khi Trưởng Ban dân nguyện Nguyễn Đức Hiền trình bày Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 9 và tổng hợp kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII đến nay... các đại biểu sẽ thảo luận về các báo cáo và chất vấn lại một số vấn đề.
Khác với các kỳ họp trước lựa chọn bốn Bộ trưởng trả lời chất vấn, ở kỳ họp này, Quốc hội sẽ dành toàn bộ thời gian cho đại biểu chất vấn trực tiếp các thành viên Chính phủ. Tất cả thành viên Chính phủ sẽ phải có mặt và đại biểu có thể chất vấn bất cứ thành viên nào nếu thấy cần thiết. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ dự tất cả các phiên chất vấn và có thể trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu. Quốc hội có thể ra nghị quyết về phiên chất vấn để khóa sau tiếp tục giám sát những nội dung các tư lệnh ngành đã hứa.
Kỳ họp này, Quốc hội bầu hội đồng bầu cử trung ương và bầu Tổng thư ký. Sáng 28/11, Quốc hội bế mạc sau khi biểu quyết thông qua Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự, Nghị quyết về công tác tư pháp, Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi), Nghị quyết về giám sát chuyên đề, và Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn.
Theo chương trình dự kiến, với kỳ họp kéo dài hơn một tháng, Quốc hội sẽ thông qua 18 luật và 14 nghị quyết quan trọng gồm: Bộ luật Dân sự (sửa đổi), bộ luật Hình sự (sửa đổi), bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi), bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi), luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, Luật trưng cầu ý dân, Luật về phí, lệ phí…
Ngoài ra, Quốc hội cũng sẽ cho ý kiến vào 8 dự luật khác như: Luật về hội; Luật báo chí (sửa đổi); Luật tiếp cận thông tin; Luật tín ngưỡng tôn giáo; Luật bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi)…
Quốc hội dành 12 ngày để thảo luận, xem xét kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, ngân sách nhà nước năm 2015, dự toán ngân sách và phương án phân bổ ngân sách năm 2016; Đánh giá kết quả thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011-2015; Xây dựng đề xuất chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020; Cho ý kiến về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, kế hoạch tài chính 5 năm 2016-2020…
Đồng thời, Quốc hội sẽ nghe và cho ý kiến vào các báo cáo của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và Chính phủ về công tác thi hành án, phòng ngừa chống vi phạm pháp luật và tội phạm, công tác phòng chống tham nhũng.
Nguồn: VNexpress