Video

Thống kê
Lượt truy cập  
Online  

HOÀN THIỆN TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA THỪA PHÁT LẠI

Thứ hai, 14/07/2014, 14:53 GMT+7

HOÀN THIỆN TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA THỪA PHÁT LẠI

HOÀN THIỆN TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA THỪA PHÁT LẠI

HOÀN THIỆN TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA THỪA PHÁT LẠI

                                                                 ThS. Nguyễn Tiến Pháp

  1. ĐẶT VẤN ĐỀ
    1. Văn phòng Thừa phát lại Quận Bình Thạnh tổ chức thi hành Bản án số 13/2012/DS-ST ngày 06/4/2012 của TAND Quận Bình Thạnh về việc tranh chấp hợp đồng gửi giữ tài sản, theo đó, công ty A phải bồi thường cho ông B số tiền 105.000.000 đồng và lãi chậm thi hành án.  Trong quá trình thi hành án, Văn phòng đã ra Quyết định áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án bằng biện pháp phong tỏa tài khoản của công ty A tại Ngân hàng TMCP Nam Việt – Thành phố Hồ Chí Minh. Sau đó, Văn phòng đã ra quyết định số việc khấu trừ tiền đối với công ty A. Ngân hàng TMCP Nam Việt có văn bản đề nghị  Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn về trình tự thủ tục và cách thức thực hiện việc phong tỏa, khấu trừ tiền trên tài sản của khách hàng theo quyết định của Văn phòng Thừa phát lại. Ngày 15/7/2013, Ngân hàng Nhà Nước ban hành văn bản số 5060/NHNN-PC phúc đáp công văn số 181/2013/CV-NHNV ngày 26/6/2013 của Ngân hàng Nam Việt, hướng dẫn “…chưa có cơ sở pháp lý để tổ chức tín dụng phong tỏa và khấu tiền trên tài khoản của khách hàng theo quyết định của Văn phòng Thừa phát lại”. Dựa vào công văn của  Ngân hàng Nhà Nước, Ngân hàng Nam Việt đã có vản bản trả lời không thể thực hiện theo yêu cầu khấu trừ tiển trong tài khoản của Văn phòng Thừa phát lại Quận Bình Thạnh.
    2. Văn phòng Thừa phát lại Quận 10 tổ chức thi hành Bản án số 926/2013/KDTM-PT ngày 25/7/2013 của Toà án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Buộc Công ty A có trách nhiệm trả cho Công ty B số tiền mua hàng còn thiếu là 1.018.106.361 đồng ». Văn phòng Thừa phát lại Quận 10 đã tiến hành xác minh điều kiện thi hành án của Công ty A thông qua Cục thuế Tp.HCM, đề nghị cung cấp thông tin tình hình nộp thuế của Công ty A. Tuy nhiên, Cục thuế thành phố Hồ Chí Minh đã trả lời bằng Công văn số 10336/CT-KTT3 ngày 13/12/2013 từ chối cung cấp thông tin với lý do Văn phòng Thừa phát lại không phải là Cơ quan Nhà nước.
    3. Tại hội nghị triễn khai mở rộng thí điểm Thừa phát lại ngày 09/01/2014, Giám đốc Sở Tư pháp một thành phố lớn đặt vấn đề xem xét lại tên Thừa phát lại, vì người dân ở chưa biết Thừa phát lại là ai, làm việc gì… trong khi việc thí điểm đã thực hiện gần 3 năm, và người dân tại TP. Hồ Chí Minh đã khá quen thuộc với mô hình Thừa phát lại.
    4. Ngày 12/2/2014, tại cuộc họp liên ngành dự thảo Thông tư liên tịch hướng dẫn thí điểm chế định thừa phát lại, đại diện Tòa án nhân dân tối cao phản đối việc giao cho Thừa phát lại chức năng tổ chức thi hành án, áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án vì cho rằng Thừa phát lại không phải là cơ quan nhà nước mà là tổ chức tư nhân, “việc cho phép Thừa phát lại  có một số nhiệm vụ, quyền hạn tương đương chấp hành viên là không phù hợp với đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Việc này cũng không khả thi vì lực lượng công an bảo vệ không thể theo lệnh của Thừa phát lại”[1]. Do đó, Tòa án nhân dân tối cao từ chối ký Thông tư liên tịch hướng dẫn thí điểm chế định thừa phát lại, gây khó khăn cho hoạt động thí điểm. Tuy nhiên, dù Tòa án nhân dân Tối cao chưa đồng ý ký Thông tư liên tịch hước dẫn thí điểm Thừa phát lại, các Văn phòng Thừa phát lại vẫn hoạt động bình thường trên cở sở Nghị quyết  36/2012/QH13 của Quốc hội, Nghị định 61/2009/NĐ-CP và Nghị định 135/2013/NĐ-CP của Chính phủ về tổ chức thí điểm chế định Thừa phát lại.

Trên đây là một vài ví dụ điển hình chứng minh cho thực tiễn thí điểm chế định Thừa phát lại hiện nay còn rất nhiều khó khăn, đặc biệt là khó khăn từ nhận thức của các cấp có thẩm quyền, thậm chí từ phía những cơ quan có trách nhiệm hướng dẫn thực hiện thí điểm, mặc dù việc tổ chức thí điểm chế định Thừa phát lại là một chủ trương hoàn toàn đúng đắn, được thực hiện qua nhiều bước đi chặt chẽ từ Nghị quyết của Bộ chính trị, đến Nghị quyết của Quốc hội, Nghị định của Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng đến các Thông tư, Thông tư liên tịch của các Bộ, Ngành và các văn bản tổ chức thực hiện tại địa phương.

  1. KHÁI QUÁT QUÁ TRÌNH THÍ ĐIỂM VÀ CƠ SỞ PHÁP LÝ VỀ HOẠT ĐỘNG CỦA THỪA PHÁT LẠI

Sau Cách mạng tháng Tám thành công, ngày 19/7/1946 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh số 130 quy định về tổ chức thi hành án, trong đó có Thừa phát lại[2]. Điều 3 của Sắc Lệnh quy định:Trong các thị xã, khu phố, Chủ tịch, Phó Chủ tịch và Thư ký đều chịu trách nhiệm thi hành những lệnh, mệnh lệnh hoặc án của Tòa án, ở những nơi nào đã có Thừa phát lại riêng thì đương sự có quyền nhờ Thừa phát lại riêng thi hành mệnh lệnh.

Về thẩm quyền, trách nhiệm của Thừa phát lại trong thi hành án, Điều 1 Sắc lệnh trên quy định: Các bản án hoặc trích lục Bản án do các phòng lục sự phát cho đương sự để thi hành các án hoặc mệnh lệnh của Tòa án đều phải có thể thức thi hành, ấn định như sau: “Vậy, Chủ tịch Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa truyền cho các Thừa phát lại theo yêu cầu của đương sự thi hành bản án này, các ông chưởng lý và biện lý kiểm sát việc thi hành án, cai trị chỉ huy binh lực giúp đỡ mỗi khi đương sự chiếu luật yêu cầu…”.

Sau khi Đất nước thống nhất, Nhà nước áp dụng hệ thống cơ quan thi hành án dân sự, chế định Thừa phát lại không còn được áp dụng.

Thực hiện chiến lược cải cách tư pháp, Nghị quyết 08-NQ/TW ngày 02/01/2002 của Bộ chính trị về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp đã xác định:“Nghiên cứu việc xã hội hóa một số hoạt động bổ trợ tư pháp”. Chủ trương xã hội hóa một số hoạt động bổ trợ tư pháp tiếp tục được khẳng định trong Nghị quyết 49-NQ/TW của Bộ chính trị, đó là:“Từng bước thực hiện việc xã hội hóa và quy định những hình thức, thủ tục để giao cho tổ chức không phải là cơ quan nhà nước thực hiện một số công việc thi hành án”, mà cụ thể hơn là “nghiên cứu chế định Thừa phát lại: trước mắt có thể tổ chức thí điểm tại một số địa phương, sau vài năm, trên cơ sở đó tổng kết, đánh giá thực tiễn sẽ có bước đi tiếp theo”.

  1.  

Sau thời gian thí điểm tại TP. Hồ Chí Minh, với những thành công bước đầu, ngày 23/11/2012, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 36/2012/QH13 giao cho Chính phủ tiếp tục triển khai việc thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại tại 13 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đến hết 31/12/2015. Như vậy, bước đầu hệ thống Thừa phát lại đã dần được hình thành ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phân bổ đều trên cả nước.

Như vậy, có thể thấy rằng, việc tổ chức thí điểm chế định Thừa phát lại được thực hiện qua nhiều bước đi chặc chẽ, đầy đủ cơ sở pháp lý, Thừa phát lại được Quốc hội giao quyền tổ chức thi hành án tương tự như Chấp hành viên và thực hiện các công việc khác (lập vi bằng, tống đạt, xác minh điều kiện thi hành án). Thừa phát lại là người được Bộ Tư pháp bổ nhiệm để thực hiện công việc tổ chức thi hành án và các công việc khác. Thừa phát lại là một công lại, được Nhà nước giao quyền tổ chức thi hành án theo quy định của pháp luật. Vì vậy, không thể nói rằng, việc cho phép Thừa phát lại  có một số nhiệm vụ, quyền hạn tương đương chấp hành viên là không phù hợp với đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

Một số ý kiến cho rằng Thừa phát lại chỉ được thực hiện một số công việc thi hành án dân sự nên việc huy động lực lượng bảo vệ giải quyết vấn đề liên quan trật tự, an ninh, chính trị tại địa phương là không phù hợp với sự phân công và kiểm soát quyền lực trong bộ máy nhà nước[3]. Chúng tôi cho rằng, nguyên nhân các ý kiến nói trên là do thiếu thông tin về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại.

Tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại đã được quy định một cách cụ thể và chặt chẽ trong Nghị định 61/2009/NĐ-CP và Nghị định 135/2013/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn thi hành. Trong đó, quy trình nghiệp vụ tổ chức thi hành án được quy định cụ thể, đồng thời Thừa phát lại phải tuân thủ Luật Thi hành án dân sự 2008. Bên cạnh đó, trong quá trình tổ chức thi hành án, Thừa phát lại phải chịu sự quản lý của Sở Tư Pháp, Cục thi hành án dân sự, chịu sự kiểm sát của Viện kiểm sát nhân dân. Vì vậy, cơ chế thực hiện việc tổ chức thi hành án của Thừa phát lại hoàn toàn năm trong sự kiểm soát của Nhà nước.

Trong quá trình tổ chức thi hành án, Thừa phát lại có quyền áp dụng các biện pháp cưỡng chế theo quy định tại Điều 71 của Luật Thi hành án dân sự 2008. Tuy nhiên, trong trường hợp cưỡng chế thi hành án cần huy động lực lượng bảo vệ, Văn phòng Thừa phát lại phải báo cáo, xin ý kiến của Trưởng Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự cấp huyện nơi đặt Văn phòng Thừa phát lại. Trên cơ sở ý kiến của Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự, Văn phòng Thừa phát lại lập kế hoạch cưỡng chế, báo cáo Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự, kèm theo hồ sơ thi hành án để Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự xem xét, phê duyệt kế hoạch cưỡng chế và ra quyết định cưỡng chế thi hành án. Như vậy, việc áp dụng biện pháp cưỡng chế có huy động lực lượng bảo vệ không còn là việc riêng giữa Văn phòng Thừa phát lại và các bên đương sự, mà còn là công việc của cả hệ thống chính trị, được Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự và Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự tham gia chỉ đạo thực hiện, không chỉ đảm bảo bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật phải được thi hành mà còn đảm bảo nhiệm vụ giữ gìn an ninh trật tự tại địa phương, hạn chế tối đa việc lạm quyền của Thừa phát lại.

Việc tổ chức thi hành án do Chấp hành viên hay do Thừa phát lại thực hiện đều là nhằm mục đích đảm bảo cho bản án, quyết định của Tòa án – vốn nhân danh Nhà nước tuyên án – được thực thi trên thực tế, đảm bảo cho pháp luật được tuân thủ và thực hiện, không phải là việc riêng của cơ quan, tổ chức, cá nhân nào. Các tổ chức, cá nhân khác phối hợp tổ chức thi hành án là thực thi theo quy định của pháp luật chứ không thực hiện theo yêu cầu của cá nhân Thừa phát lại, không thể cho rằng việc đó là làm theo lệnh của Thừa phát lại. Trong quá trình hoàn thiện thể chế, chúng tôi đề nghị nên kế thừa Sắc lệnh 130 ngày 19/7/1946 của Chủ tịch Hồ Chí Minh, việc dùng từ ngữ trong Sắc lệnh 130 rất chuẩn xác, thể hiện đúng tinh thần của Nhà nước pháp quyền, đó là: “Vậy, Chủ tịch Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa truyền cho các Thừa phát lại theo yêu cầu của đương sự thi hành bản án này, các ông chưởng lý và biện lý kiểm sát việc thi hành án, cai trị chỉ huy binh lực giúp đỡ mỗi khi đương sự chiếu luật yêu cầu…”.

  1. MỘT SỐ THÀNH TỰU CỦA QUÁ TRÌNH THÍ ĐIỂM CHẾ ĐỊNH THỪA PHÁT LẠI
    1. Lập vi bằng

Vi bằng là văn bản do Thừa phát lại lập, ghi nhận sự kiện, hành vi được dùng làm chứng cứ trong xét xử và trong các quan hệ pháp lý khác. Vi bằng của Thừa phát lại là công cụ để người dân, doanh nghiệp tự bảo vệ mình trong quá trình đàm phán, ký kết, thực hiện các giao dịch dân sự, cũng như xác lập các chứng cứ để bảo vệ mình trong quá trình hòa giải, thương lượng hoặc xét xử.

Có thể nói, vi bằng chính là thế mạnh của Thừa phát lại. Thế mạnh này thể hiện ở vai trò, vị thế của Thừa phát lại trong việc lập vi bằng. Ngoài Thừa phát lại, không có một hệ thống cơ quan nào giúp người dân xác lập chứng cứ theo yêu cầu, với thủ tục giản đơn và không hạn chế thời gian. Đến 02/2014, các Văn phòng Thừa phát lại đã lập và đăng ký tại Sở Tư pháp TP. HCM 15.918 vi bằng, doanh thu 24.512.457.000 đồng (chiếm tỷ lệ 58,03% tổng doanh thu). Nội dung vi bằng thể hiện phong phú trên nhiều lĩnh vực như: ký kết giao dịch, thỏa thuận; mô tả hiện trạng nhà; ghi nhận lời khai của người làm chứng; ghi nhận hành vi, thời điểm mua bán; ghi nhận cuộc họp của công ty; ghi nhận việc xâm phạm sở hữu trí tuệ…

Trong quan hệ dân sự, Vi bằng của Thừa phát lại là công cụ để người dân, doanh nghiệp tự bảo vệ mình trong quá trình đàm phán, ký kết, thực hiện các giao dịch dân sự, cũng như xác lập các chứng cứ để bảo vệ mình trong quá trình hòa giải, thương lượng hoặc xét xử mà trước khi có Thừa phát lại, hầu như không có cơ quan nào có chức năng giúp cho người dân thực hiện những việc này. Việc lập vi bằng của Thừa phát lại được đánh giá là “đáp ứng được nhu cầu rất lớn, phong phú, đa dạng trên nhiều lĩnh vực khác nhau của người dân, góp phần hỗ trợ tích cực cho cá nhân, tổ chức xác lập chứng cứ, hạn chế tranh chấp, rủi ro về pháp lý trong các giao dịch dân sự, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho người dân”[4].

Thời gian qua, các Văn phòng Thừa phát lại đã lập một số vi bằng có tác dụng thiết thực và gây tiếng vang lớn như: Văn phòng Thừa phát lại Quận Bình Thạnh lập vi bằng trong suốt quá trình giải quyết tranh chấp liên quan đến khối di sản 1000 tỉ của bà Thạch Kim Phát, gây tiếng vang lớn trong dư luận trong nước và cả kiều bào ở nước ngoài; Văn phòng Thừa phát lại Gò Vấp lập vi bằng liên quan đến việc đòi lại thương hiệu cà phê Buôn Mê Thuộc tại Trung Quốc…

3.2. Tống đạt:

Tống đạt là chức năng quan trọng của Thừa phát lại, góp phần giảm tải cho các cơ quan này, đồng thời giúp cho Tòa án và cơ quan thi hành án dân sự có điều kiện tập trung vào việc thực hiện một cách có hiệu quả chức năng chính của mình.

Các Văn phòng Thừa phát lại trong thời gian qua đã tống đạt 238.729 văn bản của 25 Tòa án và 25 cơ quan thi hành án dân sự tại TP. HCM, doanh thu đạt 14.746.921.000 đồng (chiếm tỷ lệ 34,91% tổng doanh thu).

Tuy nhiên, công tác tống đạt hiện nay còn một số khó khăn như quy trình tống đạt văn bản cho Tòa án không thống nhất, phí tống đạt chưa đủ bù đắp chi phí, một số nơi thiếu sự hợp tác, hỗ trợ thư ký nghiệp vụ Thừa phát lại tống đạt…

3.3. Trực tiếp tổ chức thi hành án

Với sự ra đời của Thừa phát lại,  người dân có quyền lựa chọn dịch vụ thi hành án tốt nhất, đáp ứng nhu cầu của người dân trong việc thực thi bản án, quyết định của Tòa án một cách nhanh chóng, chính xác, kịp thời. Thừa phát lại được kỳ vọng như một lực lượng mới có thể sẻ chia trách nhiệm với hệ thống cơ quan thi hành án hiện hành, gánh vác một phần trách nhiệm về tổ chức thi hành án, tạo thêm quyền lợi cho người dân trong việc lựa chọn dịch vụ thi hành án tốt nhất cho mình.

Văn phòng Thừa phát lại có thẩm quyền tổ chức thi hành án dân sự tương đương Chi cục thi hành án dân sự nơi Văn phòng Thừa phát lại có trụ sở đối với án theo đơn yêu cầu. Thời gian qua, các Văn phòng Thừa phát lại đã chấm dứt thi hành án 60 việc, đạt giá trị thi hành án về tiền là 50.677.761.516 đồng, doanh thu 1.502.957.582 đồng (chiếm tỷ lệ 3,56%). Kết quả thi hành án như trên được đánh giá “là quá khiêm tốn, chưa phản ánh đúng nhu cầu to lớn của người dân thành phố cũng như năng lực của các Văn phòng Thừa phát lại[5].

Mặc dù số lượng việc thi hành án các Văn phòng Thừa phát lại thụ lý còn thấp, nhưng bước đầu đã được sự thừa nhận và tin tưởng của xã hội, điển hình là Văn phòng Thừa phát lại Quận Bình Thạnh đã thụ lý và đang tiến hành tổ chức thi hành án đối với công ty Cổ phần đầu tư Kiến Quân theo đơn yêu cầu của công ty tài chính TNHH Một thành viên Cao su Việt Nam với giá trị về tiền lên đến 148.618.855.000 đồng.

3.4. Xác minh điều kiện thi hành án

Bên cạnh chức năng tổ chức thi hành án, người dân còn có quyền yêu cầu Thừa phát lại xác minh điều kiện thi hành án, vốn là một điều kiện tiên quyết trong việc tổ chức thi hành án, mà Luật thi hành án dân sự 2008 xác định đó là trách nhiệm của người được thi hành án, nhưng vì nhiều lí do, người dân không thể tự mình thực hiện việc xác minh. Thời gian qua, các Văn phòng Thừa phát lại đã thực hiện 323 việc xác minh điều kiện thi hành án, doanh thu 1.478.100.000 đồng (chiếm tỷ lệ 3,50%). Theo đánh giá của Sở Tư pháp TP. HCM thì “với việc xác minh điều kiện thi hành án, Thừa phát lại thật sự trở thành trợ thủ pháp lý đắc lực cho người được thi hành án [6].

Như vậy, tính đến tháng 02/2014, 8 Văn phòng Thừa phát lại tại TP. Hồ Chí Minh với tổng số nhân sự là 24 Thừa phát lại, 64 thư ký nghiệp vụ và 36 nhân viên khác đã thực hiện các công việc lập vi bằng, tống đạt, tổ chức thi hành án và xác minh điều kiện thi hành án, tổng doanh thu đạt được là 42.240.435.582 đồng. So sánh tỉ lệ nguồn thu của các Văn phòng Thừa phát lại trong nhiều giai đoạn phát triển, cơ cấu nguồn thu từ việc tổ chức thi hành án, xác minh điều kiện thi hành án, và tống đạt ngày càng tăng, không còn phụ thuộc quá nhiều vào nguồn thu từ vi bằng.

Mục tiêu của thực hiện chế định Thừa phát lại là giảm tải cho hệ thống Tòa án, Cơ quan thi hành án dân sự hiện nay đang quá tải công việc, đồng thời giảm gánh nặng tài chính cho Ngân sách Nhà nước. Việc giao cho Thừa phát lại tổ chức thi hành án dân sự và các công việc xác minh điều kiện thi hành án, tống đạt, lập vi bằng không chỉ chia sẻ gánh nặng của ngành thi hành án dân sự, mà còn đem lại rất nhiều lợi ích kinh tế. Các Văn phòng Thừa phát lại hoạt động độc lập, tự chủ về tài chính, tự chủ về biên chế, không yêu cầu Nhà nước hỗ trợ bất kỳ điều kiện nào về tài chính, đồng thời Nhà nước còn có thể thu thuế từ hoạt động của các Văn phòng Thừa phát lại. Thực tiễn thí điểm thời gian qua cho thấy, việc giao cho Thừa phát lại tổ chức thi hành án dân sự không tạo ra bất kỳ sự xáo trộn nào trong hệ thống tư pháp, đồng thời mang lại hiệu quả thiết thực đến cho người dân. Mặt khác, sự ra đời của các Văn phòng Thừa phát lại có thẩm quyền tổ chức thi hành án tạo ra hiệu quả tích cực cho hoạt động của các Cơ quan thi hành án dân sự trong việc cải thiện lề lối làm việc, hiệu quả công việc trước sự thi đua của các Văn phòng Thừa phát lại.

  1. MỘT SỐ GIẢI PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG CỦA THỪA PHÁT LẠI

Thứ nhất, hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của Thừa phát lại.

Hoạt động của Thừa phát lại liên quan đến nhiều ngành khác nhau (Tòa án, Viện kiểm sát, Công an, Cơ quan Thi hành án dân sự, Ngân hàng, Cơ quan Thuế, Trung tâm đăng ký quyền sử dụng đất…). Vì vậy, để Thừa phát lại hoạt động có hiệu quả, về mặt thể chế, cần phải đảm bảo ba yêu cầu: (1) Văn bản quy phạm pháp luật về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại phải là văn bản có giá trị pháp lý cao, cụ thể là đạo Luật của Quốc Hội; (2) Phải có sự đồng bộ của các ngành luật liên quan như: Luật Thi hành án dân sự, Luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hình sự, Luật các tổ chức tín dụng, Luật Thuế, Luật Luật sư, Luật Công chứng…; (3) Phải có hệ thống văn bản hướng dẫn thi hành một cách cụ thể.

Tuy nhiên, với tính chất là một định chế đang trong thời gian thí điểm, khó có thể đòi hỏi một hệ thống pháp luật hoàn thiện về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại. Nhưng hệ thống văn bản hiện hành làm cơ sở pháp lý cho hoạt động của Thừa phát lại có giá trị pháp lý chưa cao, vì vậy, trong giai đoạn này, khi chưa thể ban hành ngay Luật về Thừa phát lại, kiến nghị Quốc hội nên có Nghị quyết cho phép áp dụng về mặt nguyên tắc các quy định trong các đạo luật hiện hành cho tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại. Sau khi kết thúc thời gian thí điểm, cần phải ban hành Luật về Thừa phát lại theo hướng cụ thể hóa tất cả các vấn đề về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại trong Luật, bao gồm cả những quy phạm liên quan đến Luật Thi hành án dân sự, Luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hình sự, Luật các tổ chức tín dụng, Luật Thuế... Khi các đạo luật này được sửa đổi, bổ sung thì quy định thêm các quyền, nghĩa vụ của Thừa phát lại tương ứng trong Luật.

Hiện nay Luật thi hành án dân sự 2008 đang được sửa đổi, bổ sung, chúng tôi kiến nghị nên quy định một chương về Thừa phát lại ngay sau chương II có nội dung “Hệ thống Văn phòng Thừa phát lại và Thừa phát lại” để Luật hóa tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại trong lĩnh vực thi hành án, thể hiện rõ sự tồn tại của hai hệ thống cơ quan có thẩm quyền tổ chức thi hành án dân sự.

Mặt khác, các đề nghị cấp có thẩm quyền sớm ban hành văn bản liên tịch hướng dẫn các hoạt động phối hợp xác minh, áp dụng biện pháp bảo đảm, cưỡng chế thi hành án của Thừa phát lại.

Thứ hai, tiếp tục tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về Thừa phát lại, để người dân được biết bên cạnh Cơ quan thi hành án dân sự, người dân còn có quyền yêu cầu Văn phòng Thừa phát lại tổ chức thi hành án, đồng thời có quyền yêu cầu Văn phòng Thừa phát lại xác minh điều kiện thi hành án để cung cấp cho Cơ quan thi hành án dân sự tổ chức thi hành, cũng như các công việc khác. Cần tuyên truyên theo hướng giải thích cho người dân hiểu được “Khi nào thì nên đến Văn phòng Thừa phát lại?”.

Thứ ba, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ Thừa phát lại. Mặc dù Thừa phát lại là những người đã đủ điều kiện để bổ nhiệm chức danh tư pháp, được bồi dưỡng về nghiệp vụ tổ chức thi hành án và xác minh điều kiện thi hành án. Tuy nhiên, trình độ và kinh nghiệm của đội ngũ Thừa phát lại hiện nay chưa thể so sánh với đội ngũ chấp hành viên nhiều kinh nghiệm trong hoạt động thi hành án. Vì vậy, cần thường xuyên tập huấn nghiệp vụ cho Thừa phát lại để nâng cao hiệu quả tổ chức thi hành án và xác minh điều kiện thi hành án.

Mặc khác, trong thời gian chưa có chương trình đào tạo Thừa phát lại chuyên biệt, cần có cơ chế cho phép Thừa phát lại, thư ký nghiệp vụ Thừa phát lại được tham gia các lớp đào tạo nghiệp vụ chấp hành viên do Học viện tư pháp tổ chức.

Thứ tư, hoàn thiện cơ chế phối hợp giữa các Văn phòng Thừa phát lại và các Cơ quan thi hành án dân sự trong việc phối hợp tổ chức thi hành án, sử dụng kết quả xác minh điều kiện thi hành án do Thừa phát lại cung cấp, nhằm thực hiện nhiệm vụ chung của ngành Thi hành án.

Bên cạnh đó, từng bước xây dựng cơ chế phối hợp giữa các Văn phòng Thừa phát lại và các ngành hữu quan như Tòa án, Viện Kiểm sát, Công an, Chính quyền địa phương, tổ chức tín dụng, cơ quan đăng ký quyền sử dụng đất, cơ quan Thuế,… để Thừa phát lại thực hiện tốt các chức năng của mình.

Thứ năm, các Văn phòng Thừa phát lại phải phát huy tính chủ động, tích cực trong việc quảng bá hình ảnh đến người dân thông qua nguồn lực xã hội hóa, đồng thời chứng minh tính hiệu quả của mình qua thực tiễn tổ chức thi hành án cụ thể, đồng thời luôn tích cực học tập để nhanh chóng bắt kịp trình độ của chấp hành viên, tạo sự tin tưởng từ phía Nhà nước và nhân dân, hoàn thành sứ mệnh của mình.

 

[1] http://plo.vn/chinh-tri/phan-doi-thua-phat-lai-cuong-che-thi-hanh-an-448104.html

[2] Thủ tướng Chính phủ đã quyết định chọn ngày 19/7 hàng năm là ngày truyền thống Thi hành án dân sự.

[3] http://plo.vn/chinh-tri/phan-doi-thua-phat-lai-cuong-che-thi-hanh-an-448104.html

[4] Báo cáo của Sở Tư pháp TP. HCM trong buổi làm việc với Thứ trưởng Bộ Tư Pháp Nguyễn Đức Chính ngày 09/2/2012 về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại.

[5] Báo cáo của Sở Tư pháp TP. HCM trong buổi làm việc với Thứ trưởng Bộ Tư Pháp Nguyễn Đức Chính ngày 09/2/2012 về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại.

[6] [6] Báo cáo của Sở Tư pháp TP. HCM trong buổi làm việc với Thứ trưởng Bộ Tư Pháp Nguyễn Đức Chính ngày 09/2/2012 về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại.


Người viết : truongvanphong

Giới hạn tin theo ngày :    

Go Top
dia-chi-thua-phat-lai
Tuyển dụng