Video

Thống kê
Lượt truy cập  
Online  

Đừng nhầm lẫn tránh thuế là trái pháp luật

Thứ ba, 17/05/2016, 08:43 GMT+7

Đừng nhầm lẫn tránh thuế là trái pháp luật

Các hành vi gian lận thuế, trốn thuế của các doanh nghiệp (DN), các tập đoàn đa quốc gia, gây tổn thất ngân sách phải được ngăn chặn, xử lý nghiêm. Có điều, các chuyên gia lưu ý, hoàn thiện chính sách thu, quản lý thuế, phải xác định rõ, tránh thuế không phải hành vi trái pháp luật, đừng nhầm lẫn với trốn thuế…

Đừng nhầm lẫn tránh thuế là trái pháp luật

ThS Đỗ Minh Tuấn cho rằng, tránh thuế không phải là hành vi trái pháp luật thuế, nhưng có thể tác động tiêu cực vì làm thất thu ngân sách thuế của quốc gia sở tại. Ảnh: Thảo Nguyên

Gian lận chuyển giá mới bất hợp pháp

Ở chiều ngược lại, các hành vi gian lận thuế, trốn thuế của các DN, các tập đoàn đa quốc gia, gây tổn thất cho ngân sách quốc gia cũng phải được ngăn chặn, xử lý nghiêm. Nhưng, các chuyên gia lưu ý, hoàn thiện chính sách thu, quản lý thuế, phải làm sao trong tư tưởng nhà làm thuế phân biệt, hành vi trốn thuế và hành vi tránh thuế. 

Theo PGS.TS Đặng Văn Thanh, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội, hành vi tránh thuế là hợp pháp, hành vi trốn thuế mới là bất hợp pháp. Người lao động, nhà kinh doanh có quyền chọn cách thức nộp thuế phù hợp thuận lợi nhất.

“Ra sắc thuế nhập khẩu, nếu nhập nguyên chiếc thì thuế thế này, nhập chi tiết thì thuế ngần này. Tính tổng ra, thuế chi tiết rẻ hơn thuế nguyên chiếc. Thế thì người ta phải cân nhắc, hà cớ gì phải nhập cả chiếc ô tô. Người ta nhập thành xe ở Sài Gòn, nhập cái vỏ ở Hải Phòng... rồi tập trung về Thái Bình lắp ráp thành cái ô tô. Đó là tránh thuế. Tôi vẫn nộp thuế đầy đủ theo đúng sắc thuế đó, theo quy định, không trốn thuế”, ông Thanh dẫn chứng đơn giản.

Trong tránh thuế có chuyển giá và chỉ có gian lận chuyển giá mới bất hợp pháp. “Chuyển giá là hành vi bình thường của thế giới, giữa công ty mẹ và công ty con, công ty trong nước, ngoài nước. DN không thích nộp thuế ở Việt Nam vì cao quá, nên chuyển về quốc gia có ưu đãi thuế nhất để nộp thuế, đó là chuyện bình thường”, ông Thanh nói.

Cũng nghiên cứu về vấn đề này, ThS Đỗ Minh Tuấn đồng ý, tránh thuế không phải là hành vi trái pháp luật thuế. Nhưng có thể tác động tiêu cực vì làm thất thu ngân sách thuế của quốc gia sở tại, gây bất công trong phân bổ nguồn lực xã hội và ảnh hưởng tiêu cực cho nền kinh tế.

“Cần chính thức đưa khái niệm tránh thuế vào trong luật. Điều này, giúp cơ quan quản lý thuế phân biệt hành vi tránh thuế với hành vi tiết kiệm thuế hợp pháp”, ông Tuấn nói và cho rằng, trước mắt cần ưu tiên hoàn thiện các quy định pháp luật nhằm ngăn ngừa, xử lý hành vi chuyển giá bất hợp pháp.

Theo ông Tuấn, pháp luật cần quy định rõ hành vi xác lập giá chuyển giao hoặc các điều kiện thương mại liên quan đến giá chuyển giao trong giao dịch liên kết không tuân thủ nguyên tắc thị trường là hành vi chuyển giá bất hợp pháp. Khi đã xác định được hành vi chuyển giá bất hợp pháp, cơ quan thuế có quyền truy thu số thuế mà DN tránh được bằng chuyển giá. Tùy theo mức độ vi phạm mà cơ quan thuế ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

Khẩn trương triển khai nhanh thuế tự vệ

Một vấn đề khác, khi hội nhập, thực hiện các cam kết hiệp định thương mại tự do đã ký kết, Việt Nam phải dỡ bỏ hàng rào thuế quan, xóa bỏ đến 90% dòng thuế. Nhà nước không thể trực tiếp trợ cấp cho DN. Các chính sách ưu đãi về thuế cũng không được có sự phân biệt đối xử giữa DN Việt Nam với các DN có vốn đầu tư nước ngoài.

Trong bối cảnh đó, PGS.TS Đặng Văn Thanh cho rằng, Việt Nam phải khẩn trương triển khai nhanh thuế tự vệ, chống bán phá giá. “Các khu vực mậu dịch tự do dường như biến mất, chuyển sang biên giới mềm, hàng hóa di chuyển tự do, chưa kể đầu tư di chuyển tự do. Các nước trên thế giời đều phải xây dựng thuế tự vệ để chống bán phá giá. Việt Nam cũng vậy”.

Còn PGS.TS Lê Thị Thu Thủy, Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội lưu ý, bên cạnh cơ hội, DN Việt Nam phải “căng sức” cạnh tranh với các DN đến từ các quốc gia thành viên một cách sòng phẳng ngay trên sân nhà. Cho nên, cần giảm các chi phí bất hợp lý mà DN phải gánh chịu để đủ sức cạnh tranh không để bị “thâu tóm” như trường hợp Big C (Việt Nam) gần đây. 

Chính vì vậy, cần tiến hành thủ tục hành chính thuế mạng điện tử, giảm bớt các giấy tờ không cần thiết, đơn giản hóa các mẫu tờ khai thuế, minh bạch hóa tình trạng hồ sơ thuế. Nhất là, có biện pháp chế tài đủ mạnh để xử lý kỷ luật hoặc xử lý hình sự đối với cán bộ thuế có hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người nộp thuế.

Cơ quan thuế có nhiệm vụ giúp đỡ DN, người dân thực hiện nghĩa vụ nộp thuế. “Bất kỳ yêu cầu nào về giấy tờ, hồ sơ hoặc những yêu cầu khác mà cơ quan thuế hoặc cán bộ thuế đòi DN phải thực hiện mà không có căn cứ pháp lý là các yêu cầu không hợp pháp, DN không phải tuân thủ. Nếu DN bắt buộc phải tuân thủ các yêu cầu không hợp pháp, thì có quyền yêu cầu cơ quan thuế bù đắp các chi phí do phải thực hiện các yêu cầu này”, bà Thủy nêu quan điểm.

Nguồn: http://thanhtra.com.vn/

Người viết : ngoctram

Giới hạn tin theo ngày :    

Go Top
dia-chi-thua-phat-lai
Tuyển dụng