Tại ấp 7, xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn (gần chợ Xuân Thới Thượng, đối diện khu dân cư Đại Hải) chúng tôi được “cò” H. dẫn đi xem một khu nhà xây trên nền đất ruộng nằm khuất sâu trong một con hẻm mới đổ đá. Tương tự như khu nhà vừa xem, "cò" H. cũng nói nếu chúng tôi đồng ý mua, sẽ ra làm hợp đồng mua bán “công chứng thừa phát lại”.
Nhiều ngôi nhà ở xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn, TP.HCM được chủ xây dựng rao bán kèm theo cam kết lập mua bán có “công chứng thừa phát lại”
Tình trạng mua bán đất thông qua hợp đồng vi bằng cũng diễn ra rầm rộ ở Q.12 và huyện Bình Chánh. Tại các xã Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh, sau một thời gian yên ắng, tình trạng xây nhà không phép trên đất nông nghiệp đã có dấu hiệu bùng phát trở lại. Ngay sát khu dân cư Đồng Danh (ấp 1, xã Vĩnh Lộc A), nhiều chủ đất rao bán nhà xây trên đất nông nghiệp với giá từ 3,5 - 5 triệu đồng/m2. Hàng trăm ngôi nhà mọc lên trên đất nông nghiệp với lối đi vào các khu nhà chỉ là những bờ ruộng. Để tạo lòng tin cho khách, một số chủ đất cam kết sẽ công chứng thừa phát lại khi mua bán.
Chúng tôi tìm đến một văn phòng công chứng thừa phát lại trên đường CMT8, Q.Tân Bình, hỏi về giá trị pháp lý của kiểu "công chứng thừa phát lại" thì một thừa phát lại tên Ph. khẳng định: văn phòng có làm dịch vụ này nhưng không phải tên gọi “công chứng thừa phát lại” mà chỉ là lập vi bằng ghi nhận trực tiếp chứng kiến việc giao nhận tiền và ghi nhận thỏa thuận của các bên, chứ không làm hợp đồng mua bán và không chịu trách nhiệm về tính pháp lý. Người này giải thích thêm: việc mua bán này dành cho những nhà chưa có đủ giấy tờ theo quy định, người mua và người bán thường làm “giấy tay” mua bán, sau đó mời người làm chứng là tổ trưởng, hoặc hàng xóm nơi nhà đất tọa lạc làm chứng. Về phí dịch vụ cho việc lập vi bằng, người thừa phát lại này đưa ra hai mức giá: ba triệu đồng/vi bằng nếu hai bên mua bán làm tại trụ sở thừa phát lại và sáu triệu đồng/vi bằng tại nơi căn nhà tọa lạc.
Theo luật sư Nguyễn Văn Cường, Đoàn Luật sư TP.HCM, việc mua bán nhà bằng hình thức trên là không hợp pháp, có thể sẽ có nhiều hệ lụy, rủi ro cho các bên tham gia giao dịch vì cơ quan thừa phát lại không có chức năng công chứng các giao dịch về bất động sản. Thẩm quyền của cơ quan thừa phát lại là chỉ lập vi bằng, ghi nhận sự kiện, hành vi được làm chứng cứ trong xét xử và trong quan hệ pháp lý khác (được quy định tại khoản 2, điều 2, Nghị định 61/2009/NĐ-CP). Cơ quan thừa phát lại lập “vi bằng”, không phải là “công chứng”, thì chỉ có ý nghĩa xác nhận có hành vi giao dịch. Hiện pháp luật về nhà ở, đất đai hiện hành chưa có quy định công nhận thẩm quyền của thừa phát lại trong hoạt động chứng nhận các hợp đồng, giao dịch về nhà đất.
(Nguồn:https://cafeland.vn/tin-tuc/canh-bao-mua-nha-dat-qua-cong-chung-thua-phat-lai-34131.html)