Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường chụp hình lưu niệm với các Trưởng Văn phòng Thừa phát lại
(VPTPL Thủ Đức) Đến thăm và làm việc tại Văn phòng Thừa phát lại Quận Bình Thạnh, Bộ trưởng Hà Hùng Cường đã động viên các Trưởng Văn phòng Thừa phát lại:
“Vì sao các văn phòng TPL ở ta chưa làm được? Phải làm rõ những trở ngại. Trên cơ sở đó, Bộ Tư pháp sẽ đề xuất biện pháp xử lý để xã hội hóa hoạt động THA thành công, tiến tới xây dựng Luật TPL trình Quốc hội vào năm 2016”
Ngày 16-9, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường đã làm việc với các văn phòng thừa phát lại (TPL) tại TP.HCM để khảo sát những vấn đề thực tiễn phát sinh và lắng nghe những khó khăn, vướng mắc, bàn giải pháp tháo gỡ, nhất là trong việc thi hành án (THA) của lực lượng này.
Động viên các văn phòng TPL đã năng động, mạnh dạn thực hiện thí điểm đạt kết quả tích cực, tuy nhiên Bộ trưởng Hà Hùng Cường cũng bày tỏ sự chưa hài lòng về kết quả số lượng vụ việc THA thành công của TPL còn quá ít ỏi.
“TPL làm tốt nghiệp vụ tống đạt văn bản tư pháp, lập vi bằng, xác minh điều kiện THA là chưa đủ. Mục tiêu chính của thí điểm TPL là xã hội hóa hoạt động THA nhưng bốn năm rồi mà kết quả ít thế này thì không đạt kỳ vọng” - Bộ trưởng Cường nói. Theo ông Cường, ở các nước trên thế giới mô hình TPL đã phổ biến từ lâu và nghiệp vụ THA rất hiệu quả, chiếm phần lớn số vụ việc thi hành so với cơ quan THA dân sự của Chính phủ. “Vì sao các văn phòng TPL ở ta chưa làm được? Phải làm rõ những trở ngại. Trên cơ sở đó, Bộ Tư pháp sẽ đề xuất biện pháp xử lý để xã hội hóa hoạt động THA thành công, tiến tới xây dựng Luật TPL trình Quốc hội vào năm 2016” - ông Cường cho hay.
Tại buổi làm việc này một số TPL đã “tố” với bộ trưởng chuyện bị làm khó khi đi xác minh tài sản, tổ chức THA nên dẫn tới người dân chưa tin cậy. Bộ trưởng truy hỏi: “Trước TPL than phiền các ngân hàng không cung cấp thông tin tài khoản (TK) nên không xác minh được tài sản của người có nghĩa vụ, không THA được. Nay đã có Thông tư liên tịch số 03/2014 giữa Bộ Tư pháp và Ngân hàng Nhà nước về cung cấp thông tin số dư TK, tiền gửi, tài sản gửi của khách hàng có nghĩa vụ THA, đã tháo gỡ rồi thì còn gì khó khăn?”.
Thế là có TPL lập tức “tố” thêm chuyện ngân hàng tiếp tay giúp khách hàng trốn tránh nghĩa vụ THA. Khi TPL gửi yêu cầu xác minh TK của bên có nghĩa vụ THA, họ đã dò nguồn riêng biết được TK đang có số dư hơn 19 tỉ đồng. Nhưng vài ngày sau thì ngân hàng ra công văn trả lời TK không có tiền mà TPL cũng đành chịu vì không có quyền phong tỏa TK nên đương sự hay tin liền rút sạch tiền và vào thời điểm ngân hàng trả lời thì TK trống rỗng.
Trước thực tế đó, Bộ trưởng Cường nói: “Vậy là thông tư làm chưa tới, nếu chỉ dừng lại ở mức gỡ khó trong việc xác minh TK mà không có quyền phong tỏa TK để đảm bảo điều kiện THA thì chưa đạt hiệu quả. Vậy làm sao TPL tổ chức THA được. Bộ Tư pháp sẽ xem xét, kiến nghị vấn đề này”.
Dự kiến ngày 20-9, Ban chỉ đạo Trung ương sẽ sơ kết trực tuyến với 13 tỉnh, TP triển khai mô hình TPL để đánh giá kết quả thí điểm hoạt động và kiến nghị Chính phủ ban hành quy định giải quyết những bất cập tồn đọng, đẩy mạnh hoạt động tổ chức THA của TPL.
(Theo Bình Minh - Pháp luật TP.HCM)