Video

Thống kê
Lượt truy cập  
Online  

Hủy án vì Tống đạt

Thứ hai, 14/07/2014, 10:00 GMT+7

Hủy án vì Tống đạt

SBO-Tòa phúc thẩm cần hủy án, giải quyết lại từ đầu để đảm bảo quyền lợi chính đáng của bị đơn là quyền tự bảo vệ, quyền thỏa thuận, quyền phản tố?

Tòa phúc thẩm cần hủy án, giải quyết lại từ đầu để đảm bảo quyền lợi chính đáng của bị đơn là quyền tự bảo vệ, quyền thỏa thuận, quyền phản tố?
Tòa phúc thẩm cần hủy án, giải quyết lại từ đầu để đảm bảo quyền lợi chính đáng của bị đơn là quyền tự bảo vệ, quyền thỏa thuận, quyền phản tố?
Tòa sơ thẩm không chứng minh được là đã tống đạt giấy tờ hợp lệ cho bị đơn, bị đơn kêu ca rằng không hề hay biết gì nhưng tòa phúc thẩm vẫn giữ nguyên án sơ thẩm. Tình huống này đã gây tranh cãi. Nhiều chuyên gia cho rằng tòa phải hủy án mới đúng…
Theo đơn khởi kiện của bà L., năm 2010 vợ chồng bà mua một mảnh đất diện tích 60 m2, tọa lạc tại quận Ngũ Hành Sơn (TP Đà Nẵng) của vợ chồng ông M. với giá gần 400 triệu đồng. Bà đặt cọc trước 50 triệu đồng, hai bên giao hẹn 15 ngày sau sẽ thanh toán đầy đủ và hoàn tất thủ tục bán đất. Tuy nhiên, sau đó ông M. lại thay đổi ý định, không bán đất, cũng không chịu trả lại số tiền đặt cọc. Vì vậy, tháng 6-2011 bà L. đã khởi kiện ra TAND quận Ngũ Hành Sơn để đòi lại tiền đặt cọc.
Không chứng minh được bị đơn đã nhận giấy tờ
Khi giải quyết vụ án, TAND quận Ngũ Hành Sơn đã liên hệ tống đạt các giấy tờ liên quan: Thông báo thụ lý vụ án, yêu cầu cung cấp lời khai, giấy triệu tập thông báo về phiên hòa giải, quyết định đưa vụ án ra xét xử… Theo tòa, ông M. từ chối không nhận hồ sơ, không ký vào bất kỳ văn bản nào, tỏ thái độ bất hợp tác nên tòa không thể mời lên làm việc, hòa giải.
Đến tháng 9-2011, tòa phải mở phiên xử vắng mặt ông M. Tòa nhận định yêu cầu của bà L. là có căn cứ nên chấp nhận đơn khởi kiện, buộc ông M. phải trả lại 50 triệu đồng tiền đặt cọc. Ngoài ra, tòa còn buộc ông M. phải đóng 2,5 triệu đồng tiền án phí dân sự sơ thẩm.
Ông M. kháng cáo. Tại phiên xử phúc thẩm của TAND TP Đà Nẵng mới đây, ông M. cho hay không hề biết bị bà L. kiện, không hề nhận được bất cứ giấy tờ triệu tập nào của tòa sơ thẩm và cũng không có bất cứ ai là cán bộ của tòa sơ thẩm tới liên hệ làm việc. Chỉ tới tháng 4-2012, khi có thông báo của cơ quan thi hành án ông mới tá hỏa nên vội nộp đơn kháng cáo trễ hạn. Ông yêu cầu tòa phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm, đồng thời đề nghị tòa phúc thẩm xem xét là ông chỉ nhận 10 triệu đồng tiền đặt cọc chứ không phải 50 triệu đồng như bà L. trình bày.
Theo đại diện VKS, qua xác minh cho thấy tòa sơ thẩm nhiều lần gửi, tống đạt các giấy tờ liên quan nhưng không gặp ông M. Có lần cán bộ tòa liên hệ qua cán bộ địa phương nhưng các cán bộ địa phương cho biết cũng không cung cấp giấy tờ đến tay ông M. Ngoài ra, tòa sơ thẩm còn một lần tống đạt qua đường bưu điện nhưng lại không chứng minh được ông M. đã nhận được văn bản. Từ đó, đại diện VKS cho rằng tòa sơ thẩm đã tống đạt sai nguyên tắc, ảnh hưởng tới quyền lợi của ông M. nên yêu cầu tòa phúc thẩm hủy án để xét xử lại theo trình tự chung.
Tuy nhiên, theo tòa phúc thẩm, việc tòa sơ thẩm tống đạt sai nguyên tắc là có căn cứ nhưng chỉ sai về hình thức nên tòa sẽ nghiêm khắc nhắc nhở. Còn về bản chất vụ án thì không thay đổi nên tòa giữ nguyên án sơ thẩm.
Phải hủy án?
Phán quyết của tòa phúc thẩm đã gây ra nhiều băn khoăn, tranh cãi giữa các chuyên gia pháp lý.
Một thẩm phán TAND TP Đà Nẵng ủng hộ cách giải quyết của tòa phúc thẩm trong vụ kiện trên. Theo ông, nếu cấp sơ thẩm vi phạm tố tụng nghiêm trọng, làm ảnh hưởng tới bản chất vụ kiện thì tòa phúc thẩm mới hủy án. Còn nếu vi phạm không nghiêm trọng, bản chất vụ kiện không thay đổi, cấp phúc thẩm nên ra phán quyết ngay để tránh chuyện xử tới xử lui lòng vòng, kéo rê thời gian giải quyết án.
Tuy nhiên, theo luật sư Trần Ngọc Quý (Đoàn Luật sư TP.HCM), việc tòa tống đạt sai nguyên tắc dẫn tới việc đương sự không nhận được các giấy tờ liên quan nên không biết để tham gia quá trình giải quyết án hoàn toàn khác với việc đương sự bất hợp tác. Nếu đương sự bất hợp tác thì tòa có quyền xử vắng mặt nhưng nếu vì lý do tống đạt sai nên họ không thể biết thì việc xử vắng mặt đã gây ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của họ. Vì vậy, tòa phúc thẩm cần thiết phải hủy án sơ thẩm để xét xử lại từ đầu.
Đồng tình, luật sư Nguyễn Tấn Thanh (Đoàn Luật sư TP.HCM) cũng cho rằng cấp phúc thẩm cần hủy án, giải quyết lại từ đầu theo đúng trình tự tố tụng để đảm bảo quyền lợi chính đáng của bị đơn là quyền tự bảo vệ, quyền thỏa thuận, quyền phản tố... Ông phân tích: Giả sử trong quá trình giải quyết án, bị đơn đưa ra được các chứng cứ để bác bỏ yêu cầu của nguyên đơn thì sao? Hoặc nếu hai bên hòa giải thành thì bị đơn sẽ không phải chịu án phí dân sự sơ thẩm. Chưa kể, bị đơn còn có quyền phản tố và tòa phải xem xét.
Các vụ tương tự
Cuối năm 2011, Hội đồng Giám đốc thẩm TAND tỉnh Bình Thuận đã hủy một bản án của TAND huyện Hàm Thuận Nam vì tống đạt sai nguyên tắc. Trước đó, ông L. bị TAND huyện Hàm Thuận Nam tuyên phải trả nợ cho người khác 30 triệu đồng. Tháng 7-2011, khi nhận được văn bản thông báo thi hành án, ông L. mới tá hỏa, đề nghị hoãn thi hành án, đồng thời khiếu nại theo trình tự giám đốc thẩm. Sau khi nghiên cứu, chánh án TAND tỉnh Bình Thuận đã quyết định kháng nghị giám đốc thẩm theo hướng hủy án. Theo chánh án TAND tỉnh, về mặt tố tụng, tòa sơ thẩm đã không tống đạt trực tiếp cho đương sự giấy triệu tập cũng như quyết định đưa vụ án ra xét xử; việc niêm yết văn bản, giấy tờ cũng không đúng luật định...
Năm 2008, ông T. gửi đơn ra TAND một quận tại TP.HCM xin ly hôn. Tòa đã hòa giải nhưng bất thành. Sau hai lần hoãn xử vì người vợ không đến, lần thứ ba, tòa đưa vụ án ra xử vắng mặt người vợ. Sau đó người vợ kháng cáo, cho rằng bà không nhận được giấy triệu tập nào của tòa. Xử phúc thẩm, TAND TP.HCM đã chấp nhận kháng cáo và hủy án sơ thẩm. Tòa cho rằng cấp sơ thẩm đã triệu tập hai lần nhưng lại không hề biết bị đơn lúc đó đang phải nằm viện nên không nhận được các giấy tờ này.
Xác minh rõ
Trong nhiều trường hợp, cũng cần phải xác định lại thật rõ ràng rằng việc bị đơn không nhận được các văn bản tòa tống đạt là do lỗi của tòa đã không làm hết trách nhiệm hay là do đương sự cố tình lảng tránh. Thực tế hiện nay cũng có rất nhiều vụ đương sự (chủ yếu là bị đơn) thấy mình gặp bất lợi nên làm khó tòa, bất hợp tác bằng cách trốn biệt, sau đó lại khiếu nại, viện lý do rằng không hay biết gì để kéo rê vụ án.
Luật sư TRẦN XUÂN VINH, Đoàn Luật sư TP Đà Nẵng
Lỗi của tòa, sao bắt đương sự chịu?
VKS, tòa phúc thẩm đều thừa nhận tòa sơ thẩm tống đạt sai nguyên tắc, tức là lỗi đã được xác định thuộc về tòa sơ thẩm. Vì lỗi của tòa mà bắt đương sự phải gánh chịu bất lợi là không được. Chưa kể các thiệt thòi của đương sự vì vắng mặt trong giai đoạn xét xử sơ thẩm, nếu tòa phúc thẩm không hủy án thì vô hình trung đã làm đương sự rơi vào tình trạng chỉ được “xét xử một cấp”, bởi án phúc thẩm là án có hiệu lực pháp luật ngay.
Một thẩm phán Tòa Dân sự  TAND TP.HCM

Người viết : nguyennhat1517

Giới hạn tin theo ngày :    

Go Top
dia-chi-thua-phat-lai
Tuyển dụng