Hạn chế cấp giấy chứng nhận mới để… giảm ùn tắc
Sở TN&MT TP.HCM vận động người dân chọn hình thức cập nhật biến động nhà, đất lên giấy chứng nhận thay vì cấp mới.
Theo quy định, khi chuyển nhượng nhà, đất, người dân được chọn đổi giấy chứng nhận (GCN) mới hoặc cập nhật lên trang 3 - 4 của GCN đã cấp. Thực tế cho thấy đa số người dân đều chọn hình thức cấp GCN mới vì “dành dụm mãi mới mua được căn nhà, việc cầm GCN đứng tên mình sướng hơn GCN mang tên chủ cũ rất nhiều” - anh Văn Hồng ngụ quận Gò Vấp nói.
Thế nhưng gần đây, sau khi việc cấp đổi GCN được dồn về một mối là Sở TN&MT (từ ngày 1-7), người dân tại một số quận, huyện ở TP.HCM cho hay khi mua nhà, họ được cơ quan cấp giấy yêu cầu cập nhật vào GCN cũ chứ không được đổi giấy mới nữa.
Muốn cấp mới cũng không được
Ông Trần Văn Mẫm mua một căn nhà tại đường Lê Lợi, quận Gò Vấp và đến Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất quận (từ ngày 1-7 được đổi thành chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai - VPĐKĐĐ) nộp hồ sơ đăng bộ sang tên từ người bán qua tên mình. Do GCN đã cấp khá cũ lại còn bị đóng mấy cái dấu thế chấp, xóa thế chấp do chủ cũ vay ngân hàng nên ông Mẫm muốn đổi GCN mới.
“Thế nhưng cán bộ tiếp nhận hướng dẫn tôi phải chọn cập nhật lên GCN mà không được nộp đổi sang giấy mới. Không còn cách nào khác, tôi buộc lòng phải đồng ý dù rất không thích” - ông Mẫm cho hay.
Không hỏi ý kiến hay giải thích cho người dân, Chi nhánh VPĐKĐĐ huyện Bình Chánh tự động giải quyết theo hướng cập nhật lên GCN cho người nhận chuyển nhượng dù nguyện vọng của người dân là đổi giấy mới. “Khi nộp hồ sơ, tôi chọn đổi qua GCN mới nhưng khi nhận kết quả thì cơ quan cấp giấy tự động cập nhật lên trang 4 của GCN cũ” - bà Lý Ngọc Quyên kể về trường hợp căn nhà bà vừa mua ở huyện Bình Chánh.
Tại một số quận, huyện khác như quận 8, Phú Nhuận…, yêu cầu cấp đổi GCN mới vẫn được tiếp nhận nhưng cán bộ tiếp nhận thông báo: “Tùy người dân chọn nhưng nếu muốn đổi giấy mới thì có thể rất trễ, trễ bao lâu thì không biết”. Lý do được các cán bộ giải thích là phải chuyển hồ sơ từ chi nhánh VPĐKĐĐ về Sở TN&MT ký rồi chuyển lại quận nên không rõ bao lâu.
Nhận giấy chủ quyền nhà, đất tại UBND quận Tân Phú, TP.HCM. Ảnh: HTD
Đăng bộ lên GCN cũ để giảm quá tải
Ông Nguyễn Văn Hồng, Phó Giám đốc Sở TN&MT, cho hay hồ sơ đổi GCN chiếm tỉ lệ chủ yếu. Hiện nay, Sở phân công hai phó giám đốc (trong đó có ông) ký các hồ sơ do VPĐKĐĐ TP chuyển sang. “Chúng tôi đã cố hết sức để ký ngay trong ngày nhưng thật tình có hồ sơ chuyển sang tôi thấy đã trễ một vài tuần” - ông Hồng cho biết.
Theo ông, lý do trễ hạn là do sự quá tải khi hồ sơ nhà, đất ở 24 quận, huyện dồn về một đầu mối. Ông Trần Văn Thạch, Phó Giám đốc Sở TN&MT (được phân công ký GCN cùng với ông Hồng), cho hay: “Cách đây một tháng, Sở ước tính tỉ lệ trễ hẹn khoảng 30%. Gần đây chưa có số liệu thống kê nhưng tôi biết vẫn còn tình trạng trễ hẹn”.
Để giải quyết tình trạng ùn tắc, Sở TN&MT có văn bản gửi các quận, huyện khuyến khích, vận động người dân chọn hình thức cập nhật lên GCN thay vì cấp GCN mới. Tuy nhiên, lại xảy ra việc một số nơi tự ý thực hiện luôn việc cập nhật cho người dân. Một số quận, huyện không giải thích cặn kẽ cho người dân hiểu pháp lý của hai thủ tục này là như nhau khiến người dân lo lắng.
Ông Hồng cho biết Sở sẽ trình TP chỉ đạo các quận, huyện thực hiện theo hướng nếu GCN mới được cấp và trang 3-4 vẫn còn trống thì cập nhật cho người nhận chuyển nhượng thay vì đổi giấy mới. Trường hợp GCN hết chỗ, hư hỏng, rách… thì sẽ cấp GCN mới. Điều này vừa không gây lãng phí khi các GCN được in và bỏ liên tục, đồng thời cũng giúp rút ngắn thời gian giải quyết, thủ tục đơn giản thuận lợi cho người dân (vì không phải đẩy lên Sở mà các chi nhánh VPĐKĐĐ giải quyết luôn).
“Quan trọng nhất là cả hai hình thức đều có giá trị pháp lý như nhau nên người dân không phải lo ngại. Song song đó, TP cũng sẽ kiến nghị Bộ TN&MT sửa đổi các thông tư theo hướng như trên” - ông Hồng cho hay.
Nên cho người dân lựa chọn quận hoặc TP cấp GCN
Tôi được biết không chỉ riêng Gò Vấp mà một số quận, huyện khác cũng ít cấp đổi GCN cho người nhận chuyển nhượng, thay vào đó thực hiện đăng bộ lên GCN đã cấp. Khi đầu việc của 24 quận, huyện dồn về một mối dẫn đến quá tải, đây là giải pháp phù hợp nhằm giảm bớt ùn tắc, trễ hẹn.
Tuy nhiên, lẽ ra nguyện vọng của người dân phù hợp pháp luật thì phải thực hiện. Do vậy, về lâu dài, tôi nghĩ nên chăng cần kiến nghị TP và các bộ, ngành để người dân được lựa chọn: Hoặc TP hoặc quận, huyện cấp GCN. Như vậy vừa đáp ứng được nhu cầu của người dân, giảm quá tải mà vẫn đảm bảo tính pháp lý. Luật Đất đai vẫn quy định thẩm quyền cấp GCN cho hộ gia đình, cá nhân là quận, huyện.
Ông TRẦN ANH TUẤN, Phó Chủ tịch UBND quận Gò Vấp
9.000 hồ sơ cấp GCN khi mua bán chuyển nhượng, cấp đổi, cấp lại GCN là con số hằng tháng Sở TN&MT phải giải quyết.
|
Nguồn: http://phapluattp.vn/