Cần có luật về thừa phát lại
Trước đó, Chính phủ đã kiến nghị chính thức thực hiện chế định này bởi để thừa phát lại phát triển thì rất cần có cơ chế pháp luật rõ ràng.
Dù đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật nhưng đến nay thừa phát lại (TPL) cũng gặp không ít trở ngại do vẫn đang hoạt động theo mô hình thí điểm, chỉ dựa vào các văn bản dưới luật. Ban đầu là Nghị quyết số 24/2008 của Quốc hội và Nghị định số 61/2009 của Chính phủ (về thực hiện thí điểm TPL tại TP.HCM). Sau khi Chính phủ báo cáo về thành công bước đầu, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 36/2012 về việc tiếp tục thực hiện thí điểm TPL ở TP.HCM và 12 tỉnh, thành khác. Sau đó, Nghị định 61 được Chính phủ sửa đổi, bổ sung thành Nghị định số 135/2013 (quy định cụ thể về trình tự, thủ tục, phạm vi thực hiện công việc TPL).
Cái khó bó cái khôn
Ngoài các văn bản trên thì chưa có văn bản nào có giá trị pháp lý cao hơn để TPL hoạt động ổn định, mạnh mẽ. Đây cũng là một nguyên nhân khiến hiệu quả các công việc của TPL bị ảnh hưởng và hình ảnh của các văn phòng TPL chưa xứng tầm với chức năng, nhiệm vụ.
Ông Nguyễn Đức Thịnh (Trưởng Văn phòng TPL quận Gò Vấp, TP.HCM) cho biết: “Cơ sở pháp lý chưa ngang bằng đang làm các TPL bị lép vế hơn so với chấp hành viên dù họ đều thực hiện chức năng về thi hành án dân sự (THA). Cái khó bó cái khôn vì TPL chúng tôi không có được vị thế tốt để phát huy nghề nghiệp. Nghề TPL chưa được xã hội coi trọng do vị thế pháp lý chưa xứng tầm với tính chất công việc”.
Ông Thịnh dẫn chứng: Đã có trường hợp TPL ở văn phòng ông lập vi bằng một vụ đòi nhà thì bị công an phường và cảnh sát 113 mời về trụ sở làm việc, bắt viết tường trình. Dù TPL này đã trưng ra thẻ hành nghề, có giải thích rõ về công việc của mình nhưng vẫn bị công an phường câu lưu cả nửa ngày và chỉ cho về sau khi đã viết tường trình.
TPL Trịnh Văn Tốt, Văn phòng TPL quận Thủ Đức (ngoài cùng bên trái), đang ghi nhận cuộc họp tại gia đình một khách hàng. Ảnh: T.TÙNG
Vụ khác, một thư ký nghiệp vụ của văn phòng ông đi niêm yết văn bản tống đạt không thành thì bị cảnh sát khu vực từ chối vì nghi ngờ tư cách hành nghề. Lúc đầu cảnh sát khu vực yêu cầu thư ký nghiệp vụ xuất trình giấy giới thiệu, chứng minh nhân dân, bảng tên công tác. Chưa hết, cảnh sát khu vực còn yêu cầu phải có thêm giấy của tòa án quận giới thiệu đi tống đạt vì nghi ngờ người của văn phòng TPL không có chức năng chuyển giao văn bản của tòa. Tất nhiên người của văn phòng TPL không có loại giấy này vì hợp đồng tống đạt giữa TPL và tòa là hợp đồng chung chứ không theo từng vụ việc cụ thể. Cuối cùng, vị cảnh sát khu vực chốt lại: “Anh không có đủ giấy thì tôi sẽ không đi chung với anh, tôi bận lắm…”.
Ông Phạm Quang Giang (Trưởng Văn phòng TPL quận 5, TP.HCM) kể: “Nhiều lần khi thư ký nghiệp vụ văn phòng ông đến ủy ban phường xin đóng dấu các loại văn bản để thực hiện việc niêm yết công khai thì đều gặp khó với lý do phường không biết nhiều về chế định TPL”. Có cán bộ phường còn cắc cớ hỏi: “Luật THA dân sự không quy định, vậy TPL hoạt động theo luật nào?”. Có lần đích thân ông Giang đến phường thì cán bộ phường cho biết sẵn sàng giúp đỡ thư ký tòa hoặc cán bộ cơ quan THA, còn TPL do chưa được công nhận chính thức nên phường ít được tập huấn, nhắc nhở và bản thân cán bộ phường cũng nghĩ không có nghĩa vụ phải hỗ trợ TPL.
Cần vị thế xứng đáng hơn
Nhiều TPL ở TP.HCM khi tiếp xúc với chúng tôi đều cho rằng các quy định dưới luật hiện nay chưa đủ sức nặng để nâng cao vị thế của các văn phòng TPL với tư cách là tổ chức bổ trợ tư pháp. Do đó, ngoài việc chính thức thực hiện thì cần có luật về TPL để tạo cơ sở pháp lý đủ tầm cho TPL hoạt động. Luật này cũng cần trao quyền lớn hơn cho TPL.
Chẳng hạn khi xác minh điều kiện THA, hiện có rất ít quy định mang tính bắt buộc trong việc hỗ trợ TPL hành nghề nên các văn phòng TPL gặp khó vì sự thiếu hợp tác hoặc hỗ trợ nửa vời từ cơ quan nhà nước. Bà Đỗ Thị Thúy Hảo (Trưởng Văn phòng TPL quận Tân Bình, TP.HCM) dẫn chứng: “Văn phòng bà gửi yêu cầu xác minh đến văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất các quận, huyện thì rất chậm được trả lời. Thậm chí có vụ thay vì cung cấp thông tin thì văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất lại yêu cầu văn phòng bà cung cấp thông tin ngược lại. Ví dụ, cơ quan này đòi văn phòng TPL cung cấp số giấy chứng nhận, số thửa, tờ bản đồ thì mới cung cấp thông tin về chủ sở hữu lô đất, trong khi những yêu cầu đó cũng là thông tin mà văn phòng TPL cần xác minh và mong muốn hỏi.
“Chưa có quy định về biện pháp chế tài nếu cơ quan nhà nước cố tình không hợp tác với TPL. Đây là một kẽ hở mà pháp luật cần phải bổ sung” - bà Hảo đề xuất.
Ông Phạm Quang Giang cho rằng nên để TPL tự chịu trách nhiệm về nội dung vi bằng do mình đã lập nhằm tăng trách nhiệm, hình ảnh và tính chủ động của TPL. Muốn vậy thì nên bỏ thủ tục đăng ký với các sở Tư pháp về nội dung vi bằng như hiện nay, chỉ cần quy định đăng ký về hình thức và số lượng. Bởi lẽ vi bằng không phải là hợp đồng (không mang tính nội dung) mà chỉ là một văn bản ghi nhận sự kiện, hành vi có thực. Việc xem xét nội dung vi bằng là việc của tòa nếu tòa dùng vi bằng đó làm chứng cứ trong xét xử…
Thực hiện chính thức thay cho thí điểm
Trong báo cáo tổng kết việc thực hiện thí điểm chế định TPL hồi giữa năm 2015, UBND TP.HCM đã liệt kê ra sáu khó khăn, vướng mắc, bất cập: Hạn chế trong nhận thức của người dân; hiệu quả của công tác thông tin tuyên truyền chưa cao do khách hàng còn băn khoăn về quyền lợi của mình khi hết thí điểm; chưa có hành lang pháp lý ổn định; nhân sự chưa được đào tạo cơ bản; chưa có cơ chế ưu đãi cụ thể để thu hút cá nhân tham gia TPL; chưa quy định về trách nhiệm bồi thường và xử phạt các vi phạm hành chính của TPL.
Nguyên nhân xuất phát từ chính tính chất thí điểm của chế định TPL đã dẫn đến việc thể chế chưa đồng bộ, chưa đủ hiệu lực để TPL hoạt động hiệu quả như được kỳ vọng (nhất là trong tổ chức THA và xác minh điều kiện THA). Cạnh đó, tính chất thí điểm của TPL cũng gây không ít tâm lý e ngại từ người dân và xã hội. Các khó khăn, vướng mắc sẽ khó có thể khắc phục một khi vẫn thực hiện chế định TPL với tư cách thí điểm.
|
Nguồn: PLO