GIÁ TRỊ CỦA VI BẰNG ĐỐI VỚI ĐỜI SỐNG XÃ HỘI (BÀI 1)
VI bằng là một trong bốn chức năng của Thừa phát lại. Vi bằng là văn bản do Thừa phát lại lập, ghi nhận sự kiện, hành vi được dùng làm chứng cứ trong xét xử và trong các quan hệ pháp lý khác.
Vi bằng của Thừa phát lại là một kênh để tạo lập nguồn chứng cứ, tạo điều kiện để người dân, doanh nghiệp tự bảo vệ mình trong quá trình đàm phán, ký kết, thực hiện các giao dịch dân sự, cũng như trong quá trình hòa giải, thương lượng hoặc xét xử, đồng thời cũng tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xét xử của Tòa án.
|
(Ảnh: Thừa Phát Lại Thủ Đức đang lập vi bằng cho khách hàng) |
Có thể nói, vi bằng chính là thế mạnh của Thừa phát lại. Thế mạnh này thể hiện ở vai trò, vị thế của Thừa phát lại trong việc lập vi bằng. Ngoài Thừa phát lại, không có một hệ thống cơ quan nào giúp người dân xác lập chứng cứ theo yêu cầu, với thủ tục giản đơn và không hạn chế thời gian.
Theo Nghị định số 61/2009/NĐ-CP thì vi bằng “là văn bản do Thừa phát lại lập, ghi nhận sự kiện, hành vi được dùng làm chứng cứ trong xét xử và trong các quan hệ pháp lý khác". Trong khi đó, Thông tư liên tịch số 09/2014/TTLT-BTP-TANDTC- VKSNDTC- BTC ban hành ngày 28/02/2014 quy định: "Vi bằng do Thừa phát lại lập là nguồn chứng cứ để Tòa án xem xét khi giải quyết vụ án và là căn cứ để thực hiện các giao dịch hợp pháp theo quy định của pháp luật".
Cho dù cách hiểu như thế nào thì về bản chất, vi bằng được Thừa phát lập chỉ với một mục đích duy nhất: đó là tạo lập chứng cứ để tổ chức, cá nhân tùy nghi sử dụng trong xét xử hoặc các quan hệ pháp lý khác. Vi bằng do Thừa phát lại lập, ghi nhận sự kiện, hành vi có thật mà Thừa phát lại chứng kiến, trong đó, Thừa phát lại mô tả lại những gì mình thấy được, nghe được, ngửi được… vào vi bằng, kèm theo có thể là hình ảnh, quay phim để làm rõ thêm sự kiện lập vi bằng như là chụp lại một sự kiện, hành vi. Thừa phát lại phải chịu trách nhiệm về tính xác thực về những gì mình đã ghi nhận trong vi bằng, do đó, vi bằng của Thừa phát lại đảm bảo tính khách quan của sụ kiện, hành vi mà Thừa phát lại ghi nhận.
Trong quan hệ dân sự, Vi bằng của Thừa phát lại là công cụ để người dân, doanh nghiệp tự bảo vệ mình trong quá trình đàm phán, ký kết, thực hiện các giao dịch dân sự, cũng như xác lập các chứng cứ để bảo vệ mình trong quá trình hòa giải, thương lượng hoặc xét xử mà trước khi có Thừa phát lại, hầu như không có cơ quan nào có chức năng giúp cho người dân thực hiện những việc này. Việc lập vi bằng của Thừa phát lại được đánh giá là đáp ứng được nhu cầu rất lớn, phong phú, đa dạng trên nhiều lĩnh vực khác nhau của người dân, góp phần hỗ trợ tích cực cho cá nhân, tổ chức xác lập chứng cứ, hạn chế tranh chấp, rủi ro về pháp lý trong các giao dịch dân sự, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho người dân.
Theo số liệu thống kê, từ khi thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại đến hết tháng 6 năm 2015, 11 văn phòng Thừa phát lại trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đã lập 32.527 vi bằng
[1]. Đây là một con số ấn tượng, thể hiện rõ nét giá trị, ý nghĩa của vi bằng đến đời sống xã hội.
Vi bằng có giá trị chứng cứ, nhưng ý nghĩa của vi bằng đối với đời sống xã hội lại vượt ra ngoài giá trị của nó. Chúng ta chỉ có thể đánh giá được hiệu quả của hoạt động lập vi bằng của Thừa phát lại, nếu đánh giá được toàn bộ ý nghĩa của vi bằng đến mọi mặt của đời sống xã hội, bao gồm cả trong hoạt động xét xử, trong các quan hệ pháp lý và cuộc sống thường ngày.
Nguồn: Vibangthuaphatlai.vn
[1] Báo cáo tham luận của Sở Tư Pháp TP.HCM, tọa đàm về Vi bằng, Sở Tư pháp TP.HCM ngày 24/7/2015, tr 2.