Video

Thống kê
Lượt truy cập  
Online  

Chiếm lại đất vợ cũ: Dân sự hay hình sự?

Thứ sáu, 26/02/2016, 08:10 GMT+7

Chiếm lại đất vợ cũ: Dân sự hay hình sự?

Vợ cũ mua đấu giá miếng đất của chồng cũ, đã làm giấy đỏ, nay chồng cũ tái chiếm, sử dụng. Tòa án thụ lý vụ án dân sự đòi lại đất. Tuy nhiên, theo chuyên gia pháp luật thì xử lý như vậy là không đúng.

Năm 2007, anh Nguyễn Thanh N. và chị Nguyễn Thị S. ở xã An Thái Trung (Cái Bè, Tiền Giang) cưới nhau nhưng không đăng ký kết hôn. Ban đầu, cả hai chung sống hạnh phúc và sinh được một đứa con chung. Nhưng rồi sau đó cả hai thường xuyên cãi nhau, dẫn đến bất đồng trong đời sống vợ chồng.

Sau ly hôn, mua đấu giá đất của chồng cũ

Giữa năm 2009, chị S. đã nộp đơn xin ly hôn (yêu cầu không công nhận vợ chồng) với anh N. Chị yêu cầu được nuôi một con chung và buộc anh N. phải có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con mỗi tháng 300.000 đồng. Ngoài ra, chị S. cũng yêu cầu anh N. phải chia tài sản chung.

TAND huyện Cái Bè và TAND tỉnh Tiền Giang đều xử chấp nhận các yêu cầu của chị S. Theo đó, anh N. phải có nghĩa vụ thối chia lại cho chị S. gần 8,4 triệu đồng và 4,5 chỉ vàng.

Sau khi bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật, chị S. đã nộp đơn yêu cầu anh N. phải thi hành án (THA) đối với các khoản nghĩa vụ mà anh N. phải thực hiện. Mặc dù anh N. có tài sản để THA là thửa đất có diện tích 506 m2 nhưng anh N. cố tình không THA.

 
 

 

Qua xác minh, Chi cục THA dân sự huyện Cái Bè đã kê biên, bán đấu giá đối với phần đất nêu trên. Chị S. và một người khác đăng ký đấu giá tài sản, kết quả là chị S. trúng đấu giá. Sau khi mua trúng đấu giá, chị S. được cơ quan chức năng cấp giấy đỏ đối với phần đất nêu trên và cơ quan THA dân sự cũng đã tiến hành đo đạc, bàn giao thửa đất trên cho chị S.

Kiện tòa để đòi đất trúng đấu giá

Tuy nhiên, ngay sau khi cơ quan THA bàn giao đất cho chị S., cha ruột của anh N. đã nhổ bỏ các trụ ranh đất mà cơ quan THA đã cắm. Cha anh N. “giao” cho anh N. tiếp tục quản lý, canh tác, sử dụng phần đất này.

Bức xúc trước hành vi của anh N., chị S. đã nộp đơn yêu cầu các cơ quan chức năng giải quyết. Đến 7-4-2015, UBND xã An Thái Trung (huyện Cái Bè) mời các bên đến hòa giải nhưng anh N. vắng mặt nên UBND xã đã chuyển hồ sơ đến TAND huyện Cái Bè giải quyết theo thẩm quyền.

Sau đó, TAND huyện Cái Bè hướng dẫn chị S. như sau: Thửa đất có diện tích 506 m2 do chị S. đứng tên là tài sản mua bán đấu giá và đã được cơ quan THA giao theo đúng quy định. Nay anh N. chiếm lại thửa đất nêu trên thì chị S. có quyền khởi kiện vụ án dân sự đối với anh N. để yêu cầu anh N. trả lại thửa đất đã chiếm. Hoặc chị S. có quyền gửi đơn khiếu nại anh N. đến các cơ quan có thẩm quyền để xử phạt vi phạm hành chính hành vi chiếm quyền sử dụng đất của anh N.

Sau khi được tòa hướng dẫn, chị S. đã nộp đơn khiếu nại yêu cầu công an xã, công an huyện xử phạt vi phạm hành chính đối với anh N. nhưng các cơ quan này đều không xử lý. Cuối cùng, chị S. đã nộp đơn khởi kiện đến tòa án. Được biết vụ kiện này đang được TAND huyện Cái Bè thụ lý giải quyết.

 

Có dấu hiệu vi phạm hình sự

 Theo tôi, việc TAND huyện Cái Bè (Tiền Giang) hướng dẫn chị S. kiện chồng cũ đòi lại đất trong trường hợp này là không đúng. Bởi việc THA là kết quả của quá trình tố tụng liên quan đến tranh chấp tài sản của vợ chồng, đã được tòa giải quyết bằng bản án có hiệu lực pháp luật, không lý gì tòa lại thụ lý để giải quyết lại. Nói cách khác, toàn bộ quy trình tố tụng đã khép lại, luật không cho phép một nội dung tranh chấp được giải quyết hai lần.

Trong khi đó, việc chiếm giữ lại đất đã thuộc quyền sử dụng của người khác mà anh N. thực hiện là hành vi trái pháp luật, thẩm quyền giải quyết thuộc các cơ quan hành chính địa phương. Có thể xử lý hành chính anh N. về hành vi trên và nếu đủ yếu tố thì công an huyện có thể xử lý hình sự. Theo tôi, dấu hiệu rõ nhất là tội công nhiên chiếm đoạt tài sản theo Điều 137 BLHS. Bởi anh N. biết rõ đất đã thuộc quyền sử dụng của chị S. nhưng mặc nhiên đến sử dụng, canh tác mà không dùng vũ lực. Giống như việc A. để chiếc xe máy ở dưới gốc cây trong khi anh ta đang leo lên cây, sau đó B. đến lấy chiếc xe trước sự bất lực của A. Còn nếu tài sản là nhà, đất và sau khi chiếm xong N. ngang nhiên sinh sống trong ngôi nhà đó thì có thể xử lý về tội sử dụng trái phép tài sản của người khác.

Cũng cần nói thêm, trường hợp này không áp dụng tội vi phạm quy định về sử dụng đất đai (Điều 173 BLHS). Bởi điều luật này quy định: “Người nào lấn chiếm đất hoặc chuyển quyền sử dụng đất, sử dụng đất trái các quy định của Nhà nước về quản lý và sử dụng đất đai gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì...”. Ở đây N. không lấn chiếm mà là đến chiếm luôn đất của chị S.

Ông PHẠM CÔNG HÙNG, nguyên Thẩm phán TAND Tối cao

Nguồn: http://plo.vn/


Người viết : ngoctram

Giới hạn tin theo ngày :    

Go Top
dia-chi-thua-phat-lai
Tuyển dụng