Đi nhà nghỉ với người yêu, bị xử lý thế nào khi công an bắt?
Cơ quan công an có thẩm quyền có quyền kiểm tra khách thuê phòng khi xét thấy có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Khi nào công an kiểm tra khách thuê phòng nhà nghỉ?
Điều 22 Hiến pháp 2013 và Điều 46 Bộ luật Dân sự 2005 đều quy định về quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở của cá nhân, việc vào chỗ ở của một người phải được người đó đồng ý. Trong trường hợp pháp luật có quy định và phải có quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền mới được tiến hành khám xét chỗ ở của một người. Việc khám xét phải theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định.
Theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 8 Thông tư 33/2010/TT-BCA ngày 5/10/2010 của Chính phủ quy định cụ thể điều kiện về an ninh, trật tự đối với một số ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, cơ quan công an có thẩm quyền trong quá trình quản lý phải thực hiện “kiểm tra người và phương tiện tại địa điểm kinh doanh liên quan đến hoạt động của cơ sở khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật”. Theo đó, khi xét thấy có dấu hiệu vi phạm pháp luật, cơ quan công an có thẩm quyền có quyền kiểm tra hành chính người và phương tiện tại địa điểm kinh doanh liên quan đến hoạt động của cơ sở.
Như vậy, cơ quan công an có thẩm quyền có quyền kiểm tra khách thuê phòng khi xét thấy có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong hoạt động cho thuê lưu trú của nhà nghỉ, khách sạn.
Điều 46 Hiến pháp quy định: “Công dân có nghĩa vụ tuân theo Hiến pháp và pháp luật...”. Theo đó, khách thuê phòng có nghĩa vụ hợp tác với cơ quan công an có thẩm quyền khi bị khám xét.
Việc khám xét người và khám xét chỗ ở được thực hiện theo quy định tại Điều 127 và 129 Luật xử lý vi phạm hành chính. Người bị khám xét có quyền khiếu nại hành vi hành chính của cơ quan khám xét nếu việc khám xét không đúng thẩm quyền, trình tự và thủ tục khám xét.
Trường hợp khách thuê phòng bất hợp tác hoặc có hành vi chống đối cơ quan công an có thẩm quyền khám xét thì tùy theo tính chất, mức độ và hậu quả xảy ra, người thực hiện hành vi chống đối có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Theo quy định tại khoản 3 Điều 20 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội..., người có hành vi “dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực để chống người thi hành công vụ” có thể bị phạt tiền từ 3.000.000 đến 5.000.000 đồng. Căn cứ điều 257 Bộ luật Hình sự, “người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ ...” có thể bị phạt tù đến 7 năm.
Xử lý trường hợp đi nhà nghỉ với người yêu bị công an bắt
Theo đó, khi bị Công an có thẩm quyền kiểm tra khi cùng người yêu ở trong nhà nghỉ, có thể xảy ra những trường hợp sau:
Người bạn gái đó chưa đủ 13 tuổi:
Theo Khoản 4, Điều 112, Bộ Luật hình sự 2009 sửa đổi, bổ sung quy định: Mọi trường hợp giao cấu với trẻ em chưa đủ 13 tuổi là phạm tội hiếp dâm trẻ em và người phạm tội bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình.
Như vậy, dù người bạn gái có thuận tình thì người bạn trai kia vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội hiếp dâm trẻ em. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.
Người bạn gái từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi:
Theo Khoản 1, Điều 115, Bộ Luật hình sự 2009 sửa đổi, bổ sung quy định: Người nào đã thành niên mà giao cấu với trẻ em từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm.
Như vậy, người bạn trai sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giao cấu với trẻ em . Tùy vào tính chất, mức độ vi phạm mà áp dụng khung hình phạt phù hợp, từ một năm đến mười lăm năm.
Ngoài ra, theo Pháp lệnh phòng, chống mại dâm 2003 có quy định: Bán dâm là hành vi giao cấu của một người với người khác để được trả tiền hoặc lợi ích vật chất khác. Mua dâm là hành vi của người dùng tiền hoặc lợi ích vật chất khác trả cho người bán dâm để được giao cấu.
Như vậy, nếu không thuộc 2 trường hợp trên, mà giữa 2 người có yếu tố “tiền hoặc lợi ích vật chất” để được giao cấu, thì Công an có cơ sở xác định là hành vi mua dâm, bán dâm.
Do đó, nếu không chứng minh được giữa 2 người có sự tự nguyện trong việc 2 người quan hệ với nhau, Công an có thể tình nghi đây là hành vi mua bán dâm.
Từ các trường hợp trên, khi bị công an bắt, nếu bạn gái không thuộc độ tuổi quy định như trên, người bạn trai phải chứng minh với Công an rằng người đó là người yêu của mình bằng việc: Cho biết họ tên, ngày sinh, quê quán, nơi ở, nghề nghiệp.
Trong thực tế thì khi bị kiểm tra phòng, Công an sẽ yêu cầu xuất trình giấy tờ tùy thân, chứng minh nhân dân, giấy phép lái xe... Nếu không có các giấy tờ trên thì có thể bị mời về đồn Công an để làm việc. Nếu có đầy đủ giấy tờ tuỳ thân sẽ tiến hành kiểm chứng chéo về thông tin cá nhân của người kia, nếu cả hai trả lời khớp với nhau thì được thả, nếu trả lời không khớp thì có thể bị mời về đồn làm việc tiếp.
Nguồn: http://www.doisongphapluat.com/