Video

Thống kê
Lượt truy cập  
Online  

Dự thảo Nghị Quyết của Quốc Hội về việc thực hiện chế định Thừa Phát Lại

Thứ sáu, 13/11/2015, 15:12 GMT+7

Dự thảo Nghị Quyết của Quốc Hội về việc thực hiện chế định Thừa Phát Lại

Xin giới thiệu các bạn Dự thảo Nghị Quyết của Quốc Hội về việc thực hiện chế định Thừa Phát Lại

QUỐC HỘI

 

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

          

Số:         /2015/QH13

Hà Nội, ngày      tháng  11   năm 2015     

 

Dự thảo

          

 

NGHỊ QUYẾT

Về việc thực hiện chế định Thừphát lại

 

QUỐC HỘI NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

Trên cơ sở xem xét Báo cáo số…..……./BC-CP ngày……….. của Chính phủ về tổng kết việc tiếp tục thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại theo Nghị quyết số 36/2012/QH12 ngày 23 tháng 11 năm 2012 của Quốc hội về việc tiếp tục thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại; Báo cáo thẩm tra số ….. ngày .......... của Ủy ban tư pháp của Quốc hội và ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội,

                                       QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Thực hiện chế định Thừa phát lại

1. Trên cơ sở kết quả đạt được trong thời gian thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại theo Nghị quyết số 24/2008/QH12 ngày 14 tháng 11 năm 2008 của Quốc hội và Nghị quyết số 36/2012/QH13 ngày 23 tháng 12 năm 2012 của Quốc hội, nay cho thực hiện chế định Thừa phát lại trong phạm vi cả nước.

2. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, căn cứ vào số lượng vụ việc xét xử của Tòa án và thi hành án của cơ quan thi hành án dân sự; điều kiện, nhu cầu tại địa phương mình, xây dựng Đề án thực hiện chế định Thừa phát lại báo cáo Bộ trưởng Bộ Tư pháp xem xét, phê duyệt sau khi thống nhất ý kiến với Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

Điều 2. Thừa phát lại; tiêu chuẩn, điều kiện hành nghề Thừa phát lại

1. Thừa phát lại là chức danh bổ trợ tư pháp được Bộ trưởng Bộ Tư pháp bổ nhiệm để thực hiện các công việc theo quy định tại khoản 1 Điều 3 của Nghị quyết này.

2. Người muốn được bổ nhiệm làm Thừa phát lại phải có các tiêu chuẩn sau:

a) Là công dân Việt Nam trung thành với Tổ quốc, thường trú tại Việt Nam;

b) Có phẩm chất đạo đức tốt; tuân thủ Hiến pháp và pháp luật; không có tiền án;

c) Có bằng cử nhân luật;

d) Đã công tác trong các cơ quan, tổ chức pháp luật, pháp chế, tư pháp, bổ trợ tư pháp từ 05 năm trở lên hoặc đã từng là Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư, Chấp hành viên, Công chứng viên, Điều tra viên;

đ) Có chứng chỉ hoàn thành khóa đào tạo nghề Thừa phát lại theo quy định của Chính phủ;

e) Có đủ sức khỏe thực hiện các công việc quy định tại Điều 3 Nghị quyết này.

3. Người được bổ nhiệm làm Thừa phát lại thì không được kiêm nhiệm hành nghề Công chứng, Luật sư.

Điều 3. Phạm vi hành nghề Thừa phát lại

1. Tống đạt văn bản tố tụng của Tòa án, văn bản về thi hành án của cơ quan thi hành án dân sự theo hợp đồng ký kết với Tòa án, cơ quan thi hành án dân sự;

2. Lập vi bằng ghi nhận các sự kiện, hành vi theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức.

3. Xác minh điều kiện thi hành án theo yêu cầu của người được thi hành án, người phải thi hành án theo quy định của Luật Thi hành án dân sự.

4. Tổ chức thi hành bản án, quyết định của Tòa án theo yêu cầu của người được thi hành án theo quy định của Luật Thi hành án dân sự.

Điều 4. Nhiệm vụ, quyền hạn và xử lý vi phạm đối với Thừa phát lại

1. Thực hiện các công việc được làm một cách trung thực, khách quan; chấp hành đúng các quy định của pháp luật có liên quan; tuân thủ quy chế tổ chức, hoạt động và đạo đức nghề nghiệp Thừa phát lại; chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc thực hiện công việc của mình.

2. Khi thực hiện công việc về thi hành án dân sự, Thừa phát lại có nhiệm vụ, quyền hạn thực hiện các trình tự, thủ tục về thi hành án theo quy định của Luật Thi hành án dân sự và văn bản liên quan; có quyền áp dụng biện pháp bảo đảm và cưỡng chế thi hành án theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự, trừ trường hợp áp dụng biện pháp cưỡng chế có huy động lực lượng thì thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 5 của Nghị quyết này.

3. Tùy theo mức độ, tính chất vi phạm, Thừa phát lại có thể bị miễn nhiệm, bị xử phạt vi phạm hành chính, truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường.

Điều 5. Thủ tục thực hiện công việc của Thừa phát lại

1. Thủ tục tống đạt văn bản của Tòa án thực hiện theo quy định của pháp luật về tố tụng. Thủ tục tống đạt văn bản về thi hành án dân sự thực hiện theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự.

2. Thủ tục xác minh điều kiện thi hành án và trực tiếp tổ chức thi hành án thực hiện theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự.

Trong trường hợp cưỡng chế thi hành án cần huy động lực lượng bảo vệ, Trưởng Văn phòng Thừa phát lại phải báo cáo, xin ý kiến của Trưởng Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự cấp huyện nơi phải cưỡng chế thi hành án. Trên cơ sở ý kiến của Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự, Văn phòng Thừa phát lại phải lập kế hoạch cưỡng chế, báo cáo Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự, kèm theo hồ sơ thi hành án để Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự xem xét, phê duyệt kế hoạch cưỡng chế và ra quyết định cưỡng chế thi hành án.

3. Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện thủ tục lập vi bằng; các thủ tục khác về tống đạt văn bản của cơ quan thi hành án dân sự, xác minh điều kiện thi hành án và tổ chức thi hành án của Thừa phát lại, trong trường hợp pháp luật thi hành án dân sự không quy định. Tòa án nhân dân tối cao chủ trì, phối hợp với các cơ quan hữu quan hướng dẫn thực hiện thủ tục tống đạt văn bản tố tụng, trong trường hợp pháp luật về tố tụng không quy định.

Điều 6. Văn phòng Thừa phát lại

1. Văn phòng Thừa phát lại là tổ chức hành nghề của Thừa phát lại, có trụ sở, con dấu và tài khoản riêng. Văn phòng Thừa phát lại do một Thừa phát lại thành lập được tổ chức và hoạt động theo loại hình doanh nghiệp tư nhân. Văn phòng Thừa phát lại do từ hai Thừa phát lại trở lên thành lập được tổ chức và hoạt động theo loại hình công ty hợp danh. Chế độ tài chính của Văn phòng Thừa phát lại được thực hiện theo chế độ tài chính của loại hình doanh nghiệp tương ứng theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp.

2. Tổ chức Văn phòng Thừa phát lại gồm:

a) Trưởng Văn phòng phải là Thừa phát lại và là người đại diện theo pháp luật của Văn phòng Thừa phát lại;

b) Thừa phát lại là thành viên sáng lập, trong trường hợp nhiều người cùng tham gia thành lập Văn phòng Thừa phát lại; Thừa phát lại làm việc theo hợp đồng tại Văn phòng Thừa phát lại;

c) Thư ký nghiệp vụ giúp Thừa phát lại thực hiện các công việc nghiệp vụ pháp lý theo quy định. Tiêu chuẩn Thư ký nghiệp vụ do Chính phủ quy định;

d) Nhân viên kế toán;

đ) Nhân viên hành chính khác (nếu có).

3. Văn phòng Thừa phát lại được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong thời gian 5 năm kể từ ngày thành lập.

Điều 7. Kiểm sát, giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với hoạt động Thừa phát lại

1. Việc kiểm sát hoạt động của Thừa phát lại thực hiện theo quy định của Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân và các quy định pháp luật có liên quan.

2. Chính phủ quy định việc giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với hoạt động của Thừa phát lại, trừ việc khiếu nại, tố cáo trong việc tống đạt văn bản của Tòa án thực hiện theo quy định của pháp luật tố tụng.

3. Việc tố cáo và giải quyết tố cáo trong hoạt động của Thừa phát lại thực hiện theo quy định của Luật tố cáo và văn bản liên quan.

Điều 8. Quản lý nhà nước về hoạt động của Thừa phát lại

1. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước đối với Thừa phát lại trong phạm vi cả nước; quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện Nghị quyết này; định kỳ hàng năm báo cáo Quốc hội về hoạt động Thừa phát lại.

2. Tòa án nhân dân tối cao chỉ đạo, hướng dẫn các Tòa án trong việc ký kết hợp đồng chuyển giao văn bản của Tòa án cho Thừa phát lại tống đạt; giải quyết các yêu cầu, kiến nghị của Thừa phát lại liên quan đến hoạt động thi hành án dân sự; phối hợp với Chính phủ trong việc ban hành văn bản pháp luật về Thừa phát lại, báo cáo về hoạt động Thừa phát lại.

3. Viện kiểm sát nhân dân tối cao chỉ đạo Viện kiểm sát nhân dân các cấp kiểm sát hoạt động của Thừa phát lại theo quy định của Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân và các quy định pháp luật có liên quan; phối hợp với Chính phủ trong việc ban hành văn bản pháp luật về Thừa phát lại, báo cáo về hoạt động Thừa phát lại.

4. Các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh thực hiện việc giám sát hoạt động của Thừa phát lại theo quy định Luật tổ chức Quốc hội, Luật tổ chức chính quyền địa phương và Luật hoạt động giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân.

5. Bộ Tư pháp giúp Chính phủ quản lý nhà nước về Thừa phát lại; chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan thi hành án dân sự trong việc ký kết hợp đồng chuyển giao văn bản của cơ quan thi hành án dân sự cho Thừa phát lại tống đạt; thực hiện quyền hạn, nhiệm vụ khác theo quy định của Nghị quyết này và hướng dẫn của Chính phủ.

Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình chỉ đạo cơ quan, đơn vị trực thuộc phối hợp, hỗ trợ Thừa phát lại hoạt động theo đúng quy định của pháp luật.

6. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quản lý nhà nước về Thừa phát lại tại địa phương, thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Chính phủ.

Điều 9. Điều khoản thi hành

1. Nghị Quyết này có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng  01 năm 2016.

2. Chính phủ phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao tổ chức thực hiện chế định Thừa phát lại theo quy định tại Nghị quyết này và xây dựng Luật Thừa phát lại, trình Quốc hội xem xét cho ý kiến tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV (tháng 5 năm 2017).

3. Các Văn phòng Thừa phát lại đã được thành lập và hoạt động theo Nghị quyết số 24/2008/QH12 ngày 14 tháng 11 năm 2008 và Nghị quyết số 36/2012/QH12 ngày 23 tháng 11 năm 2012 của Quốc hội được tiếp tục hoạt động.

4. Tiếp tục áp dụng các quy định tại Nghị định số 61/2009/NĐ-CP ngày 24 tháng 7 năm 2009 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại thực hiện thí điểm tại thành phố Hồ Chí Minh, Nghị định số 135/2013/NĐ-CP ngày 18 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung tên gọi và một số điều của Nghị định số 61/2009/NĐ-CP ngày 24 tháng 7 năm 2009 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại thực hiện thí điểm tại Thành phố Hồ Chí Minh và văn bản hướng dẫn thi hành không trái với các quy định của Nghị quyết này cho đến khi Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết Nghị quyết này có hiệu lực thi hành.

Nghị quyết này đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ ….. thông qua ngày .… tháng 11  năm 2015./.

 

 

 

 

            

CHỦ TỊCH QUỐC HỘI

 

 

 

 

 

 

Nguyễn Sinh Hùng

 


Người viết : Phap Nguyen

Giới hạn tin theo ngày :    

Go Top
dia-chi-thua-phat-lai
Tuyển dụng