Video

Thống kê
Lượt truy cập  
Online  

Chọn nơi thi hành án

Thứ tư, 18/05/2016, 08:54 GMT+7

Chọn nơi thi hành án

Nếu bị đối tác “xù nợ”, hay cố tình chây ì, không hợp tác, có lẽ, kiện ra tòa án là biện pháp hợp pháp duy nhất mà doanh nghiệp có thể tiến hành để bảo vệ quyền lợi chính đáng của họ. Tuy nhiên, trên thực tế có không ít doanh nghiệp vẫn không biết cách nào để đòi được nợ dù đã có quyết định có hiệu lực của tòa án.

Bà M.T., Giám đốc một công ty bao bì, đã kiện đối tác ra một tòa án cấp quận ở TPHCM sau khi không thể đòi được số tiền tổng cộng hơn 1,1 tỉ đồng đã đưa cho đối tác sau hai lần ký hợp đồng làm ăn.

Theo quyết định của tòa án được ban hành vào giữa tháng 1-2016, tòa án nhân dân quận đã yêu cầu công ty TNHH R.H. (vốn điều lệ 15 tỉ đồng) có trách nhiệm thanh toán cho công ty của bà M.T. số tiền nợ trên 1,1 tỉ đồng, trả dần trong bốn lần từ ngày 25-1 đến 25-4-2016. Theo đó, tòa án cũng quy định số tiền phải trả cho mỗi lần với từng mốc thời gian cụ thể. Nếu vi phạm bất kỳ thời hạn thanh toán nào, công ty R.H. phải thanh toán toàn bộ số nợ còn lại một lần. Quyết định này có hiệu lực pháp luật ngay sau khi được ban hành và không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm.

Không thiếu những “biện pháp giang hồ”

Bà Hồng, chủ cơ sở may mặc trên đường Tân Kỳ Tân Quý, quận Tân Phú, TPHCM, kể lại: Do tin tưởng một đối tác làm ăn đã nhiều năm, bà chấp nhận cho họ lấy hàng (là quần áo may sẵn) cộng dồn vài đợt rồi mới thanh toán tiền sau. Tuy nhiên, gần đây người mua hàng để dồn nợ tiền hàng đến hơn một tỉ đồng và kéo dài hơn một năm qua không trả.

Bà Hồng nhiều lần tìm đến nhà người thiếu nợ nhưng không đòi được. Bí cách, bà đành tìm đến một người quen giới thiệu cho một gã “đầu gấu” chuyên đòi nợ thuê dạt từ Hải Phòng vào TPHCM tìm đất sống.

Sau khi thỏa thuận tỷ lệ ăn chia, tay đầu gấu này cam kết sẽ sớm đòi được nợ cho bà Hồng, và không biết với chiêu trò gì mà chỉ hai ngày sau, người thiếu nợ cầm hơn một tỉ đồng trả đủ cho bà Hồng.

“Cực chẳng đã mới tính đến cách thuê người đòi nợ vì vốn liếng làm ăn của mình cũng phải vay mượn mới có. Hàng làm ra bán cho họ nhưng họ lại thiếu nợ quá dai, ù lì không chịu trả thì lấy vốn đâu mà làm ăn tiếp”, bà Hồng nói.

Một trường hợp khác, theo lời kể của một bác sĩ làm việc tại một bệnh viện ở Bình Dương, một đồng nghiệp của vị bác sĩ này do thiếu nợ vài trăm triệu đồng tiền mua thiết bị, vật tư y tế cho phòng khám của mình và chậm trả trong mấy tháng. Chủ nợ đã thuê mấy chục tay giang hồ đến phòng khám tư của bác sĩ rượt đánh khiến cả y tá lẫn bác sĩ một phen hoảng loạn. Để yên ổn làm ăn, vị bác sĩ đành phải tất tả vay mượn các nơi, từ người thân đến bạn bè để sớm trả đủ số nợ.

Văn Nam

Tuy nhiên, theo bà M.T., cho đến nay, công ty R.H. vẫn chưa thanh toán nợ. Trong khi đó, vị giám đốc của công ty R.H. lại đang điều hành những công ty khác và tiếp tục tiến hành các ký kết làm ăn.

Cho rằng doanh nghiệp bị thiệt thòi, trong khi “con nợ” vẫn tiếp tục nhởn nhơ, bà M.T. đã tìm đến cơ quan thi hành án và được cơ quan này yêu cầu cung cấp tài khoản công ty R.H. để xác minh. Trong trường hợp tài khoản này có tiền thì cơ quan thi hành án sẽ tiến hành phong tỏa, còn nếu tài khoản không có tiền thì đành chịu! Bởi lẽ, theo quy định trong Luật Doanh nghiệp 2014, đối với loại hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, chủ sở hữu công ty chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty chỉ trong phạm vi số vốn điều lệ của công ty.

Người dân không cần phải duy nhất phụ thuộc vào cơ quan thi hành án dân sự nhà nước mà được quyền lựa chọn giữa cơ quan thi hành án và văn phòng thừa phát lại.

Biết là luật đã có quy định như vậy, nhưng là người chịu thiệt dù đã mất công tìm đến cửa tòa, bà M.T. thắc mắc vốn điều lệ 15 tỉ đồng mà R.H. đăng ký dùng để làm gì trong khi không thanh toán được số tiền nợ chỉ hơn 1,1 tỉ đồng? Doanh nghiệp đóng án phí, đóng phí cho thi hành án, vậy tại sao cơ quan thi hành án không có trách nhiệm phối hợp để tìm tài sản của bên phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ? Người dân làm sao có thể biết được những thông tin này để cung cấp cho cơ quan thi hành án, và tài khoản cung cấp lại không có tiền hoặc đã bị ngưng sử dụng?

Khi được hỏi về trường hợp này, luật sư Phạm Công Út, Giám đốc Công ty Luật Phạm Nghiêm, cho biết sau khi đã có một bản án hay một quyết định có hiệu lực của tòa án thì bước tiếp theo là việc của cơ quan thi hành án hay văn phòng thừa phát lại, tức thi hành quyết định của tòa án theo thẩm quyền.

Có nghĩa là, với những trường hợp như trên (doanh nghiệp đòi nợ theo quyết định của tòa án), hiện có hai nơi thi hành án, đó là cơ quan thi hành án dân sự của Nhà nước, hoặc văn phòng thừa phát lại (văn phòng tư nhân được Nhà nước giao quyền thi hành bản án có hiệu lực của tòa án theo thẩm quyền địa hạt, tức tại địa bàn quận/huyện mà bị đơn đăng ký hoạt động kinh doanh). Do đó, người dân/doanh nghiệp có thể lựa chọn một trong hai loại hình này.

Để thi hành án, luật quy định doanh nghiệp (người được thi hành án) phải xác minh điều kiện thi hành án, cung cấp số tài khoản cũng như điều kiện thi hành án của bên phải thi hành án (người phải thi hành án). Nếu doanh nghiệp không xác minh được điều kiện thi hành án thì cơ quan thi hành án có thể từ chối thi hành quyết định của tòa. Tuy nhiên, văn phòng thừa phát lại có chức năng xác minh điều kiện thi hành án, và thi hành quyết định của tòa. Việc xác minh này sẽ được tính vào giá thành trong hợp đồng ký kết giữa doanh nghiệp (người được thi hành án) và văn phòng thừa phát lại.

Việc thi hành án không chỉ dựa trên điều kiện liệu tiền có trong tài khoản của bị đơn hay không mà còn ở những tài sản khác, chẳng hạn như trụ sở, những hoạt động kinh doanh khác mà bên phải thi hành án có tài sản. Bên thi hành án hoặc văn phòng thừa phát lại sẽ tiến hành kê biên hoặc phong tỏa tài sản sau khi ra quyết định thi hành án.

Theo luật sư Phạm Công Út, nếu bên phải thi hành án bỏ mặc công ty (đã ký kết và nợ doanh nghiệp khác) để công ty này chết yểu nhằm trốn tránh nghĩa vụ trả nợ thì cơ quan thi hành án/văn phòng thừa phát lại sẽ có cách để thi hành án. Nếu công ty này phá sản, theo quy định, họ vẫn có nghĩa vụ trả nợ.

Luật sư này cho biết thêm, hiện mô hình văn phòng thừa phát lại đang phát huy hiệu quả khá rõ. Vì sự tồn tại của họ, các văn phòng thừa phát lại khá quyết liệt trong việc thực thi bản án của tòa, giúp doanh nghiệp thu hồi nợ, khắc phục được những khiếm khuyết của tổ chức thi hành án dân sự của Nhà nước.

Luật sư Út cho biết: “Văn phòng thừa phát lại là mô hình thuộc đề án thí điểm của Chính phủ và đang được nhân rộng, tuy nhiên, nhiều người chưa biết văn phòng thừa phát lại có chức năng thi hành án một cách quyết liệt như vậy. Người dân không cần phải duy nhất phụ thuộc vào cơ quan thi hành án dân sự nhà nước mà được quyền lựa chọn giữa cơ quan thi hành án và văn phòng thừa phát lại. Việc này cũng thêm cơ hội để người dân hạn chế dùng đến những hành vi phi pháp như thuê các băng nhóm xã hội đen để đòi nợ thuê, vì như thế, người dân/doanh nghiệp từ vị trí là nạn nhân nhưng cuối cùng lại trở thành tội phạm”. 

Nguồn: http://www.thesaigontimes.vn/


Người viết : ngoctram

Giới hạn tin theo ngày :    

Go Top
dia-chi-thua-phat-lai
Tuyển dụng