Văn phòng Thừa phát lại Thủ Đức |
Thi hành án là gì? Bạn là vừa thắng kiện trong một vụ tranh chấp ở Tòa án? Bạn muốn tổ chức Thừa phát lại thi hành bản án đó cho bạn? Dưới đây là một số nội dung cần biết về quá trình thi hành án tại tổ chức Thừa phát lại để bạn tham khảo
1. Thi hành án là gì?
Khi các cá nhân, tổ chức phát sinh tranh chấp và yêu cầu Tòa án giải quyết, phán quyết của Tòa án chỉ là kết quả về mặt pháp lý. Để bảo vệ quyền lợi của mình trên thực tế, bên thắng kiện phải yêu cầu cơ quan thi hành án tổ chức thi hành bản án, quyết định của Tòa án. Việc tổ chức thi hành bản án, quyết định của Tòa án được gọi là thi hành án. Ngày nay, pháp luật cho phép Văn phòng Thừa phát lại có thẩm quyền thi hành án tương tự như Chi cục thi hành án. Tạo điều kiện cho người dân được lựa chọn dịch vụ thi hành án một cách tốt nhất để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của mình. Thẩm quyền thi hành án của Văn phòng Thừa phát như sau: Văn phòng Thừa phát lại đặt trụ sở tại quận, huyện nào thì có thẩm quyền Thi hành án tương tự Chi Cục Thi hành án dân sự Quận, huyện nơi văn phòng Thừa phát lại có trụ sở. Tức là, Văn phòng được quyền trực tiếp tổ chức thi hành theo đơn yêu cầu của đương sự đối với các bản án, quyết định: a) Bản án, quyết định sơ thẩm đã có hiệu lực của Tòa án quận, huyện nơi văn phòng Thừa phát lại đặt trụ sở; b) Bản án, quyết định phúc thẩm của Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ đối với bản án, quyết định sơ thẩm của Tòa án Quận, huyện nơi văn phòng Thừa phát lại đặt trụ sở; c) Quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm của Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án cấp quận huyện. Thừa phát lại có thể tổ chức thi hành các vụ việc nói trên ngoài địa bàn quận, huyện nơi nơi Văn phòng Thừa phát lại đặt trụ sở nếu đương sự có tài sản, cư trú hay có các điều kiện khác ngoài quận, huyện nơi văn phòng Thừa phát lại đặt trụ sở 2. Để được thi hành án, khách hàng phải làm gì? Để yêu cầu Văn phòng Thừa phát lại tổ chức thi hành án, khách hàng cần mang theo giấy tờ tùy thân và bản án của Tòa án đến Văn phòng Thừa phát lại hoặc chúng tôi sẽ đến với khách hàng theo yêu cầu. Đội ngũ chuyên gia về công tác thi hành án của chúng tôi sẽ hướng dẫn khách hàng biện pháp tốt nhất để bảo vệ lợi ích hợp pháp của mình. 3. Quy trình thực hiện 3.1 Tiếp nhận yêu cầu Thi hành án - Khách hàng có nhu cầu thi hành án sẽ làm việc với thư ký nghiệp vụ. Thư ký nghiệp vụ tư vấn cho khách hàng về một số quy định pháp luật có liên quan đến thi hành án. - Tại đây, khách hàng cung cấp bản án, quyết định của Tòa án, điền nội dung yêu cầu thi hành án vào Phiếu yêu cầu thi hành án (theo mẫu). Thư ký nghiệp vụ có trách nhiệm kiểm tra tính hợp pháp của nội dung yêu cầu thi hành án, thẩm quyền thi hành án của Văn phòng và trình Thừa phát lại quyết định. - Thư ký nghiệp vụ đề nghị khách hàng điền vào Phiếu cung cấp thông tin (theo mẫu) những thông tin cần thiết liên quan đến việc thi hành án. Trong đó, xác định rõ việc yêu cầu Văn phòng xác minh điều kiện thi hành án của khách hàng. 3.2 Ký hợp đồng thi hành án - Khách hàng và Văn phòng Thừa phát lại tiến hành ký hợp đồng thi hành án. Trong đó, xác định rõ: ngày, tháng, năm yêu cầu thi hành án; các khoản yêu cầu thi hành theo bản án, quyết định; chi phí, phương thức thanh toán mức chi phí theo từng giai đoạn thi hành án gồm xác minh điều kiện thi hành án, thực hiện thi hành án, các trường hợp thanh lý hợp đồng. - Hợp đồng thi hành án được lập thành 02 bản, mỗi bên giữ 01 bản. Thư ký nghiệp vụ ghi vào sổ theo dõi hợp đồng thi hành án. 3.3 Mời đương sự đến thỏa thuận về việc thi hành án Thừa phát lại thụ lý vụ việc có trách nhiệm mời các bên liên quan đến việc thi hành án đến trụ sở Văn phòng để thỏa thuận về việc thi hành án. Nếu các bên thỏa thuận được với nhau toàn bộ hoặc từng phần về việc thi hành án thì tiến hành lập biên bản về thỏa thuận đó. 3.4 Xác minh điều kiện thi hành án của đương sự - Trường hợp khách hàng yêu cầu Văn phòng Thừa phát lại xác minh điều kiện thi hành án, thì Thừa phát lại tiến hành xác minh điều kiện thi hành án theo Quy định. - Nếu khách hàng không yêu cầu Văn phòng Thừa phát lại xác minh điều kiện thi hành án thì Thừa phát lại yêu cầu Khách hàng cung cấp kết quả xác minh điều kiện thi hành án và chịu trách nhiệm về kết quả xác minh do mình cung cấp. 3.5 Thanh lý hợp đồng thi hành án. - Tiền, tài sản thu được từ thi hành án được chuyển cho khách hàng sau khi khấu trừ chi phí theo hợp đồng thi hành án. - Sau khi hoàn tất thủ tục thi hành án, Văn phòng Thừa phát lại tiến hành thanh lý hợp đồng thi hành án với khách hàng. 4. Chi phí thi hành án: văn phòng Thừa phát lại được thu chi phí theo mức phí thi hành án dân sự theo quy định của pháp luật về phí thi hành án dân sự. Những vụ việc phức tạp, tùy theo tính chất của vụ việc, văn phòng Thừa phát lại và khách hàng có thể thỏa thuận về mức chi phí thực hiện công việc. Chi phí cho từng loại vụ việc cụ thể được thực hiện theo danh mục biểu phí của Văn phòng. |
Copyright © 2014 THUPHATLAITHUDUC |