Video

Thống kê
Lượt truy cập  
Online  

Hướng dẫn chia tài sản khi ly hôn

Thứ tư, 17/02/2016, 08:44 GMT+7

Hướng dẫn chia tài sản khi ly hôn

Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp vừa ban hành Thông tư liên tịch số 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP hướng dẫn thi hành một số quy định của Luật hôn nhân và gia đình 201

 

 
Hình minh họa
Hình minh họa
 

Về việc hủy kết hôn trái luật

Theo Điều 8 của luật, nam, nữ kết hôn với nhau phải tuân theo các điều kiện sau đây: a) Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên; b) Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định; c) Không bị mất năng lực hành vi dân sự; d) Không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn.

Thông tư hướng dẫn, khi xem xét, giải quyết yêu cầu có liên quan đến việc hủy kết hôn trái pháp luật, Tòa phải căn cứ vào yêu cầu của đương sự và điều kiện kết hôn, điều kiện công nhận quan hệ hôn nhân quy định nêu trên để quyết định.

Trường hợp tại thời điểm kết hôn, hai bên kết hôn không có đủ điều kiện kết hôn nhưng sau đó có đủ điều kiện kết hôn quy định như nêu trên, thì Tòa xử lý như sau:

- Nếu hai bên kết hôn cùng yêu cầu Tòa công nhận quan hệ hôn nhân thì Tòa quyết định công nhận quan hệ hôn nhân đó kể từ thời điểm các bên kết hôn có đủ điều kiện kết hôn.

- Nếu một hoặc hai bên yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật; hoặc có một bên yêu cầu công nhận quan hệ hôn nhân; hoặc có một bên yêu cầu ly hôn còn bên kia không có yêu cầu; thì Tòa án quyết định hủy việc kết hôn trái pháp luật.  

Trường hợp hai bên cùng yêu cầu Tòa cho ly hôn; hoặc có một bên yêu cầu ly hôn còn bên kia yêu cầu công nhận quan hệ hôn nhân; thì Tòa án giải quyết cho ly hôn. Trường hợp này, quyền, nghĩa vụ của cha, mẹ, con từ thời điểm kết hôn đến thời điểm ly hôn được giải quyết theo quy định về quyền,  nghĩa vụ của cha, mẹ, con khi ly hôn.

Thông tư cũng quy định, trường hợp hai bên đã đăng ký kết hôn nhưng tại thời điểm Tòa án giải quyết hai bên kết hôn vẫn không có đủ các điều kiện kết hôn quy định tại Điều 8 như nêu trên, thì thực hiện như sau: 

a. Nếu có yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật thì Tòa án quyết định hủy việc kết hôn trái pháp luật; 

b. Nếu một hoặc cả hai bên yêu cầu ly hôn hoặc yêu cầu công nhận quan hệ hôn nhân thì Tòa án bác yêu cầu của họ và quyết định hủy việc kết hôn trái pháp luật.  

Khi xử lý yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật, Tòa án phải căn cứ vào quy định của pháp luật hôn nhân và gia đình có hiệu lực tại thời điểm xác lập quan hệ hôn nhân để xác định việc kết hôn có trái luật hay không. Trình tự, thủ tục giải quyết yêu cầu xử lý việc kết hôn trái pháp luật được thực hiện theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình và pháp luật tố tụng dân sự có hiệu lực tại thời điểm giải quyết. Đối với yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật thuộc trường hợp cán bộ và bộ đội miền Nam tập kết ra miền Bắc từ năm 1954, đã có vợ, có chồng ở miền Nam mà lấy vợ, lấy chồng ở miền Bắc thì vẫn xử lý theo Thông tư số 60/TATC ngày 22/2/1978 của Tòa án nhân dân tối cao "Hướng dẫn giải quyết các trường hợp cán bộ, bộ đội trong Nam tập kết ra Bắc mà lấy vợ, lấy chồng khác”.

Nguyên tắc giải quyết tài sản khi ly hôn

Theo Thông tư, vợ chồng khi ly hôn có quyền tự thỏa thuận với nhau về toàn bộ các vấn đề, trong đó có cả việc phân chia tài sản. Trường hợp vợ chồng không thỏa thuận được mà có yêu cầu thì Tòa án phải xem xét, quyết định việc áp dụng chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận hay theo luật định, tùy từng trường hợp cụ thể mà Tòa án xử lý như sau:

- Trường hợp không có văn bản thỏa thuận; hoặc văn bản thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng bị Tòa án tuyên bố vô hiệu toàn bộ; thì áp dụng chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định để chia tài sản của vợ chồng khi ly hôn.

- Trường hợp có văn bản thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng và văn bản này không bị Tòa án tuyên bố vô hiệu toàn bộ; thì áp dụng các nội dung của văn bản thỏa thuận để chia tài sản của vợ chồng khi ly hôn.  

Khi chia tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn, Tòa án phải xác định vợ, chồng có quyền, nghĩa vụ về tài sản với người thứ ba hay không để đưa người thứ ba vào tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Trường hợp vợ chồng có quyền, nghĩa vụ về tài sản với người thứ ba mà họ có yêu cầu giải quyết, thì Tòa án phải giải quyết khi chia tài sản chung của vợ chồng. Trường hợp vợ chồng có nghĩa vụ với người thứ ba, mà người thứ ba không yêu cầu giải quyết, thì Tòa án hướng dẫn họ để giải quyết bằng vụ án khác.

Trường hợp áp dụng chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định để chia tài sản của vợ chồng khi ly hôn; thì tài sản chung của vợ chồng về nguyên tắc được chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố sau đây để xác định tỷ lệ tài sản mà vợ chồng được chia: 

a. Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng; 

b. Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung; 

c. Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập; 

d. Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng.

Khi giải quyết chia tài sản khi ly hôn, Tòa án phải xem xét để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của vợ, con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.

Thông tư liên tịch này có hiệu lực kể từ ngày 1/3/2016.



Tin tức nguồn: http://www.xaluan.com/

Người viết : ngoctram

Giới hạn tin theo ngày :    

Go Top
dia-chi-thua-phat-lai
Tuyển dụng