Video

Thống kê
Lượt truy cập  
Online  

Báo cáo về tổ chức thi hành Nghị quyết 107 của Quốc hội về thực hiện chế định Thừa phát lại

Thứ bảy, 09/01/2016, 08:49 GMT+7

Báo cáo về tổ chức thi hành Nghị quyết 107 của Quốc hội về thực hiện chế định Thừa phát lại

Ngày 08/01/2016, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2016 theo hình thức trực tuyến tại 64 điểm cầu (điểm cầu Trung ương và điểm cầu tại 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương). Hội nghị đã giải quyết nhiều vấn đề quan trọng, trong đó, vấn đề về tổ chức thi hành Nghị quyết 107 của Quốc hội về thực hiện chế định Thừa phát lại là một trong những nội dung rất được quan tâm.

Văn phòng xin giới thiệu toàn văn Báo cáo về tổ chức thi hành Nghị quyết 107 của Quốc hội về thực hiện chế định Thừa phát lại để bạn đọc tham khảo!

BỘ TƯ PHÁP

 

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

                Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

BÁO CÁO CHUYÊN ĐỀ

Một số vấn đề về tổ chức thi hành Nghị quyết của Quốc hội

về thực hiện chế định Thừa phát lại

(Tài liệu phục vụ Hội nghị trực tuyến triển khai công tác tư pháp năm 2016 và định hướng nhiệm kỳ 2016-2020)

 

Chế định Thừa phát lại đã từng tồn tại ở Việt Nam thời kỳ trước năm 1950 và tiếp tục ở Miền Nam cho đến năm 1975, với nhiệm vụ chủ yếu là hỗ trợ hoạt động tố tụng và thi hành án dân sự. Qua kết quả nhiều năm nghiên cứu, chế định này đã được xác định là một trong những nội dung cần được thí điểm nhằm tạo cơ sở lý luận và thực tiễn cho việc hoàn thiện thể chế về tố tụng và thi hành án dân sự. Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/06/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 đã xác định: “Nghiên cứu chế định Thừa phát lại (thừa hành viên); trước mắt có thể tổ chức thí điểm tại một số địa phương, sau vài năm, trên cơ sở tổng kết, đánh giá thực tiễn sẽ có bước đi tiếp theo”.

Thực hiện chủ trương trên, ngày 14/11/2008, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 24/2008/QH12 về thi hành Luật Thi hành án dân sự (sau đây gọi là Nghị quyết số 24/2008/QH12), trong đó giao cho Chính phủ quy định và tổ chức thực hiện thí điểm Thừa phát lại. Từ năm 2010, chế định này được thí điểm tại thành phố Hồ Chí Minh. Việc thực hiện thí điểm bước đầu đã thu được kết quả khích lệ, được Quốc hội, Chính phủ đánh giá tốt, được người dân, xã hội đón nhận tích cực. Trên cơ sở kết quả thực hiện thí điểm tại thành phố Hồ Chí Minh và kết quả tổng kết, đề nghị của Chính phủ, ngày 23/11/2012 Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 36/2012/QH13 về việc tiếp tục thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại (sau đây gọi là Nghị quyết số 36/2012/QH13), trong đó đã giao Chính phủ tiếp tục tổ chức thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại tại một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo Nghị quyết số 24/2008/QH12 đến hết ngày 31/12/2015 và tiến hành tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện thí điểm, báo cáo để Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp cuối năm 2015.

I. KẾT QUẢ THÍ ĐIỂM CHẾ ĐỊNH THỪA PHÁT LẠI

Thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, chế định Thừa phát lại đã được thí điểm tại 13 địa phương với 53 Văn phòng Thừa phát lại được thành lập, có 134 Thừa phát lại, 295 Thư ký nghiệp vụ đang hành nghề tại các Văn phòng. Về hoạt động, tính đến ngày 30/9/2015, các Văn phòng Thừa phát lại đã tống đạt được gần 940 ngàn văn bản của Tòa án và cơ quan thi hành án dân sự, lập gần 43 ngàn vi bằng, xác minh điều kiện thi hành án 885 việc, trực tiếp tổ chức thi hành án 378 vụ việc, đạt tổng doanh thu là gần 136 tỷ đồng.

Trên cơ sở Báo cáo tổng kết của các bộ, ngành, địa phương liên quan, ngày 19/10/2015, Chính phủ đã có Báo cáo số 538/BC-CP về tổng kết việc tiếp tục thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại theo Nghị quyết số 36/2012/QH13 của Quốc hội. Báo cáo tổng kết của các bộ, ngành, địa phương liên quan và Báo cáo tổng kết của Chính phủ đã đánh giá một cách đầy đủ về hiệu quả, tác động của chế định Thừa phát lại đối với kinh tế - xã hội nói chung và hoạt động của công tác tư pháp nói riêng. Trong đó: Hoạt động tống đạt của Thừa phát lại đã giúp giảm tải công việc, từ đó góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xét xử và thi hành án. Hoạt động lập vi bằng của Thừa phát lại đã tạo thêm một công cụ pháp lý để người dân tự bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình khi tham gia các giao dịch dân sự, kinh tế và trong quá trình tố tụng. Đồng thời, vi bằng do Thừa phát lại lập cũng góp phần bổ sung nguồn chứng cứ, giúp các bên đương sự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, hạn chế tranh chấp giữa các bên liên quan, tạo cơ sở để cơ quan tài phán xem xét, giải quyết vụ việc một cách khách quan, đúng pháp luật. Hoạt động xác minh điều kiện thi hành án của Thừa phát lại đã giúp người dân có thêm công cụ hỗ trợ tích cực để bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của mình trong quá trình tổ chức thi hành án, góp phần nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự. Trong thời gian chưa thay thế các cơ quan thi hành án dân sự thì đây là hoạt động bổ trợ tích cực cho hoạt động của cơ quan thi hành án dân sự. Hoạt động trực tiếp tổ chức thi hành án của Thừa phát lại đã tạo điều kiện để người dân có thêm sự lựa chọn phù hợp với mong muốn, niềm tin của mình khi yêu cầu thi hành án dân sự; góp phần giảm tải cho cơ quan thi hành án dân sự, từ đó nâng cao hiệu quả, chất lượng của hoạt động này.

Có thể nói, hoạt động của Thừa phát lại đã góp phần bảo đảm tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức trong đời sống dân sự, trong quan hệ với cơ quan nhà nước và trong các hoạt động tố tụng; góp phần tạo môi trường pháp lý lành mạnh, đảm bảo các giao dịch dân sự, kinh tế đúng pháp luật, từ đó góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Đối với hoạt động tư pháp, việc thí điểm chế định Thừa phát lại không những không cản trở mà còn hỗ trợ, giúp cho hoạt động tư pháp đúng pháp luật, hiệu quả hơn. Đồng thời, nâng cao ý thức, trách nhiệm, sự đóng góp của người dân, xã hội đối với hoạt động bổ trợ tư pháp, giảm tải công việc cho các cơ quan nhà nước, bớt gánh nặng cho ngân sách. Quá trình thực hiện thí điểm Thừa phát lại đã cung cấp nhiều dữ kiện, căn cứ mang tính khoa học và thực tiễn có giá trị để làm sáng tỏ nhiều vấn đề trong việc xã hội hóa hoạt động bổ trợ tư pháp, nhất là trong lĩnh vực thi hành án dân sự, góp phần thực hiện tốt chủ trương của Đảng về xã hội hóa hoạt động bổ trợ tư pháp đã được đề ra tại Nghị quyết số 49-NQ/TW, tiến tới góp phần thực hiện thành công chủ trương về tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức theo Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị.

II. NỘI DUNG NGHỊ QUYẾT CỦA QUỐC HỘI VỀ THỰC HIỆN CHÍNH THỨC CHẾ ĐỊNH THỪA PHÁT LẠI

Từ kết quả triển khai thực hiện thí điểm trong thời gian qua, Chính phủ đã tổ chức tổng kết và xây dựng Báo cáo số 538/BC-CP ngày 19/10/2015 về tổng kết việc triển khai tiếp tục thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại theo Nghị quyết số 36/2012/QH13 ngày 23/11/2012 của Quốc hội, trong đó kiến nghị Quốc hội cho phép Thừa phát lại được hoạt động chính thức theo quy định hiện hành của Chính phủ cho đến khi Quốc hội ban hành Luật Thừa phát lại. Do đó, Chính phủ đã xây dựng Tờ trình số 584/TTr-CP ngày 27/10/2015 về dự thảo Nghị quyết để trình Quốc hội xem xét, quyết định. Ngày 26/11/2015 Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 107/2015/QH13 về việc thực hiện chế định Thừa phát lại, Nghị quyết sẽ có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2016. Nghị quyết đã ghi nhận kết quả đạt được trong việc thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại theo Nghị quyết số 24/2008/QH12 và Nghị quyết số 36/2012/QH13 của Quốc hội; chấm dứt việc thí điểm và cho thực hiện chế định Thừa phát lại trong phạm vi cả nước, kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2016; giao Chính phủ căn cứ tình hình thực tế ở địa phương, tổ chức thực hiện chế định Thừa phát lại trong phạm vi hành nghề theo quy định hiện hành, có sự sửa đổi, bổ sung cần thiết để khắc phục những tồn tại, hạn chế trong hoạt động Thừa phát lại và chịu trách nhiệm tổ chức đào tạo nghề Thừa phát lại. Các tổ chức Thừa phát lại được thành lập theo Nghị quyết số 24/2008/QH12 và Nghị quyết số 36/2012/QH13 của Quốc hội tiếp tục hoạt động theo quy định của Nghị quyết này cho đến khi Quốc hội ban hành Luật Thừa phát lại.

Việc thực hiện chính thức chế định Thừa phát lại ở nước ta theo Nghị quyết số 107/2015/QH13 là cần thiết, phù hợp với cơ chế kinh tế thị trường, thực tiễn và chủ trương cải cách tư pháp, cải cách hành chính theo tinh thần Nghị quyết số 49-NQ/TW và Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị, cũng như phù hợp với xu thế chung của các nước có truyền thống luật thành văn như nước ta. Nghị quyết đã chính thức cho ra đời một nghề mới trong thị trường dịch vụ pháp lý, tạo thêm một công cụ pháp lý để người dân tự bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình khi tham gia các giao dịch dân sự, kinh tế và trong quá trình tố tụng. Nghị quyết cho thực hiện chính thức chế định này đã khắc phục một số tồn tại, hạn chế mà trước đây trong giai đoạn thí điểm gặp phải; góp phần thực hiện tốt hơn chế định này. Các Thừa phát lại đang hành nghề hoặc đã được bổ nhiệm nhưng chưa hành nghề đều rất vui mừng về quyết định của Quốc hội.

III. MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ TRIỂN KHAI NGHỊ QUYẾT CỦA QUỐC HỘI VỀ THỰC HIỆN CHÍNH THỨC CHẾ ĐỊNH THỪA PHÁT LẠI

Việc thực hiện chế định Thừa phát lại có ý nghĩa quan trọng, góp phần thực hiện tốt chủ trương về xã hội hóa hoạt động bổ trợ tư pháp đã được đề ra tại Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020. Trên cơ sở đó, tạo tiền đề giảm tải công việc, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Tòa án, Cơ quan quan thi hành án dân sự, góp phần thực hiện thành công Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Mặt khác, với chức năng lập vi bằng của Thừa phát lại, việc thực hiện chế định này đã bổ sung nguồn chứng cứ, tạo thêm công cụ pháp lý để người dân bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình khi tham gia các giao dịch dân sự, kinh tế và trong giải quyết tranh chấp; đồng thời, người dân cũng có thêm sự lựa chọn phù hợp trong việc yêu cầu thi hành bản án, quyết định của Tòa án.

Việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 107/2015/QH13 liên quan đến nhiều lĩnh vực, nhiệm vụ của Bộ, ngành và địa phương, trong đó cần có sự phối hợp chặt chẽ với Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao. Vì vậy, để triển khai thực hiện Nghị quyết số 107/2015/QH13 kịp thời, đầy đủ, thống nhất và hiệu quả, Bộ Tư pháp đã chủ trì phối hợp với Bộ, ngành liên quan xây dựng Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 107/2015/QH13, bao gồm các nhiệm vụ chính sau:

1. Sửa đổi, bổ sung các văn bản hiện hành về Thừa phát lại

a) Xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật sửa đổi, bổ sung quy định hiện hành về Thừa phát lại

Nghị quyết đã giao Chính phủ căn cứ tình hình thực tế ở địa phương, tổ chức thực hiện chế định Thừa phát lại trong phạm vi hành nghề theo quy định hiện hành, có sự sửa đổi, bổ sung cần thiết để khắc phục những tồn tại, hạn chế trong hoạt động Thừa phát lại. Vì vậy, để đảm bảo cơ sở pháp lý cho tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong thời gian thí điểm, dự thảo Kế hoạch xác định một trong những nhiệm vụ rất quan trọng là sửa đổi, bổ sung các quy định hiện hành về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại, cụ thể: Nghị định số 61/2009/NĐ-CP ngày 24/7/2009, Nghị định số 135/2013/NĐ-CP ngày 18/10/2013 của Chính phủ và các Thông tư hướng dẫn hiện hành.

b) Xây dựng quy chế phối hợp giữa các Bộ, ngành, cơ quan liên quan trong triển khai thực hiện Nghị quyết số 107/2015/QH13 của Quốc hội

Quá trình thí điểm chế định Thừa phát lại cho thấy, để triển khai thực hiện thành công các Nghị quyết của Quốc hội về vấn đề này, công tác phối hợp giữa Bộ Tư pháp với Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và một số Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh có ý nghĩa hết sức quan trọng. Nội dung Kế hoạch triển khai Nghị quyết số 107/2015/QH13 cũng có nhiều nội dung liên quan đến công tác phối hợp của các Bộ, ngành, địa phương. Do vậy, nhiệm vụ xây dựng quy chế phối hợp giữa các Bộ, ngành, cơ quan liên quan trong triển khai thực hiện Nghị quyết số 107/2015/QH13 của Quốc hội cần thiết, nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác này thời gian qua.

2. Tổ chức đào tạo nghề Thừa phát lại

Trong thời gian thí điểm, do không có đủ thời gian, điều kiện đào tạo nghề Thừa phát lại một cách bài bản. Trong khi đó, công việc mà Thừa phát lại thực hiện trực tiếp hoặc gián tiếp đều liên quan đến hoạt động tố tụng, thủ tục đòi hỏi phải chặt chẽ và trong một số trường hợp phải sử dụng biện pháp cưỡng chế. Nghị quyết đã quy định Chính phủ chịu trách nhiệm tổ chức đào tạo nghề Thừa phát lại. Để triển khai hiệu quả Nghị quyết số 107/2015/QH13, dự thảo Kế hoạch xác định Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng chương trình, nội dung đào tạo trong Quý I năm 2016 và tổ chức đào tạo nghề Thừa phát lại bắt đầu từ Quý II năm 2016.

3. Tổ chức quán triệt, triển khai, tập huấn về Nghị quyết số 107/2015/QH13 và các văn bản liên quan; tuyên truyền, phổ biến về chế định Thừa phát lại

Thừa phát lại là chế định mới, việc triển khai thực hiện là rất khó khăn. Vì vậy, để thực hiện tốt Nghị quyết số 107/2015/QH13, phát huy những kết quả đạt được và hạn chế những tồn tại, yếu kém của công tác này trong thời gian thí điểm, cần tổ chức quán triệt, triển khai, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, Kế hoạch của Thủ tướng Chính phủ và đặc biệt là tập huấn các quy định sửa đổi, bổ sung về vấn đề này. Bên cạnh đó, do Thừa phát lại là chế định mới nên công tác thông tin, tuyên truyền để người dân, doanh nghiệp, chính quyền các cấp và tổ chức có liên quan biết đến, hiểu, đồng thuận và ủng hộ là hết sức quan trọng, có ý nghĩa quyết định thành công của việc triển khai Nghị quyết số 107/2015/QH13. Vì vậy, dự thảo Kế hoạch xác định các nội dung: (i) Tổ chức quán triệt và triển khai Nghị quyết số 107/2015/QH13; (ii) Tổ chức tập huấn nội dung Nghị quyết số 107/2015/QH13 và các văn bản có liên quan cho các cơ quan có trách nhiệm triển khai thực hiện; (iii) Tuyên truyền, phổ biến về chế định Thừa phát lại.

4. Triển khai thực hiện chế định Thừa phát lại ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Nghị quyết của Quốc hội giao Chính phủ căn cứ tình hình thực tế ở địa phương, tổ chức thực hiện chế định Thừa phát lại trong phạm vi hành nghề theo quy định hiện hành. Để thực hiện tốt nội dung trên, dự thảo Kế hoạch triển khai xác định: (i) Đối với các địa phương đang thí điểm tiếp tục triển khai Đề án thực hiện chế định Thừa phát lại đã được Bộ Tư pháp phê duyệt; (ii) Tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chưa thực hiện thí điểm xây dựng Đề án thực hiện chế định Thừa phát lại tại địa phương mình trình Bộ Tư pháp phê duyệt Đề án sau khi thống nhất ý kiến với Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.

5. Tổ chức kiểm tra, thanh tra, giám sát, nhằm kịp thời xử lý, chấn chỉnh, khắc phục những vi phạm trong tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại

Thừa phát lại là một chức danh mới, công việc mà Thừa phát lại thực hiện trực tiếp hoặc gián tiếp đều liên quan đến hoạt động tố tụng, đòi hỏi phải chặt chẽ, có yêu cầu cao về chuyên môn nghiệp vụ. Vì vậy, khi thực hiện chính thức chế định này, để đảm bảo hoạt động của Thừa phát lại đúng pháp luật, hiệu quả, mang lại những tác động tích cực cho người dân và xã hội, hạn chế sai phạm trong quá trình hoạt động thì công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát, nhất là công tác kiểm sát của Viện kiểm sát nhân dân là rất quan trọng nhằm kịp thời xử lý, chấn chỉnh, khắc phục những vi phạm trong tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại là hết sức cần thiết. Từ đó, dự thảo Kế hoạch xác định nhiệm vụ này ở cả Trung ương và địa phương trong năm 2016 và các năm tiếp theo.

6. Triển khai xây dựng Luật Thừa phát lại

Trong quá trình báo cáo Quốc hội về kết quả tổng kết việc thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại, Chính phủ đã xác định và đề xuất với Quốc hội việc xây dựng Luật Thừa phát lại là một nhiệm vụ quan trọng cần triển khai sau khi Quốc hội cho chính thức thực hiện chế định Thừa phát lại. Nghị quyết số 107/2015/QH13 đã quy định Chính phủ phối hợp với Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao triển khai thực hiện Nghị quyết này và chuẩn bị dự án Luật Thừa phát lại, báo cáo Quốc hội xem xét đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội khóa XIV. Vì vậy, dự thảo Kế hoạch xác định việc xây dựng Luật Thừa phát lại là một nội dung quan trọng, trong đó: để phục vụ xây dựng Luật Thừa phát lại, cần tổng kết việc thi hành Nghị quyết số 107/2015/QH13 của Quốc hội vào Quý IV năm 2017 và trình Quốc hội dự án Luật Thừa phát lại vào năm 2018.

Bên cạnh đó, các Văn phòng Thừa phát lại chủ động, nỗ lực, tự khắc phục khó khăn, đề ra nhiều giải pháp cụ thể nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, nhất là trong hoạt động xác minh điều kiện thi hành án và trực tiếp tổ chức thi hành án.

Trên đây là một số vấn đề về triển khai Nghị quyết của Quốc hội về thực hiện chế định Thừa phát lại./.

(Nguồn: http://moj.gov.vn)


Người viết : Phap Nguyen

Giới hạn tin theo ngày :    

Go Top
dia-chi-thua-phat-lai
Tuyển dụng