Đề nghị chấm dứt thí điểm, cho triển khai thừa phát lại trên toàn quốc
Đa số các ý kiến phát biểu tại phiên họp sáng 20-11 tại nghị trường Quốc hội đều thống nhất với đề nghị của Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết về chế định thừa phát lại (TPL) theo hướng chấm dứt thí điểm và cho phép chính thức hoạt động TPL trong phạm vi cả nước và sớm xây dựng, ban hành Luật Thừa phát lại. Tuy nhiên, vẫn còn một số ý kiến tranh luận về phạm vi, kinh phí, hiệu quả hoạt động của chế định này.
Không giảm được biên chế, kinh phí thì không làm?
Đánh giá về hiệu quả hoạt động TPL thời gian qua, các đại biểu ghi nhận, hoạt động TPL đã xác định được vị trí của mình trong đời sống xã hội, tạo lập một loại hình dịch vụ pháp lý mới để người dân lựa chọn. Đặc biệt, TPL được coi là đã phát huy tác dụng thiết thực trong các công việc như tống đạt văn bản, lập vi bằng và ở một mức độ nhất định xác minh điều kiện thi hành án (THA) dân sự.
Mặc dù vậy, cũng còn những quan điểm phân vân về vấn đề này. ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) cho rằng những ý kiến thảo luận tổ được tổng hợp chưa đầy đủ. “Có cần đến TPL không, khi tống đạt văn bản thực chất là dịch vụ bưu điện giá cao. TPL lập vi bằng thì nhanh nhạy đấy, nhưng giá trị pháp luật như thế nào? Mà xác minh điều kiện THA xưa nay là trách nhiệm của cơ quan nhà nước, nay lại yêu cầu TPL làm, tôi thấy không hợp lý”. ĐB Cương còn đề nghị Chính phủ giao cho Bộ Tài chính đánh giá tình hình ngân sách đã chi cho hoạt động này trong thời gian thí điểm.
ĐB Phạm Trí Thức (Thanh Hóa) cũng bày tỏ băn khoăn: “Báo cáo tổng kết chưa đưa ra được số liệu cụ thể, đánh giá, so sánh hiệu quả những việc TPL đã làm được trong tổng thể các hoạt động THA mà tòa án, cơ quan THA đang thực hiện. Chưa làm rõ nếu chuyển giao những việc do Thư ký Tòa án, cơ quan THA, chấp hành viên đang thực hiện cho TPL thì biên chế, kinh phí hoạt động của các cơ quan tư pháp THA dân sự sẽ phải chịu tác động tăng giảm như thế nào”.
Giảm chi phí quan trọng, nhưng hiệu quả xử lý án mới quan trọng nhất
Là địa phương có thời gian thực hiện thí điểm TPL lâu nhất trong cả nước nên các ý kiến ĐBQH TPHCM phát biểu về vấn đề này hết sức sôi nổi. ĐB Huỳnh Ngọc Ánh (TPHCM) nhấn mạnh: “Từ thực tế công tác trong ngành tòa án, tôi thấy rõ nhất ở hiệu quả mà TPL mang lại trong quá trình giải quyết ở tòa án”. ĐB Huỳnh Ngọc Ánh đưa ra nhiều kiến nghị rất cụ thể, đề nghị Chính phủ cũng phải bổ sung thêm, ngoài việc tống đạt văn bản của tòa án, của THA dân sự thì nên cho phép TPL tống đạt các văn bản, quyết định hành chính mang phạm vi điều chỉnh cụ thể cho từng người; hướng dẫn thống nhất mang tính quy phạm trong việc trình tự, thủ tục lập vi bằng để đảm bảo cho vi bằng đó có tính pháp lý… ĐB Huỳnh Ngọc Ánh cũng cho rằng tương tự như văn phòng công chứng, trung tâm đấu giá; văn phòng TPL cần được hoạt động như một doanh nghiệp độc lập kinh doanh có điều kiện, hoạt động tốt thì ký hợp đồng được hợp đồng; có thể từng vụ việc, chứ không phải ký hợp đồng cho cả năm, cả tháng hoặc cả quý…
Chia sẻ quan điểm này, ĐB Trần Văn Độ (An Giang), nguyên Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao nhận định: “Chúng ta cũng không nên quá quan trọng việc tiền bỏ ra, vấn đề quan trọng là hiệu quả. Tống đạt văn bản, giấy tờ của tòa án chỉ thông qua bưu điện là không ổn, còn phải xét đến hiệu quả của việc tống đạt ấy nữa, rất nhiều vụ án tống đạt xong gửi qua bưu điện đương sự bảo rằng không nhận được, mà không nhận được thì phải hoãn phiên tòa, cũng rất phức tạp tốn kém”. Về nhiệm vụ, ĐB Trần Văn Độ đề nghị: “Thứ nhất là tống đạt giấy tờ, thứ hai là lập vi bằng, thứ ba là xác minh điều kiện THA, tức là khi có điều kiện thì mới ra quyết định THA. Về cưỡng chế, tôi đề nghị hiện tại chúng ta không nên giao cho TPL”.
Để chính thức hóa vấn đề này, ĐB Trần Văn Độ đề nghị Quốc hội ra nghị quyết với nội dung chấm dứt nghị quyết thí điểm; cho áp dụng chế định này trên toàn quốc... Nghị quyết này có hiệu lực đến khi có luật mới được ban hành; đảm bảo phù hợp với tư tưởng nhà nước pháp quyền, theo đó mọi vấn đề liên quan đến quyền con người đều phải quy định bằng luật, hoặc nghị quyết có chứa quy phạm pháp luật. ĐB Hồ Văn Năm (Đồng Nai) cũng nhìn nhận: “Nên xác định TPL là một nghề như các nghề khác; hoạt động theo cơ chế thị trường, mang tính cạnh tranh cao thì mới có hiệu quả trong hoạt động hỗ trợ tư pháp”.
Nguồn: http://www.sggp.org.vn/