Video

Thống kê
Lượt truy cập  
Online  

Bồi thường nhà nước, không thể lạm dụng thương lượng

Thứ sáu, 24/06/2016, 10:43 GMT+7

Bồi thường nhà nước, không thể lạm dụng thương lượng

(PL)- Tại buổi góp ý dự thảo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi) do Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức, nhiều ý kiến cho rằng nên quy định về trách nhiệm chủ động bồi thường, xin lỗi người bị thiệt hại của cơ quan nhà nước liên quan...

“Trước pháp luật, Nhà nước và người dân phải bình đẳng. Cán bộ nhà nước gây thiệt hại cho dân thì cơ quan có trách nhiệm giải quyết hậu quả phải chủ động bồi thường, không thể lạm dụng thương lượng mà kéo dài quá trình bồi thường cho dân”. Những ý kiến này là do các thành viên Hội đồng Tư vấn dân chủ và pháp luật (Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam) đưa ra trong buổi góp ý dự thảo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi) ngày 23-6.

Đừng để niềm tin cạn kiệt

Nguyên Chánh Tòa Lao động, TAND Tối cao Nguyễn Đắc Thắng lấy vụ án oan của ông Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang làm ví dụ và nói: Khi giải quyết bồi thường thiệt hại cho ông Chấn, các cơ quan cứ đổ qua đổ lại, giải quyết thì “lúng ta lúng túng”. “Người ta đi tù cả chục năm, khi về thì đã tiều tụy, kiệt quệ về sức khỏe, tinh thần nhưng quá trình đòi bồi thường lại rất gian nan” - ông Thắng nhận xét.

Đồng tình, TS Lưu Bình Nhưỡng (Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương) nói: “Nhiều khi nhận được bồi thường thì người dân đã cạn kiệt về cả niềm tin. Có vụ việc liên quan đến một giáo viên ở Thái Bình bị kết tội buôn bán ma túy. Mặc dù được xác định oan nhưng vẫn bị các thủ tục hành chính hành lên hành xuống. Có những vụ thiệt hại rất lớn, lên tới 46 tỉ đồng như vụ Lương Học Phi nhưng cuối cùng người bị oan đành chấp nhận mức bồi thường 23 tỉ đồng”.

Bồi thường nhà nước, không thể lạm dụng thương lượng
Dù đã được công khai xin lỗi nhưng đến nay việc giải quyết bồi thường thiệt hại cho ông Huỳnh Văn Nén vẫn chưa xong. Ảnh: Phương Nam

Theo TS Nhưỡng, việc bồi thường phải làm sao để cho người dân thấy cơ quan nhà nước thật sự cầu thị. “Nếu để người dân đã bị oan mà còn phải bỏ thời gian, tiền bạc để đi đòi bồi thường thì dân làm sao còn niềm tin?” - ông Nhưỡng nói.

GS Thái Vĩnh Thắng (Trường ĐH Luật Hà Nội) cũng dẫn chứng vụ án oan của ông Huỳnh Văn Nén ở Bình Thuận, dù đã được công khai xin lỗi nhưng đến nay việc giải quyết bồi thường thiệt hại vẫn chưa xong. “Ông Nén khổ, gia đình ông ấy cũng khổ. Cán bộ làm sai thì Nhà nước phải chủ động giải quyết hậu quả đi chứ. Sao cứ bắt người bị oan phải có văn bản yêu cầu bồi thường, yêu cầu xin lỗi thì mới thực hiện? Các văn bản này tạo ra bất bình đẳng giữa Nhà nước và người dân” - GS Thắng nhận xét.

Không lạm dụng thương lượng

GS Lê Hồng Hạnh (Viện Nghiên cứu Pháp luật và Kinh tế ASEAN) kể có cô giáo bị oan, khi được minh oan thì không được nhận về dạy lại tại trường cũ. Hoặc một giám đốc xí nghiệp bị xử tù oan năm năm, thụ án được một năm thì được minh oan. Khi về, chức giám đốc đã mất, lời xin lỗi cũng không có. Từ đó GS Hạnh nhận xét Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước hiện hành chủ yếu nhấn mạnh việc bồi thường vật chất, còn bồi thường tổn hại phi vật chất, khôi phục các quyền lợi hợp pháp, công việc, chức vụ… cho người bị thiệt hại thì chưa chú trọng.

Theo luật sư Nguyễn Văn Chiến (Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam): “Thời gian qua, việc thương lượng giải quyết bồi thường với người bị oan, bị thiệt hại cứ tạo ra cảm giác cơ quan chức năng liên quan cò kè bớt một thêm hai với dân. Dân đã thiệt hại rõ ràng rồi mà cứ thương lượng để giảm bớt các khoản bồi thường. Dân đeo đuổi hết nổi nên phải chấp nhận mức do cơ quan nhà nước đưa ra”.

Từ đó, luật sư Chiến góp ý việc bồi thường nhà nước cần tuân thủ nguyên tắc thiệt hại đến đâu, bồi thường đến đó. Thương lượng, nếu có, phải mang tính chất nhân văn, tức thương lượng để thúc đẩy quá trình bồi thường nhanh hơn và có lợi cho dân nhất chứ không phải nhằm giảm bớt nghĩa vụ bồi thường.

Đồng tình, GS Trần Ngọc Đường (Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn dân chủ và pháp luật) nói: “Cơ quan nhà nước không nên cò kè với người dân trong bồi thường. Như thế là không công bằng”. Cạnh đó, GS Đường cho rằng dự luật mới chỉ tính đến thiệt hại tinh thần trong lĩnh vực tố tụng hình sự, trong khi những lĩnh vực khác như hành chính, lao động… người dân cũng bị tổn thương. Vì vậy, cần phải tính toán lại việc bồi thường tổn thất tinh thần và phải nghiêng về phía người bị thiệt hại. Mặt khác, thủ tục bồi thường cũng phải đơn giản, nhẹ nhàng hơn.

Chỉ cần ra bản án trái luật là phải bồi thường

Theo ông Trần Việt Hưng (Phó Cục trưởng Cục Bồi thường nhà nước, Bộ Tư pháp), dự thảo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi) lần này có nhiều điểm mới.

Chẳng hạn, dự thảo bỏ từ “cố ý” ra khỏi hành vi “cố ý ra bản án trái pháp luật” của thẩm phán, tức chỉ cần ra bản án trái luật là đã phải bồi thường. Dự thảo cũng quy định ba cơ quan liên quan về bồi thường, bao gồm cơ quan quản lý nhà nước về bồi thường (do Chính phủ quản lý); cơ quan giải quyết bồi thường và cơ quan gây thiệt hại.

Đặc biệt theo dự thảo, trong thủ tục bồi thường không nhất thiết bắt người bị thiệt hại phải cung cấp đầy đủ chứng cứ, chứng từ. Các bước thực hiện bồi thường đều phải có báo cáo, bao gồm cả báo cáo về thương lượng, đồng thời quy rõ trách nhiệm với người đứng đầu. Với những thiệt hại cụ thể, có thể xác minh ngay thì sẽ được giải quyết bồi thường ngay. Thời hạn bồi thường cũng được rút ngắn xuống tối thiểu là 63 ngày, tối đa 68 ngày (so với trước đây tối thiểu là 95 ngày, tối đa 120 ngày).

Ông Hưng đánh giá với những quy định này thì có thể tránh được trường hợp phải chờ đợi bồi thường lâu và có tác dụng giảm bức xúc xã hội.

 

(Nguồn: http://plo.vn/phap-luat/boi-thuong-nha-nuoc-khong-the-lam-dung-thuong-luong-636513.html)


Người viết : letramy

Giới hạn tin theo ngày :    

Go Top
dia-chi-thua-phat-lai
Tuyển dụng