Kiểm tra, quan sát kỹ giấy tờ, thái độ
Theo CCV Phạm Dương Sang (Văn phòng công chứng Đầm Sen), thủ đoạn mà những kẻ giả mạo gần đây thường áp dụng là lân la đến tổ chức công chứng làm quen với chuyên viên và CCV, giả bộ hỏi về thủ tục công chứng. Tiếp đó, họ trình bày rằng mình là bên cho vay tiền nên để đảm bảo an toàn, họ yêu cầu bên vay ký hợp đồng chuyển nhượng nhà đất (giả cách) để “đánh lạc hướng” CCV. Từ đó họ nhờ CCV đánh máy hợp đồng trước, chờ chủ nhà đang trên đường đến...
Nếu tiếp nhận hồ sơ của họ (người đứng tên trên giấy tờ giả vẫn chưa xuất hiện), CCV cẩn thận, cảnh giác có thể phát hiện được một số chi tiết “lạ” trên giấy tờ nhà đất như: giấy hồng thật có màu hồng tươi, giấy giả thường ngả màu tím. Họa tiết “trống đồng” của giấy thật dù rất nhỏ nhưng bao giờ cũng rõ nét, còn giấy giả hay bị nhòe, không rõ nét. Dấu mộc đỏ trên giấy giả có khi ngả màu cam và thường đóng rất ngay ngắn, cân xứng (giấy thật thì ít khi đóng được như vậy). Chữ “thửa đất, nhà ở, công trình xây dựng khác” trên giấy hồng phải in đậm và in nghiêng; số “1” trước thửa đất thì in thẳng, trong khi số “2, 3, 4, 5, 6” lại in đậm và nghiêng... trong khi giấy giả có thể làm sai các chi tiết này.
Đã có không ít trường hợp thấy CCV nghi ngờ, những người cho vay giả mạo này tìm cách giả vờ ra ngoài nghe điện thoại... rồi “mất bóng”, bỏ lại trọn bộ hồ sơ giả.
Khách hàng đang giao dịch tại Văn phòng công chứng Đầm Sen (quận 11, TP.HCM). Ảnh: L.TRINH
CCV Hoàng Thị Kim Tuyến (Phòng Công chứng số 4) nói: Ngoài việc kiểm tra, đối chiếu kỹ các loại giấy tờ (giấy hồng, giấy đăng ký kết hôn, sổ hộ khẩu, CMND...), CCV còn phải lưu ý quan sát thái độ, cử chỉ của người đến công chứng. “Người có tật” có thể không giữ được sự bình tĩnh thanh thản, thường hồi hộp, lo lắng, tránh nhìn thẳng vào mắt CCV... Đến lúc đó CCV có thể đặt ra nhiều câu hỏi bất ngờ về quan hệ nhân thân, các đặc điểm nhận biết của tài sản giao dịch... mà nếu là người thật, chủ tài sản thật thì chắc chắn sẽ biết nhưng người giả, chủ tài sản giả thì không ngờ tới.
“Tuy nhiên, với tình trạng lừa đảo ngày càng đa dạng, thủ đoạn ngày càng tinh vi, táo tợn thì CCV lúc nào cũng phải cảnh giác cao độ. Bảo vệ khách hàng cũng chính là bảo vệ chính CCV khỏi vướng phải rủi ro pháp lý” - bà Tuyến nói.
Nhiều kiến nghị
Để hạn chế rủi ro trong hoạt động công chứng, ông Phạm Dương Sang cho rằng trước hết các CCV cần tham dự đầy đủ lớp bồi dưỡng, tập huấn về phát hiện giấy tờ giả do Sở Tư pháp tổ chức. Cạnh đó, các tổ chức công chứng có thể mời cán bộ công an phụ trách cấp giấy CMND về tập huấn cách phân biệt thật, giả cho CCV, chuyên viên trong tổ chức mình. Ngoài ra, có thể mời cán bộ phụ trách có kinh nghiệm nhiều năm trong việc cấp mới, cấp đổi giấy tờ nhà đất... đến chia sẻ kinh nghiệm.
Ông Sang đề xuất cơ quan chức năng cần tăng cường quản lý, kiểm soát chặt chẽ phôi giấy chứng nhận, tránh để thất lạc như đã từng xảy ra. Cơ quan công an cũng cần kiên trì đấu tranh, phát hiện, xử lý nghiêm khắc những hành vi giả mạo giấy tờ, con dấu để lừa đảo.
Trong khi đó, CCV Đỗ Thiện Căn (Phó Trưởng phòng Công chứng số 6) cho biết: Trước hết, các CCV rất cần sự nhiệt tình hỗ trợ từ phía công an khu vực sở tại. Thực tế có nhiều trường hợp nghi ngờ giấy tờ giả, CCV gọi điện thoại yêu cầu công an đến thì họ đến chậm, có khi còn không đến. Mà CCV thì không có quyền hạn gì để giữ đương sự mãi. “Giấy tờ giả thường liên quan đến những người dữ dằn. Họ phản ứng rất dữ theo kiểu “tôi đến yêu cầu công chứng, anh chị không công chứng thì trả hồ sơ cho chúng tôi đi chỗ khác”. Đợi mãi công an không đến thì phải trả giấy cho người ta về thôi” - ông Căn nói.
Theo ông Căn, việc xử lý những người dùng giấy tờ giả đi giao dịch công chứng cần nghiêm khắc hơn. Không ít trường hợp cơ quan, tổ chức công chứng chuyển hồ sơ sang cơ quan công an. Công an kết luận đúng là giấy tờ giả nhưng lại cho rằng nhóm người này chưa gây ra hậu quả gì nên bỏ qua. Như vậy thì làm sao mà đủ sức răn đe được.
Ông Căn cũng lý giải vì sao CCV không thể đưa những vụ nghi dùng giấy tờ giả mình phát hiện lên website nội bộ ngành để lưu ý đồng nghiệp: Sự việc mới chỉ dừng ở mức nghi ngờ, chưa có cơ sở gì để kết luận. Theo quy định, CCV không có thẩm quyền kết luận nên nếu đưa một vụ việc mới chỉ có dấu hiệu nghi ngờ lên website nội bộ ngành là không được phép.
“Chúng tôi chỉ có “mắt thịt” để thẩm định” Nhiều người cho rằng trách nhiệm phát hiện giấy tờ giả là của CCV với quan niệm: “Chúng tôi đến đây yêu cầu công chứng, các anh thu phí để làm việc này thì có nghĩa vụ phải thẩm định thật-giả. Khi rủi ro xảy ra, các anh phải chịu trách nhiệm”. Nói vậy cũng có lý! Tuy nhiên, đặt trách nhiệm về CCV thì trang thiết bị, cơ sở vật chất hỗ trợ CCV phải như thế nào? Đằng này, ngoài mạng nội bộ của ngành, chúng tôi chỉ còn “mắt thịt” để thẩm định. Thuế vụ có mạng nội bộ của thuế, TN&MT có mạng nội bộ riêng của họ... CCV muốn biết thông tin về họ lại là một thủ tục đòi hỏi thời gian. Ở nước ngoài, CCV thường có một khoảng thời gian nhất định (có khi cả tháng) để thẩm định giấy tờ. Còn ở ta, một bộ hồ sơ từ lúc tiếp nhận đến lúc trả chỉ khoảng một tiếng đồng hồ. Làm sao mà không xảy ra sơ suất được! CCV ĐỖ THIỆN CĂN, Phó Trưởng phòng Công chứng số 6 “Vừa buồn vừa quê” Có lần tôi nghi ngờ giấy tờ giả, thấy vụ việc nghiêm trọng nên đã gọi điện thoại nhờ công an đến hỗ trợ. Cán bộ công an đến nơi thì một người trong nhóm đến công chứng này đã tẩu thoát. Vậy mà vị cán bộ công an đó cầm giấy CMND (sau này kết luận là giấy giả) quăng lại bàn ngay mặt tôi, phán: “Chứng minh người ta như vầy mà dám nói giả hả? Giấy thế này mà dám nói giấy giả hả?”. Lúc đó tôi vừa buồn vừa “quê” với đương sự. Một CCV (đề nghị không nêu tên) |